Phim 'remake' sớm nở tối tàn

02/10/2018 07:09 GMT+7

Từng là trào lưu rầm rộ của điện ảnh Việt, nhưng chỉ sau hơn 2 năm, dòng phim 'Việt hóa', 'remake' (làm lại) phim ngoại đã không còn giữ được sức hút với khán giả và không được các nhà sản xuất mặn mà nữa.

Thành công lớn về doanh thu của Em là bà nội của anh (làm lại từ phim Miss Grandy của Hàn Quốc, khởi chiếu tháng 12.2015, thu về 102 tỉ đồng) khiến nhiều nhà sản xuất Việt phấn khích. Họ đổ xô đi săn lùng các kịch bản phim ngoại để Việt hóa.
Thắng ít, thua nhiều
Sau Em là bà nội của anh, hàng loạt phim “remake” nối đuôi nhau ra rạp, hầu hết làm lại từ phim Hàn như: Sắc đẹp ngàn cân (từ phim 200 pounds beauty); Yêu đi đừng sợ (Spellbound) của Hàn Quốc; Yêu em bất chấp (My sassy girl); Ông ngoại tuổi 30 (Speed scandal)... Bên cạnh đó là các phim làm lại từ phim của các nền điện ảnh khác như Bạn gái tôi là sếp từ phim ATM của Thái Lan; Ngày mai Mai cưới (Get Married của Indonesia); Tìm vợ cho bà (Bride for Rent của Philippines); Kế hoạch đổi chồng từ kịch bản A Boyfriend for My Wife của Argentina...
Tuy nhiên các phim làm lại này khi ra rạp lại thắng ít, thua nhiều. Tính đến nay, chỉ có Em là bà nội của anh và Tháng năm rực rỡ (thu gần 90 tỉ đồng) là thành công về doanh thu lẫn tiếng vang nghề nghiệp cho ê kíp làm phim. Còn Bạn gái tôi là sếp, Yêu đi đừng sợ, Yêu... lượng vé bán ra chỉ ở mức trung bình. Thậm chí có những phim thất bại về nhiều mặt, bị đánh giá là “không khác gì xem một bộ phim Hàn nói tiếng Việt”. Trong đó Ông ngoại tuổi 30 bản Việt vẫn còn những lợn cợn từ chính bản gốc về tình tiết phim và sự khác biệt ở văn hóa ứng xử trong showbiz giữa hai nước khiến câu chuyện phim thiếu thuyết phục khán giả Việt ngay từ đầu.
Chất liệu văn hóa Việt còn nhiều, sao ta phải remake kịch bản nước ngoài?
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân
Doanh thu không khả quan của các phim remake này khiến dòng “phim Việt lai” vắng dần trên màn ảnh rộng. Chỉ còn mỗi nhà sản xuất Minh Beta hiện vẫn theo dòng phim này khi mua lại các phim không nổi tiếng từ các thị trường nhỏ như Philippines, Indonesia, Argentina… để làm, nhưng phim của anh khi ra rạp phải chật vật mới hòa vốn, không tạo được tiếng vang để thu hút khán giả.
Hiện tại, nhiều dự án phim remake đình đám, dù đã lên kế hoạch sản xuất, tuyển diễn viên, công bố thông tin với báo chí nhưng đã hủy thực hiện. Kế hoạch remake bộ phim ăn khách của Hollywood 50 First Dates (50 lần hẹn hò đầu tiên) do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, đánh dấu sự kết hợp giữa nhà sản xuất phim Việt Galaxy và Hãng phim Sony Pictures đã ngưng, như lời của đại diện Galaxy cho biết: “Phim dừng lại vì còn một số vấn đề cần điều đình với đối tác”. Ông ngoại tuổi 30 phần 2 đã từng được đạo diễn Võ Thanh Hòa và nhà sản xuất Đào Thy công bố đang triển khai phần 2 dự kiến mang tên Đi tìm bà ngoại cũng án binh bất động… Đạo diễn Charlie Nguyễn thì cho biết: “Hiện chúng tôi đã hủy dự án phim Sát thủ đầu mang mủ, dự án remake từ truyện tranh Nhật Bản Key of life từng được Hàn Quốc chuyển thể thành phim với tên Luck-Key”.
Đừng là bản sao vô hồn
Phim remake từng là hướng đi mà các nhà sản xuất cho rằng an toàn bởi dựa vào danh tiếng bộ phim ngoại đã thành công, và là giải pháp tình thế trong lúc điện ảnh Việt khan hiếm đội ngũ biên kịch giỏi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy làm phim này không hề “dễ ăn”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng của Tháng năm rực rỡ nhấn mạnh yếu tố văn hóa Việt khi làm lại một bộ phim nước ngoài: “Khi xem bản gốc của Tháng năm rực rỡ, tôi thấy phim rất khó làm bởi nó đậm chất Hàn Quốc, và cũng khá khó hợp với thị trường Việt. Tôi phải nghĩ rất nhiều để tạo ra được sự đồng cảm với số đông, ra được chất văn hóa VN trong bối cảnh, câu chuyện...”. Có lẽ đây là yếu tố then chốt mà các phim remake hiện nay đang thiếu. Sắc đẹp ngàn cân thất bại thảm hại dù quy tụ ê kíp sáng giá là nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, diễn viên Minh Hằng…, bởi phim ra rạp như một bản sao vô hồn, bê nguyên xi từng khung hình, cách diễn của phim gốc.
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng khá thành công với những phim lấy chất liệu truyền thống Việt thì thẳng thắn: “Chất liệu văn hóa Việt còn nhiều, sao ta phải remake kịch bản nước ngoài? Tôi còn 10 dự án phim đang xếp hàng sản xuất trong thời gian tới và sẽ đi theo đúng tinh thần truyền tải được văn hóa Việt và sử dụng hoàn toàn kịch bản gốc từ VN”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.