'Sài Gòn trăm bước' có gì?

01/04/2019 12:07 GMT+7

Tự hỏi mình như vậy, mà quá khó để có câu trả lời đầy đủ, bởi với 320 năm kiến tạo kể từ ngày mở đất, Sài Gòn có quá nhiều thứ để nói về.

Vậy nên, khi được Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng gửi tặng bản sách du khảo có tựa Sài Gòn trăm bước với những bài viết giới thiệu, kèm nhiều bức ký họa dễ thương, lại thấy như được thuyết phục, giở ra xem và ồ lên một tiếng “những thứ Sài Gòn có nằm gần hết ở đây, chứ đâu!”…
Tôi có 25 năm ngụ ở thành phố phương Nam này, lăn lộn cũng đủ nơi, đủ thứ. Có lúc ngồi bên ly cà phê bốc khói ở một góc phố, có khi từ nơi quán bia nào đó tán gẫu, ngẫu hứng hát ca với bạn bè xong lang thang lúc đêm về qua những con đường, hơn cả trăm lần lân la hỏi đủ thứ từ người lạ người quen, để hiểu hơn về nơi chốn đã và đang ở, với khoảng thời gian ngụ ở nơi đây dài nhất trong đời… Nhưng, để hiểu Sài Gòn thì…, chữ “nhưng” này sẽ còn kéo dài vô tận. Bởi thế, mới rõ cái sự lăn lộn và chút hiểu biết của mình còn vô cùng ít ỏi, khi xem qua các chương sách du khảo của Nguyễn Ngọc Dũng, người từ xứ Huế vô đây sống gần trọn một đời, kể từ ngày còn thơ ấu!
Sài Gòn trăm bước có gì?1
Sài Gòn trăm bước có gì?2
Sài Gòn trăm bước có gì?3
Những trang viết và ký họa về Sài Gòn của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng
Đặt tựa Sài Gòn trăm bước, là bởi anh có cái chất văn lặng lẽ của một kiến trúc sư ghiền cà phê, đam mê nhạc và tranh vẽ. Vì thế, những cuốn du khảo của anh đều rất dễ thương, tươi mới, xem để biết thêm, với chỉ chút ít lan man bận lòng. Nhẹ nhàng vậy, mà sâu đằm. Tưởng như có lớp lớp trầm tích đâu đó trên những trang sách in giấy couché rất đẹp.
Nói vậy không ngoa chút nào, nếu như ai có dịp cầm trên tay cuốn sách này. Bắt đầu là phần 1 Sài Gòn trăm bước lạ & quen với 10 chương viết rất công phu về mưa nắng, về sự khác biệt, món ăn đường phố, cây xanh ở các công viên hoặc con đường và điểm nhấn là chương về di sản Sài Gòn có từ bao giờ trong hành trình 320 năm vùng đất này “hiện diện” trên bản đồ đất nước. Phần 2, với tựa đề Bước chậm thời gian, anh viết và vẽ về những bước chuyển của nhiều nền hành chính qua nhiều giai đoạn, trường học và khách sạn, tôn giáo và nhà thờ, chùa chiền và đình đền miếu mạo, lăng mộ và bệnh viện, chợ và bảo tàng, công viên và lễ hội…
Sài Gòn trăm bước có gì?4
Chơi nhạc ngẫu hứng trên đường phố Sài Gòn qua ký họa Nguyễn Ngọc Dũng
Ở mục nào, chương nào với địa chỉ nào, anh cũng cố gắng chuyển tải một cách mượt mà dễ hiểu nhất. Nhưng tôi vẫn thích nhất cái cách anh lý giải hoặc trình bày một đoạn về một món ăn nào đó đặc trưng, hay chất dẫn chuyện của một người lang thang, rất lãng tử mà không hề theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Kể từ lúc anh viết Lang thang phố thị - quyển 1 cách đây hơn 10 năm, về các thành phố nổi tiếng trên thế giới (in năm 2008, đạt Giải thưởng kiến trúc quốc gia cùng năm), Lang thang phố thị - quyển 2 (Giải thưởng kiến trúc TP.HCM năm 2017), Lang thang phố thị - quyển 3, viết về các tỉnh, thành miền châu thổ Cửu Long (2018), thì nay với Sài Gòn trăm bước, xem như đã hoàn thành tâm nguyện một nửa, bởi như anh nói, sẽ còn đi để viết và vẽ về phố thị Cao nguyên, phố thị miền Trung và phố thị miền Bắc. Đây sẽ được xem là một pho khảo luận sâu và rộng về một mảng rất thú vị của đời sống: kiến trúc và văn hóa của mỗi vùng miền, trên dải đất hình chữ S tuyệt đẹp của chúng ta.
Ngồi đọc lan man và viết cũng miên man, về quyển sách ấp ủ đời người của Nguyễn Ngọc Dũng với thành phố phương Nam này lúc nắng vừa lên, vào đúng ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ bỏ cõi đời mà ông vô cùng yêu dấu, tôi lại liên tưởng một điều rằng: với người mê nhạc Trịnh như Dũng, khó lòng mà bỏ quên đi một vài câu hát về Sài Gòn của người nhạc sĩ tài hoa. Và đây, ở trang 32, trong chương Sài gòn mưa rồi chợt nắng, anh đã dẫn Trịnh vào như một sự tình cờ rất đẹp:
Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức…
01.4.2019
* Đọc Sài Gòn trăm bước - Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, NXB Thông Tấn ấn hành, 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.