Sau này dù mỗi người chuyển đi một trường, nhưng tôi vẫn dõi theo và kết nối, giới thiệu cho cô Võ Thị Minh Tuyết những trường hợp khó khăn cần giúp đỡ, nhất là trong mùa dịch Covid-19.
Lúc đầu đối tượng giúp đỡ chủ yếu là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như em Tào. Tuy mới học lớp 5 nhưng bé Tào đã trở thành lao động chính trong nhà vì cha mẹ ốm đau, tàn tật. Em phải nghỉ học để đi làm thuê, đi thả lưới giăng câu kiếm tiền nuôi gia đình. Cô Minh Tuyết thường lặng lẽ xin áo quần cũ, xin gạo của bà con trong khu chợ, trong lối xóm cùng với những đồng tiền tiết kiệm của mình, đem đến tận nhà những trường hợp cần giúp đỡ. Việc làm của cô Minh Tuyết đã được nhiều người dân biết tới, thế là họ kết nối nhờ cô giúp đỡ thêm những trường hợp đặc biệt thương tâm.
Cô Minh Tuyết đã vô cùng xúc động khi chứng kiến cảnh tình của anh Khánh Hội ở đội 6, thôn 5, xã Đa Kia, H.Bù Gia Mập (Bình Phước). Mồ côi từ nhỏ, Hội lang thang làm thuê kiếm sống khắp nơi rồi trôi dạt vào Bình Phước. Lúc đầu còn giành được chút tiền, sau đổ bệnh không đi làm được nữa. Không có tiền đi viện, không tiền thuốc men, người anh teo tóp dần và cấm khẩu. Hội luôn khao khát được đi viện, được các thầy thuốc cứu chữa cho mình, dù chỉ một lần. Thấy hoàn cảnh anh Hội như thế, cô Tuyết đã thuyết phục chủ nhà nơi Hội làm thuê cho anh đi viện. Tiền thuốc, tiền viện được cô chi trả. Nghe thế, tự nhiên anh Hội thốt ra thành lời hai tiếng “nhớ lấy”.
Hôm sau, anh Hội được đưa đến bệnh viện chữa trị. Khi cô Tuyết đến thăm mang tiền đến thì anh Hội đã đỡ mệt, đôi mắt linh hoạt hơn và ngân ngấn nước mắt. Anh nhìn cô như cảm ơn, dù không nói được lời nào. Vì anh Hội bệnh đã quá lâu nên không chữa được nữa. Nhưng anh đã được toại nguyện một ước mơ đau xót: “Một lần được đi viện khám, được chữa bệnh trong đời”. Còn với Minh Tuyết, hai tiếng “Nhớ lấy” của anh Hội hôm nào cùng thân hình tiều tụy, gương mặt hốc hác, đôi mắt ngấn nước như muốn nói lời cảm ơn của anh đã ám ảnh và thôi thúc cô làm việc thiện.
|
Việc làm thiện lành đầy ý nghĩa lớn lao
Ngoài giờ đến trường đứng lớp, cô Tuyết còn làm bánh kem, làm thêm, bán thuốc đông y online để có thêm thu nhập. Ngoài ra, Minh Tuyết lập trang Facebook chuyên về thiện nguyện, để đăng tải và chia sẻ những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Rất nhiều nhà hảo tâm (sau khi chứng kiến những việc làm thiết thực, hiệu quả của Tuyết) đã cùng chung tay giúp đỡ. Đặc biệt nhất là cô Nguyễn Thị Hân - chủ tiệm bánh kem Thịnh Phát ở TP.Đồng Xoài (Bình Phước) luôn có tấm lòng nhân ái, trường hợp nào cũng góp sức chung tay giúp đỡ. Tiếng lành đồn xa, một ni sư tu học ở nước ngoài tên Zuly đã gửi về nhờ cô Tuyết chuyển số tiền 5.000 USD đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ.
Không kém phần đặc biệt là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu ở đội 9 thôn 6, xã Đa Kia. Thu là học sinh của cô Tuyết theo học năm lớp 3 (1996). Noi theo cô giáo Thu tích cực tham gia từ thiện, dù thu nhập của công nhân cạo mủ cao su chẳng đáng là bao, lại phải nuôi con nhỏ nhưng Thu vẫn nhín ra chút tiền đóng góp 200.000 đồng. Khi biết mình bị mắc bệnh ung thư, Thu vẫn không bỏ việc làm ý nghĩa này. Biết tình trạng sức khỏe của Thu, cô Tuyết cùng các nhà hảo tâm giúp Thu một phần tiền thuốc men là 12 triệu đồng. Lẽ sống "người yêu người, sống để yêu nhau” cứ từ những việc làm đầy ân tình như thế mà lan rộng.
|
Qua 4 năm (từ 2017 đến nay), đặc biệt từ khi dịch Covid-19 dẫn đến việc giãn cách xã hội khiến sản xuất buôn bán gặp nhiều khó khăn, người nghèo càng khó khăn hơn, cô Minh Tuyết cùng các nhà hảo tâm đã giúp đỡ được 200 trường hợp. Nhiều nhất là hỗ trợ xây nhà tình thương cho gia đình ông Hoàng Văn Ú và bà Đàm Thị Tà ở thôn Bình Tiến, xã Phước Minh, H.Bù Gia Mập; giúp gia đình Nguyễn Anh Hùng ở thôn 5, xã Bình Thắng, H.Bù Gia Mập; giúp 4 cháu nhỏ mất cả cha mẹ xã Đăk Ơ, H.Bù Gia Mập; chắp cánh ước mơ cho em Nguyễn Văn Thành ở xã Bình Thắng…
Hiện nay danh sách những khoản giúp đỡ của các nhà hảo tâm cùng danh sách và số tiền, vật chất những gia đình được giúp đỡ luôn được công khai, minh bạch. Mỗi khi trao, cô Tuyết đều trực tiếp đến từng nhà, trao tận tay, bất chấp nắng hay mưa, đường sá xa xôi cách trở. Cô ghi lại hình ảnh để báo cáo với những người đã tin tưởng, ủy thác tấm lòng và trọng trách cho cô.
Những ngôi nhà ấm áp cho những người mà cuộc sống tối tăm không mái ấm, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ bơ vơ đỡ nhao nhác hơn trong đói khổ, có cơ may lại được đến trường… Minh Tuyết cho rằng cô là người hạnh phúc vì đã kêu gọi được những tấm lòng thiện lành để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh như thế.
Có chứng kiến nỗi đau khổ và niềm vui trên gương mặt những người cần và được giúp đỡ mới thấy việc làm thiện lành của Võ Thị Minh Tuyết và các nhà hảo tâm tuy lặng lẽ, bé nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn lao biết nhường nào. Đạo lý “thương người như thể thương thân” đã được thể hiện giản dị và cao đẹp như thế.
|
Bình luận (0)