Sân khấu cho tài năng âm nhạc ‘nhí’

29/03/2019 08:39 GMT+7

Đã có những nỗ lực nhằm tạo nên sân khấu cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển VN đến với công chúng.

Chơi cùng dàn nhạc chuyên nghiệp

Đầu tháng 3 vừa qua, Phan Thiên Bạch Anh (đoạt giải vàng tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế châu Á tại Hàn Quốc năm 2012 khi mới 10 tuổi), Trương Thị Ngân Hà (đoạt giải nhất bảng B lứa tuổi 10 - 12 tuổi tại cuộc thi International Music Competition Pietro Argento lần thứ 18 - Ý) và Lưu Danh Khôi (giải bạc cuộc thi Piano quốc tế châu Á tại Hàn Quốc 2014) đã trở thành những nghệ sĩ khách mời của chương trình hòa nhạc với Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (SSO). Các nghệ sĩ “nhí” đã chơi độc tấu cùng nghệ sĩ quốc tế và nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine những tác phẩm nổi tiếng thế giới là Finlandia của Jean Sibelius, bản concerto dành cho piano của Mozart, Chopin và Beethoven; Thunder and Lightning Polka của Strauss II, mang lại sự thú vị cho công chúng.
Theo thông tin từ Dàn nhạc SSO, trong năm nay dàn nhạc sẽ cùng Học viện Âm nhạc quốc gia VN thực hiện 6 buổi hòa nhạc, trong đó nhằm mang lại cơ hội biểu diễn cùng dàn nhạc chuyên nghiệp cho những tài năng trẻ của trường.
Cách đây vài năm, những gương mặt còn nhỏ tuổi của Học viện Âm nhạc quốc gia VN đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế, gồm Phương Vi, Nguyễn Đăng Quang, Ngô Tuấn Anh, Đỗ Hoàng Linh Chi (piano), Nguyễn Linh Uyên và Đỗ Phương Nhi (violin) đã có buổi trình diễn tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội). Mục đích của Học viện Âm nhạc quốc gia VN tổ chức đêm nhạc khi đó là giới thiệu dần đến công chúng những tài năng trẻ. Chương trình đã mang lại sự bất ngờ cho khán giả yêu nhạc cổ điển, bởi rất hiếm khi được nghe những nghệ sĩ nhỏ tuổi chơi nhạc.
Dù không nhiều, nhưng một số nhà tổ chức đã chú ý đến việc giới thiệu những tài năng trẻ đến công chúng. Chẳng hạn, tài năng violin Đỗ Phương Nhi từng được mời tham gia biểu diễn xuyên Việt cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN và nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji, khi mới 13 tuổi. “Chúng tôi muốn tạo cơ hội phát triển cho những tài năng trẻ. Đưa các em đến gần hơn với công chúng, cũng như để công chúng biết đến các em”, nhạc trưởng Honna Tetsuji chia sẻ về lý do Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN kết hợp với nghệ sĩ “nhí”.

Dàn nhạc giao hưởng nhí đầu tiên

Có một thực tế là những tài năng violin hay piano thường được chú ý nhiều hơn những tài năng chơi các loại nhạc cụ khác. “Ở VN, mọi người thường cho con học piano hay violin. Nhiều chương trình, cuộc thi hay liên hoan từ nhỏ đến lớn thường dành cho hai loại đàn này, trong khi lại ít dành cho những người chơi các loại nhạc cụ khác như flute, kèn, oboe... Thực tế, đây đều là những nhạc cụ có trong dàn nhạc và cũng cần những nhạc công tài năng”, nhạc trưởng Lưu Quang Minh (Dàn nhạc Maius Philharmonic) chia sẻ. Đó cũng là lý do thúc đẩy anh tổ chức một trại hè âm nhạc dành cho các em nhỏ chơi những loại nhạc cụ khác nhau của một dàn nhạc.
“Khó khăn đầu tiên khi tôi quyết định làm một trại hè như vậy là không biết có đủ các bạn nhỏ đến học để tạo nên “biên chế” cho dàn nhạc giao hưởng nhí mà tôi muốn hướng đến không. Nếu không đủ thì không thể tổ chức được”, nhạc trưởng Lưu Quang Minh nói. Cuối cùng, may mắn là anh cũng đã “gom” đủ 13 em nhỏ từ 9 - 16 tuổi. Năm ngoái, dàn nhạc giao hưởng “nhí” đầu tiên có tên Junior Maius Orchestra được ra mắt. Ở đó, các em được tập luyện chơi những tác phẩm âm nhạc kinh điển của thế giới chuyển soạn phù hợp với lứa tuổi, và quan trọng hơn là được tập luyện, kết nối với nhau, hiểu cách cùng chơi trong một dàn nhạc.
“Ngành âm nhạc cần có sự trải nghiệm. Càng có nhiều trải nghiệm thì càng có nhiều kinh nghiệm. Điều đó sẽ giúp các em phát triển nhanh hơn. Bởi khi các em va chạm, cọ xát với nhau, sẽ dễ hiểu ra điều gì là cần cho mình. Các em sẽ có những định hướng, phương thức tập luyện tốt hơn, tiến bộ nhanh hơn”, nhạc trưởng Lưu Quang Minh nói.
Cùng với việc tạo dựng sân chơi và sân khấu cho những tài năng nhỏ tuổi, nhạc trưởng Lưu Quang Minh kỳ vọng dàn nhạc giao hưởng “nhí” được thành lập cũng là tiền đề để mang đến những tài năng xuất sắc cho các dàn nhạc giao hưởng, thính phòng sau này, cũng như tiếp tục “chiêu dụ” tài năng “nhí” chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau.
“Việc rèn luyện, cọ xát trong biểu diễn từ nhỏ rất cần thiết cho sự phát triển của những tài năng âm nhạc. Trên thế giới, nhiều tài năng nhỏ tuổi chơi nhạc rất tốt vì ngoài tập luyện ra, các em còn có định hướng và có sự va chạm thực tế. Các em biết mình phải tập cái gì và tập như thế nào. Đấy cũng chính là điều mà chúng tôi muốn xây dựng trong tâm lý và nhận thức của các em”, nhạc trưởng Lưu Quang Minh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.