Sân khấu cải lương Đại Việt mạo hiểm 'ngược dòng' ra Bắc

14/05/2021 18:21 GMT+7

Vở Nàng Xê Đa của sân khấu cải lương Đại Việt đã có chuyến lưu diễn thành công tại tỉnh Bắc Ninh vào ngày 24 và 25.4.

Soạn giả Hoàng Song Việt - “ông bầu” của sân khấu cải lương Đại Việt, cho biết vở cải lương Nàng Xê Đa dự định sẽ lưu diễn tại Hà Nội vào tháng 6, nhưng vì dịch Covid-19 nên tạm hoãn đến tháng 8.2021. Thật thú vị và hồi hộp khi cải lương “ngược dòng” ra Bắc, trong khi mấy chục năm qua thường chỉ có cải lương và kịch phía Bắc vào Nam lưu diễn. "Ông bầu" Hoàng Song Việt đã có cuộc trò chuyện chân tình với Thanh Niên.
* Xin anh cho biết động cơ nào khiến anh dám dẫn “bầu đoàn thê tử” hơn 40 người ra tận Bắc Ninh biểu diễn? Có thể nói đây là một “cú hích” đối với sân khấu cải lương non trẻ mới ra đời mấy năm như Đại Việt?
- Soạn giả Hoàng Song Việt: Thật ra, tôi và các nghệ sĩ đã là thành viên của nhóm Thắp sáng niềm tin suốt mấy chục năm, chắc mọi người cũng rất tin cậy rồi. Giờ chúng tôi trở thành người của Nhà hát Trần Hữu Trang, rồi lại cùng nhau xã hội hóa một lần nữa, thành lập sân khấu cải lương Đại Việt, kết nạp thêm những diễn viên mới. Như vậy “quen” lắm chứ không “non trẻ” tí nào. Kể cả tên của đạo diễn Hoa Hạ cũng là sự bảo đảm.

Soạn giả Hoàng Song Việt

Ảnh: NSCC

Chuyến lưu diễn ở Bắc Ninh vừa qua là do Tập đoàn Hanaka mua dàn toàn bộ để diễn trong dịp khánh thành khu du lịch của họ. Cảm động ở chỗ, thay vì họ có thể tổ chức ca nhạc cho xôm tụ, thì họ lại mời cải lương đến diễn, lại là cải lương phía Nam. Điều này chứng tỏ vẫn còn nhiều người yêu cải lương. Chúng tôi đã diễn hết sức để không phụ lòng khán giả.
* Một vở hoành tráng như Nàng Xê Đa không hiểu các anh vận chuyển cảnh trí như thế nào? Có ai ở ngoài Bắc hỗ trợ đoàn không?
- Có chứ! Đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên đã huy động anh em giúp chúng tôi rất nhiều. Anh ấy cho xe tải, xe ca chở người và cảnh tới nơi tới chốn. Đêm nào anh em cũng ra điểm diễn với chúng tôi, vừa hàn huyên với nhau, vừa xem có gì hỗ trợ là làm liền. Chúng tôi chỉ đi 43 người, còn lại 7 diễn viên phải nhờ sân khấu phía Bắc tăng cường. Ấy là đã bỏ lại 20 diễn viên múa, cũng may vì những cảnh múa đó dù cắt gọn cũng không ảnh hưởng mấy đến nội dung.
Còn cảnh trí thú thật là ra Bắc mượn bục bệ của anh em ngoài đó, còn cảnh lớn đành phải dùng màn hình Led. Sân khấu ngoài trời thì xài màn hình Led cũng chấp nhận được. Nói chung là vẫn đẹp, hấp dẫn.
* Mỗi suất diễn được bao nhiêu khán giả? Họ xem cải lương phía Nam có dễ không?
- Mỗi suất trung bình gần 2.000 khán giả. Họ xem cực kỳ nghiêm túc, lắng nghe kỹ từng lời từng chữ. Thích lắm.
* Thông thường, khán giả miền Bắc ít chịu mua vé xem cải lương Vậy mà anh dám dự kiến đưa cải lương ra đó vào tháng 8 tới, bán với giá 2 triệu đồng/vé, liệu anh có mạo hiểm không?
- Chuyến đi Bắc Ninh lần này đã cho chúng tôi những tín hiệu vui, thì chúng tôi mới dám tiếp bước. Nói cho rõ là có 7 mức vé từ 300.000 đồng/vé cho tới 1,8 triệu, rồi 2 triệu đồng/vé. Bộ phận bán vé online của chúng tôi đã hoạt động từ lâu và đã có khán giả đặt vé. Thực sự, tôi chỉ mong chuyến đi Hà Nội huề vốn, hoặc lỗ chút chút là mừng. Cho nên tôi sẽ đi tìm tài trợ thêm. Nghĩa là thay vì tài trợ một số tiền lớn, thì chỉ cần bạn bè và mạnh thường quân mỗi người hỗ trợ tiền vé máy bay, chi phí phòng khách sạn, thế là chúng tôi yên tâm. Hiện nay tôi đã được hỗ trợ mười mấy vé máy bay, sắp tới chắc sẽ có những bàn tay đưa ra tiếp sức.
Sở dĩ tôi mạnh dạn ra Bắc biểu diễn, vì tôi nghĩ khán giả đón làn gió mới từ phương Nam chắc cũng thú vị, từ đó thêm mặn mà với cải lương. Thực tế cũng đã có những đoàn ra Bắc nhưng là chương trình tổng hợp với các trích đoạn. Còn mình đem cả một tuồng dài, nên mới đáng lo lắng. Nhưng nếu không dám mở đường cho lần thứ nhất, thì lấy đâu ra lần thứ hai, thứ ba…
* Anh có nghĩ sân khấu Đại Việt cần mở thêm đường về miền Tây và miền Đông Nam bộ hay không?
- Tôi đang làm việc với một đơn vị ở Cần Thơ, tìm ra phương cách thuận lợi nhất cho đôi bên. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, chúng tôi sẽ tiến hành biểu diễn. Và nếu có những lễ hội hay sự kiện cần chúng tôi, thì ê kíp Nàng Xê Đa sẽ lên đường ngay.

NSƯT Trung Thảo (phải) vai khỉ Hanuman, Minh Trường vai hoàng tử Pơ Le trong Nàng Xê Đa

ẢNH: H.K

* Sau chuyến đi lưu diễn phía Bắc, anh rút ra điều gì tâm đắc nhất? Điều gì quan trọng để sân khấu cải lương được sáng đèn?
- Tôi nghĩ, một trong những yếu tố quan trọng là phải biết nương tựa nhau mà sống. Anh em miền Bắc vào đây lưu diễn thì anh em phía Nam chúng tôi hỗ trợ và ngược lại, khi chúng tôi ra Bắc thì anh em ngoài đó hỗ trợ, từ bán vé cho tới phương tiện vật chất, kỹ thuật, tăng cường diễn viên… Ngay cả sân khấu tại TP.HCM thôi, chúng tôi cũng hỗ trợ nhau. Ví dụ khi tôi lên lịch biểu diễn thì anh em của các đơn vị khác quảng bá giùm, chia sẻ thông tin lên Facebook, đến khi anh em diễn thì tôi cũng làm y như vậy.  
Trong nghề, chúng tôi tranh đua chứ không ganh đua. Tranh đua là cố gắng làm cho tác phẩm hay hơn; còn ganh đua là tìm cách xấu để hạ bệ nhau. Cải lương đang rất khó khăn, chúng tôi phải sống như vậy thì mới cùng nhau tồn tại. Mà sống như vậy thì trong lòng rất vui, chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ cho mình có sức vượt qua khó khăn.
* Cảm ơn anh. Chúc "ông bầu" Hoàng Song Việt và sân khấu cải lương Đại Việt sẽ có thêm những chuyến lưu diễn thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.