Phục chế bốn chiếc mũ vua triều Nguyễn đẹp lung linh

17/05/2018 13:03 GMT+7

Từ những túi vàng vải vụn được khai quật trong kho báu, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân VN, bốn chiếc mũ vua triều Nguyễn đã được hồi sinh đẹp lung linh khiến người xem thật sự... kinh ngạc và tự hào.

Một lần tình cờ, TS Phạm Quốc Quân, khi ấy là giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN vào TP.HCM công tác, biết nghệ nhân Vũ Kim Lộc (ở 27/19 Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) đã từng phục chế thành công một chiếc mũ bằng vàng của dân tộc Chăm có niên đại thế kỷ 7, nên ông mới giới thiệu về bốn chiếc mũ vua triều Nguyễn mà bảo tàng mới tiếp nhận trong kho hiện vật của Chính phủ đang bị hư hỏng nặng. Nghệ nhân Vũ Kim Lộc không chỉ vui vẻ nhận lời mà còn mời thêm nghệ nhân kim hoàn Trần Ngọc Trí và thợ bạc Lê Văn Tuấn cùng tham gia.

Một số hiện vật ban đầu được tiếp nhận
Mọi thứ còn đầy bí ẩn
Bị tàn phá theo thời gian
Hoa văn rất tinh xảo
Các nghệ nhân bắt đầu vào cuộc
Hồi sinh cho những chiếc mũ quý
Được biết kho báu vô giá này có khoảng 3000 hiện vật bằng vàng, bạc, ngọc, ngà… trong đó có 4 chiếc mũ của vua đựng trong hai túi nhỏ. Tất cả các loại hình trang trí bằng vàng và đá quý trên mũ đều đã bị tháo rời và vo cuộn lại. Rất tiếc là hiện vật còn bị nhiều chất thải của côn trùng phá hủy nên các loại hình trong túi bị gãy nát và cốt mũ hoàn toàn không có. Nghệ nhân Vũ Kim Lộc nhớ lại: “Vì đặc thù của vàng bạc là những đường nét hoa văn không bị mờ theo thời gian nên chúng tôi chỉ biết làm vệ sinh sơ bộ bằng nước sạch vì sợ mất đi dấu vết sử dụng, kỹ thuật chế tác, lắp ghép…nhất là các loại hình bọc vải và xỏ chỉ. Sau đó đi sâu vào nghiên cứu, phân tích…’.
Điều khiến các nhà phục chế hiện đại vô cùng khâm phục là nghệ thuật chế tác bốn chiếc mũ của những nghệ nhân xưa rất công phu, tinh xảo. Họa tiết trang trí cứ giống như được thêu, dệt bằng những sợi vàng nhỏ rồi được cầu kỳ se lại tạo hoa văn thừng. Kỹ thuật hàn không cần đến công đoạn làm nguội và đánh bóng nhưng tất cả họa tiết, hoa văn nhỏ li ti cứ như dán vào… mũ. “Nếu như hiện nay kỹ thuật kéo sợi vàng chỉ đạt tới độ tinh xảo nhất là 0,25 mm, đặc biệt là hàn các sợi vàng nhỏ 0,1 mm thì đây là hai kỹ thuật thuộc về đỉnh cao trong chế tác mà bất kỳ nghệ nhân nào, kể cả xưa và nay đều ao ước làm được…”, ông Lộc khẳng định.
Ngoài kỹ thuật chế tác điêu luyện, các loại hình trang trí của bốn chiếc mũ còn lý giải thêm một số vấn đề thú vị khi các chi tiết được làm bằng vàng cán mỏng không có dấu vết dùng búa đập mà lại cán bằng kỹ thuật trục ép như ngày nay. Điều này cho thấy nghề kim hoàn ở triều Nguyễn đã có sự tiếp cận phương tiện kỹ thuật của phương Tây, minh chứng cụ thể nhất là những hạt pha lê mài giác cạnh… vừa cho biết cả thị hiếu của người Việt phần nào cũng bị ảnh hưởng.
Từ các bức họa, ảnh chụp và tượng của các vua triều Nguyễn… kể cả nhiều loại mũ của các vua từng đội, nhóm phục chế còn đi khảo sát thực tế về các loại mũ miện của một số thời kỳ đang bảo tồn ở di tích, đền chùa và qua sử sách về quy chế mũ áo ghi lại… Sau gần một năm chạy đua cùng thời gian, bằng cả tấm lòng đam mê lịch sử và bỏ nhiều công sức, cuối cùng công trình bốn chiếc mũ gồm Đại triều và Tế Giao của các vua triều Nguyễn đã được hồi sinh một cách tuyệt hảo, được các hội đồng tư vấn, hội đồng khoa học, hội đồng nghiệm thu đánh giá rất cao.
Mũ Cửu long thông thiên
Mặt sau mũ Cửu long thông thiên
Mũ nhìn góc nghiệng đẹp lung linh và tinh xảo
Mũ Tế giao của vua triều Nguyễn uy nghi qua bàn tay của các nghệ nhân tài hoa
Triều Nguyễn có đến 13 đời vua, trị vì trong khoảng thời gian 143 năm (1802 – 1945) nhưng về nghệ thuật ở mỗi đời vua lại không có những đặc điểm rõ nét. Vì vậy, bằng nhiều phương pháp loại trừ căn cứ vào tài liệu lịch sử, hiện vật, luật của triều Nguyễn, số đo… mà chủ nhân của bốn chiếc mũ gồm 3 Đại triều (mũ Cửu long thông thiên) được giả định thuộc về các vua sau: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại. “Riêng 1 mũ Tế Giao có khả năng là của vua Minh Mạng vì tới triều này mới có loại mũ Tế Giao và nghệ thuật kim hoàn trên mũ Tế Giao có nhiều điểm giống với mũ của Thống chế Lê Văn Phong từng phục vụ ở triều vua này”, ông Vũ Kim Lộc cho biết.

Được sự đồng ý của “bày tay vàng” phục chế Vũ Kim Lộc, Thanh Niên xin giới thiệu đến bạn đọc quá trình gian nan hồi sinh các mũ vua triều Nguyễn và cùng ngắm những tuyệt tác “có một không hai” vô cùng độc đáo này.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.