Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Bất ngờ với giải Nobel Văn chương 2020

11/10/2020 05:30 GMT+7

Nữ thi sĩ Mỹ Louise Gluck bất ngờ được xướng tên nhận giải Nobel Văn chương 2020 và lễ trao Giải thưởng sách Quốc gia 2020 diễn ra với 3 giải A được trao là những sự kiện văn hóa nổi bật trong tuần qua trên Thanh Niên Online.

Nữ thi sĩ Mỹ Louise Gluck bất ngờ đoạt Nobel Văn chương 2020

Không phải Jamaica Kincaid (Mỹ), Anne Carson (Canada) hay tiểu thuyết gia Nhật nhiều lần bị lỡ hẹn Haruki Murakami như dự đoán trước đó, nhà thơ Mỹ Louise Gluck bất ngờ được xướng tên nhận giải Nobel Văn chương 2020 vào 18 giờ ngày 8.10 (giờ Việt Nam).
Louise Gluck không hề “ăn may” giải Nobel Văn chương năm nay. Nữ nhà thơ 77 tuổi sinh tại New York có bảng vàng thành tích thuộc loại “không phải dạng vừa”: Huy chương nhân văn Quốc gia (National Humanities Medal), Giải Pulitzer, Giải thưởng sách Quốc gia (National Book Award), Giải Bollingen…Viện Hàn lâm Thụy Điển đã nhận định về Louise Gluck khi trao giải Nobel Văn học 2020: “Vì giọng thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp khắc khổ làm cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ biến”.
Năm 1968, bà xuất bản tập thơ đầu Con đầu lòng (Firstborn), nhận được sự chú ý tích cực của giới phê bình. Rồi hàng loạt tập thơ đình đám của bà xuất hiện trên văn đàn: Ngôi nhà trên đầm lầy (The House on marshland, 1975); Mảnh vườn (The Garden, 1976); Hình hài hư hao (Descending Figure, 1980); Chiến thắng của Achilles (The Triumph of Achilles, 1985)…
Năm 1984, Louise Gluck làm giảng viên trường Cao đẳng William ở Massachusetts. Năm 1985 cha bà qua đời thúc đẩy bà viết tập thơ Ararat xuất bản năm 1990. Viết trên tờ The New York Times vào năm 2012, nhà phê bình Dwight Garner gọi đây là “cuốn sách tàn bạo và đầy đau khổ nhất của thơ ca Mỹ được xuất bản trong vòng 25 năm qua”. Giải thưởng Pulitzer bà nhận vào năm 1993 càng củng cố danh tiếng của Louise Gluck như một nhà thơ xuất chúng của nước Mỹ. Bà nhận rất nhiều lời mời giảng dạy tại các đại học lừng danh như Đại học Stanford, Đại học Boston.. Louise Gluck là tác giả nữ thứ 16 nhận giải Nobel Văn học trong số 116 người được trao giải từ năm 1901.

Giải thưởng sách Quốc gia 2020 trao 3 giải A

Tối 9.10, lễ trao Giải thưởng sách Quốc gia 2020 đã diễn ra tại Hà Nội. Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản VN (đơn vị tổ chức giải thưởng), đánh giá sách tham dự giải lần này có nội dung phong phú, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.

Những cuốn sách nhận giải A

ẢNH: NGỮ YÊN

3 tác phẩm đoạt giải A: Lịch sử (Historial), tác giả Herodotus, người dịch PGS-TS Lê Đình Chi, NXB Thế giớiHình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu (2 tập), PGS-TS Nguyễn Văn Thường (chủ biên), NXB Y học; Đoàn binh Tây Tiến (Đoàn võ trang tuyên truyền Biên khu Lào - Việt), Quang Dũng, NXB Kim Đồng.

10 tác phẩm đoạt giải B: Kiểm soát quyền lực ở nước ta qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, Mai Trực (chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; Mặt trái của công nghệ, tác giả Peter Townsend, người dịch Quế Chi, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; Các khuynh hướng và trường phái ngôn ngữ học hiện đại, GS-TS Nguyễn Thiện Giáp, NXB ĐHQG Hà Nội; Tên tự tên hiệu các tác giả Hán Nôm VN, PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh, NXB KHXH; Thực phẩm chức năng, PGS-TS Trần Đăng (chủ biên), NXB Y học; Biến đổi môi trường lớp phủ và giải pháp phát triển bền vững tại các đảo san hô khu vực quần đảo Trường Sa, TS Đỗ Huy Cường, NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ; Lược khảo văn học (3 tập), GS Nguyễn Văn Trung, NXB Tổng hợp TP.HCM; Hát then các dân tộc Tày, Nùng, Thái VN (3 cuốn), biên soạn Đặng Hoành Loan, Th.S Phạm Minh Hương, Th.S Nguyễn Thủy Tiên, NXB Văn hóa Dân tộc; bộ sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Đông Hồ (2 cuốn), Nguyễn Thị Thu Hòa (chủ biên), GS-TS Trịnh Sinh, Lê Bích, NXB Thế giớiSài Gòn của em (2 cuốn), tranh Lê Thư, lời Hoàng Nguyên, NXB Trẻ.

14 tác phẩm đoạt giải C: Công tác địch vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), TS Lê Văn Cử, NXB Quân đội nhân dân; Chiến lược đại dương xanh, tác giả W.Chan Kim và Renee Mauborgne, người dịch Phương Thúy, hiệu đính Ngô Phương Hạnh, NXB Lao động - Xã hội; Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại, tác giả Siddhartha Mukherjee, người dịch Bùi Thanh Châu, NXB Dân trí; Tổ quốc đồng đội và văn nghệ, GS-TS Đinh Xuân Dũng, NXB Văn học; Nét Việt trên bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đồng chủ biên: TS Trần Hậu Yên Thế, KTS Trần Trung Hiếu, NXB Mỹ thuật; Lịch sử các chế độ báo chí ở VN (2 tập), Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, NXB Tổng hợp TP.HCM; Bộ sách hóa học phân tích hiện đại (3 tập), GS-TS Phạm Luận, NXB Bách khoa Hà Nội; Vật liệu biến hóa có chiết suất âm - công nghệ chế tạo, tính chất và ứng dụng, PGS-TS Vũ Đình Lãm, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ; Được học, tác giả Tara Westover, người dịch Nguyễn Bích Lan, NXB Phụ nữ; Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế, tác giả Léopold Michel Cadière, Edmond Gras, người dịch và chú giải Lê Đức Quang, NXB Hà Nội; Chào thế giới, bây giờ con đã đến, Lê Minh Quốc, NXB Văn hóa văn nghệ TP.HCM; Vào bếp nấu ăn săn ngay điểm tốt, Đỗ Xuân Thảo, Phan Thị Hồ Điệp, NXB Lao động; Giáo dục đa giác quan (4 cuốn), tác giả Palva Hanácková, minh họa Linh Đào, Irene Gough, người dịch Hoàng My, NXB Hà Nội; Lật mở cùng con (4 cuốn), lời Bảo Ngọc, tranh Thu Nấm, Đậu Xanh, NXB Thanh Niên.

Nghệ sĩ ưu tú vẫn đi thi giải Trần Hữu Trang

Nhiều lần tạm hoãn vì dịch Covid-19, cuối cùng cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang cũng diễn ra vòng sơ kết của khu vực TP.HCM vào ngày 3, 4 và 5.10 với 22 thí sinh. Còn khu vực Hà Nội thi trong hai ngày 8 và 9.10; khu vực Cần Thơ thi vào 12, 13 và 14.10. Sau đó sẽ tuyển chọn các thí sinh của ba khu vực để dự thi vòng bán kết.
Năm nay cuộc thi đã mở rộng ra quy mô toàn quốc nên huy chương sẽ được tính vào quy chế xét phong tặng Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân. Ngoài giải thưởng cho các vai kép mùi, đào mùi, còn có thêm giải cho đào lẳng, kép độc, đào mụ, kép lão. Cho nên trong danh sách thí sinh có những gương mặt lão thành như Thanh Sơn, Linh Trung, Khánh Tuấn, và có những diễn viên tuy ngày thường hay đóng vai mùi nhưng đã chọn thi vai lẳng độc như Kim Ngân, Hà Như, Tô Tấn Loan, Kim Nhuận Phát, Thanh Toàn, Thúy My… Phần còn lại là đào kép trẻ đẹp dự thi vai mùi như Nhã Thy, Ngân Tuyết, Lê Trung Thảo, Diễm Thanh, Lê Thanh Thảo, Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Mẹo…

NSƯT Lê Trung Thảo trong vở Nhật thực

Ảnh: H.K

Đáng chú ý trong danh sách thí sinh dự thi giải Trần Hữu Trang khu vực TP.HCM có Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Trung Thảo. Anh không chỉ là NSƯT mà còn là đạo diễn và giảng viên trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM. Dù sự nghiệp đã khá ổn định, NSƯT Lê Trung Thảo vẫn “lều chõng” tham gia thi giải Trần Hữu Trang bởi theo anh: “Vẫn kiên quyết chạm tay vào giải này, bởi tôi ấm ức, mình đi thi mấy lần vẫn trượt, trong khi các cuộc thi khác thì thành công. Không lẽ tôi không có “duyên” với giải Trần Hữu Trang? Người ta nói chữ “duyên” hình như cũng có thật, nhưng tôi vẫn không muốn tin, cứ làm hết sức mình khi còn có thể. Mình còn chưa già, còn đi thi nổi thì không bỏ cuộc”..

Tranh Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn của Lê Phổ bán được hơn 32 tỉ đồng

Tại phiên đấu giá Họa sĩ châu Á - Tác phẩm quan trọng của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) diễn ra ngày 6.10, bức tranh Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn (Jeune fille aux pivoines) của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá hơn 1,16 triệu euro.

Bức tranh Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn

ẢNH: AGUTTES

Trang web của nhà đấu giá Aguttes đưa thông tin, bức Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn vẽ bằng mực và màu trên lụa, khổ 91 x 71 cm, có giá ước tính ban đầu từ 500.000 - 800.000 euro nhưng đã được nhà đấu giá Aguttes bán đến 1.164.760 euro (bao gồm cả thuế và phí giao dịch), tương đương khoảng 32,6 tỉ đồng.
Nhà Aguttes còn đấu giá nhiều tác phẩm của Lê Phổ và các họa sĩ khác như Mai Trung Thứ (1906 - 1980), Vũ Cao Đàm (1908 - 2000), Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984), Nguyễn Anh (1914 - 2000), Nguyễn Siên (1916 - 2014)… với các mức giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn euro mỗi bức.
Họa sĩ Lê Phổ (1907 - 2001) được xem như một trong những họa sĩ hàng đầu của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Hai tác phẩm trước đó của Lê Phổ vượt mốc triệu euro là Khỏa thân đạt mức giá kỷ lục 1,2 triệu euro (khoảng 33,7 tỉ đồng) năm 2019 và Đời sống gia đình có giá 1,02 triệu euro (28,6 tỉ đồng) năm 2017.

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần đầu tổ chức online kết hợp sự kiện trực tiếp

Do dịch Covid-19, Lễ hội Áo dài TP.HCM năm nay lùi lịch và diễn ra từ ngày 11.10 - 20.11, với lễ khai mạc lúc 18 giờ 30 ngày 11.10 ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - trong khuôn viên Thảo Cầm Viên tại TP.HCM, một địa điểm hoàn toàn mới so với 6 lần tổ chức trước.

Bộ sưu tập Sắc màu hạnh phúc của nhà thiết kế Liên Hương được biểu diễn trong đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TP.HCM vào tối 11.10

ẢNH: MILOR TRẦN

Trong bối cảnh cả nước đang khôi phục các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội sau thời gian dài đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 7 với chủ đề Tôi yêu áo dài Việt Nam là sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện trong chiến dịch Thành phố Hồ Chí Minh xin chào - Hello Ho Chi Minh City do ngành du lịch thành phố triển khai nhằm giới thiệu đến du khách hình ảnh điểm đến TP.HCM “An toàn - sống động - cởi mở - đầy hứng khởi” và tái khởi động hoạt động của ngành du lịch thành phố.
Lễ hội Áo dài TP.HCM 2020 do Sở Du lịch TP.HCM - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.HCM tổ chức, có sự tham gia với vai trò đại sứ hình ảnh của NSND Kim Xuân, NSƯT Phi Điểu, NSƯT Trịnh Kim Chi, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 Nguyễn Trần Khánh Vân, Hoa hậu VN 2018 Trần Tiểu Vy, MC Quỳnh Hoa, Tấn Tài, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Kyo York… cùng sự hưởng ứng và đồng hành của các nhà thiết kế áo dài: Liên Hương, Võ Việt Chung, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Ngô Nhật Huy, Việt Hùng...

Jack và Binz đại diện Việt Nam tranh tài tại giải thưởng MTV EMA và ATA 2020

Jack hiện đang là ca sĩ trẻ được khán giả tuổi teen yêu thích tại Việt Nam

ẢNH: NSCC

Nam ca sĩ Jack sẽ đại diện Việt Nam tranh tài tại giải thưởng âm nhạc châu Âu MTV EMA; đồng thời MV Bigcityboi của rapper Binz sẽ tranh tài tại giải thưởng truyền hình châu Á - ATA 2020.
Kênh truyền hình MTV Việt Nam vừa có buổi họp báo vào chiều 7.10 tại TP.HCM, công bố nam ca sĩ Jack sẽ đại diện Việt Nam tranh tài tại giải thưởng âm nhạc châu Âu MTV EMA. Cùng với đó, hai MV Hoa hải đường của Jack và Bigcityboi của rapper Binz sẽ tranh tài tại giải thưởng truyền hình châu Á - ATA 2020. Jack và Binz đại diện Việt Nam tham gia giải thưởng quốc tế MTV EMA 2020 (European Music Awards) và ATA 2020 (Giải thưởng Truyền hình châu Á - Asian Television Awards). Cả hai nghệ sĩ đã vượt qua Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc, Han Sara để trở thành người chiến thắng trong “vòng đua” bình chọn tại Việt Nam.
Với lượt bình chọn cao nhất tại vòng quốc gia, Jack sẽ tiếp tục tranh tài với các đối thủ đến từ Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan ở hạng mục Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc nhất (Best Southeast Asia Act) tại giải MTV EMA 2020. Giải thưởng MTV EMA 2020 là giải do khán giả bình chọn, cổng bình chọn mở từ 17 giờ ngày 6.10 đến 5 giờ 59 ngày 3.11. Với sức ảnh hưởng mạnh mẽ cùng lượng người hâm mộ to lớn hiện tại, hy vọng Jack sẽ là cái tên làm nên chuyện tại giải thưởng MTV EMA và ATA 2020 sắp tới.

BTS sẽ không được miễn nhập ngũ

Trang Koreaboo dẫn thông báo hôm 9.10 từ Cơ quan Quản lý Nhân lực quân đội (MMA) của Hàn Quốc: không ủng hộ việc miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho các thành viên BTS với lý do nguyên tắc công bằng và bình đẳng. Trước đó, MMA không lên tiếng về vấn đề này.

BTS là nhóm nhạc nam Hàn Quốc lừng danh thế giới

ẢNH : SOOMPI

Tháng trước, nghị sĩ Jeon Yong Ki của Đảng Dân chủ Hàn Quốc (DPK) từng đề xuất sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự nhằm bổ sung những nội dung cho phép các nhân vật có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đại chúng (được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đã góp phần nâng cao vị thế và phẩm chất của quốc gia) vào danh sách được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt. Một số nghị sĩ cho rằng các nghệ sĩ nghệ thuật đại chúng và nghệ thuật thuần túy đều đóng góp vào việc nâng cao vị thế quốc gia, chính vì thế quyết định loại trừ các nghệ sĩ nghệ thuật đại chúng như BTS ra khỏi danh sách những trường hợp đặc biệt được xem xét miễn/giảm nghĩa vụ quân sự là chưa hợp lý và không phù hợp với xu hướng gần đây. Tuy nhiên, bất chấp cuộc tranh luận và một số lời kêu gọi của các nhà lập pháp của đảng cầm quyền, MMA đã từ chối việc miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho các thần tượng K-pop. MMA khẳng định: “Hiện tại không có bất kỳ nội dung nào đang được xúc tiến liên quan đến việc cho các nghệ sĩ văn hóa, thể thao và nghệ thuật đại chúng được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt”.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Park Yang Woo từng đề nghị xem xét việc miễn giảm nghĩa vụ quân sự cho BTS tại buổi làm việc của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Quốc hội vào ngày 7.10. Tuy nhiên đề xuất này cũng bị MMA phớt lờ.
BTS là nhóm nhạc nam nổi tiếng thế giới, mang lại lợi ích kinh tế, du lịch và quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra toàn cầu. Đặc biệt sau khi BTS giành được vị trí quán quân trên Billboard Hot 100, người hâm mộ càng kỳ vọng rằng 7 thành viên của nhóm nhạc sẽ được miễn nhập ngũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.