Sống lại ngày Độc lập 2.9 qua tư liệu

18/08/2020 06:26 GMT+7

Những mẩu tin ngắn kêu gọi kháng chiến; lễ Tuyên ngôn độc lập; Chính phủ nước VN Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội khóa 1 bầu ra... là những hình ảnh trong trưng bày Ngày Độc lập 2.9 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội).

Khởi nghĩa!

Những trang báo Cứu quốc ngày 20.8.1944 cũng nóng như hơi thở của những ngày chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Trang nhất của số báo này có những mẩu tin ngắn: Quỹ mua súng, Lễ mừng chỉnh đốn trung đội thứ hai, Tự vệ các nơi hoạt động. Tin ngắn Quỹ mua súng viết: “Khắp nơi, các hội cứu quốc đương tìm hết cách quyên tiền giúp vào quỹ mua súng của Việt Minh. Toàn thể đồng bào hãy nhiệt liệt hưởng ứng!”.
Trong khi đó, tờ Khởi nghĩa số 15.4.1945 trang nhất có hai bài Gấp tiến tới Tổng khởi nghĩa và Một cuộc tranh đấu vĩ đại đánh bại quân phản quốc. Bài đầu có đoạn: “Tiếng súng giết giặc đang rền vang tại nhiều tỉnh miền thượng du Bắc kỳ. Phong trào kháng Nhật cứu nước sôi nổi khắp nơi. Nhiều bạn sốt sắng mong khởi nghĩa nổ ra. Khởi nghĩa! Khởi nghĩa!”…
Sưu tập báo chí một trong những nội dung tại trưng bày chuyên đề Ngày Độc lập 2.9 (từ 18.8 đến hết tháng 12). Trong đó, phải kể đến một số tờ báo tiêu biểu như Cờ giải phóng, Cứu quốc, Việt Nam Độc lập, Tiếng súng khởi nghĩa, Chiến đấu, Cởi ách…
Sống lại ngày Độc lập 2.9 qua tư liệu1

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình

ẢNH: TƯ LIỆU BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA

Ở trưng bày, còn có thể thấy những sợi chỉ kim tuyến mà phụ nữ Hà Nội dùng thêu cờ đỏ sao vàng. Có cả áo dài của sư cụ Phạm Thông Hòa ở chùa Đồng Kỵ, H.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đưa cho đồng chí Trường Chinh mặc để cải trang tránh sự truy nã của mật thám Pháp, năm 1940. Có chiếc ấm của bà Hoàng Thị Dậu dùng để sắc thuốc cho lãnh tụ Hồ Chí Minh khi bị ốm ở Tân Trào, H.Sơn Dương, Tuyên Quang, năm 1945.
Trưng bày có hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn, thể hiện 2 chủ đề là Sức mạnh dân tộc, gồm các nghị quyết, chỉ thị, sưu tập báo chí, truyền đơn, vũ khí, cờ và Ngày Độc lập 2.9, giới thiệu những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự kiện ngày 2.9.1945 và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sống lại ngày Độc lập 2.9 qua tư liệu2

Một tờ tiền Cụ Hồ

ẢNH: THỦY NGUYỄN

Ngày Độc lập

Những ngày toàn dân chuẩn bị tổng khởi nghĩa “nóng” bao nhiêu thì ngày Độc lập lại thiêng liêng và rộn rã bấy nhiêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Trong phần trưng bày, có thể thấy những hình ảnh lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập; ảnh Việt Nam giải phóng quân tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội trong lễ tuyên ngôn độc lập; ảnh các nữ du kích, tự vệ Giải phóng quân ở chiến khu về Hà Nội dự lễ; nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn mít tinh… Trong đó có những hiện vật độc đáo như con tem do chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương phát hành được tiếp tục lưu hành sau khi in đè lên dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập Tự do Hạnh phúc. Bưu chính 30 xu, lưu hành năm 1945”. Trong trưng bày cũng có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp Chính phủ ngày 3.9.1945.
Sống lại ngày Độc lập 2.9 qua tư liệu3

Những tờ báo sôi nổi không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa

ẢNH: THỦY NGUYỄN

Những ngày xây dựng nhà nước non trẻ đó, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã vận động nhân dân cả nước tham gia Tuần lễ vàng và xây dựng Quỹ Độc lập. Những hình ảnh cho thời kỳ này gồm ảnh nhân dân đóng góp tiền, vàng tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 16.9.1945; ảnh phong trào góp gạo cứu đói…
Trưng bày còn có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 1 đi bầu cử Quốc hội ngày 6.1.1946; ảnh người dân cầm lá phiếu cử tri đi bầu cử; các hiện vật: hòm phiếu, quốc ca, quốc kỳ, bộ sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nhiều người quen gọi là “giấy bạc Cụ Hồ”…
Nhiều hồi ức cũng được công bố trong trưng bày. Trong đó nhà sử học Archimedes L.A.Patti viết trong cuốn Tại sao Việt Nam (Why Vietnam): “Một tiếng trong loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu “Ông Hồ là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc”. Quần chúng được hướng dẫn của các đảng viên, lên tiếng hát và trong mấy phút liền hô vang “độc lập”. Ông Hồ ngồi yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản tuyên ngôn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.