Sự kiện văn hoá nổi bật tuần qua: Tranh cãi quanh đề xuất hỗ trợ nghệ sĩ trong dịch Covid-19

27/06/2021 06:00 GMT+7

Bộ VH-TT-DL vừa đề xuất hỗ trợ nghệ sĩ gặp khó khăn do dịch Covid-19 . Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự tranh cãi khi nhiều chuyên gia cho rằng đối tượng cần ưu tiên lúc này là những lao động yếu thế.

Đề xuất không sai, nhưng chưa hợp lý

Trong công văn gửi Bộ LĐ-TB-XH mới đây, Bộ VH-TT-DL cho rằng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và du lịch đang chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề do tác động của dịch Covid-19, nhưng tới nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ. Để tháo gỡ khó khăn cho nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch, Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ LĐ-TB-XH, đồng thời kiến nghị Thủ tướng, cho bổ sung hai đối tượng này vào dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng, được hỗ trợ 3 tháng, chi trả một lần. Nếu hỗ trợ theo mức đề xuất này thì tổng số tiền hỗ trợ nghệ sĩ là hơn 10,4 tỉ đồng.
Đề xuất trên của Bộ VH-TT-DL đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình của dư luận xã hội và các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, xã hội học. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cách đây không lâu đã có những nghệ sĩ từng tuyên bố “không cần công chúng nuôi”, giờ Bộ VH-TT-DL lại “xin” hỗ trợ nghệ sĩ thì không nên.
“Nhìn vào thực tế thời gian qua, nghệ sĩ chưa phải là đối tượng khó khăn nhất, ít ra trước khi dịch bệnh xảy ra, họ còn có việc làm ổn định, có tích lũy; còn những lao động khác, nhất là lao động tự do hoặc công nhân các khu công nghiệp, họ phải chạy ăn từng bữa. Những đối tượng này mất thu nhập khi dịch bệnh đến, không có tích lũy, họ mới cần phải được hỗ trợ lúc này”, bà Hương bày tỏ.
Dưới góc độ xã hội học, PGS-TS Trần Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, nhìn nhận những ý kiến trái chiều trước đề xuất của Bộ VH-TT-DL hoàn toàn có lý, nhất là sau những vụ “lùm xùm” của các nghệ sĩ thời gian gần đây. “Đành rằng trong dịch Covid-19, nghệ sĩ bị ảnh hưởng trực tiếp do phải đóng cửa nhà hát, dừng các suất diễn, nhưng rõ ràng so với mặt bằng chung của người dân, nghệ sĩ vẫn có cuộc sống tốt hơn những đối tượng khác”, ông Bình nói.
Mặc dù có nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất trên, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng không thể đánh đồng tất cả nghệ sĩ, bởi vẫn có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Đề xuất của Bộ VH-TT-DL không sai, vì nghệ sĩ cũng là người lao động và cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, đơn vị đề xuất cần phải đưa ra lý lẽ thuyết phục, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Trong giới nghệ sĩ cũng có đối tượng khác nhau, người có thu nhập cao như các sao hạng A, nhưng cũng có người là diễn viên phụ, diễn viên múa, họa sĩ…thu nhập rất thấp. Để thực thi được chính sách, cần có sự đồng thuận của ban soạn thảo, của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân”.

Trần Anh Khoa của Ròm đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc tại LHP châu Á

Với vai Ròm trong bộ phim cùng tên, Trần Anh Khoa được ban giám khảo LHP châu Á (Asian Film Festival) 2021 trao giải Nam diễn viên xuất sắc hôm 24.6.
Phim Ròm với Trần Anh Khoa đóng chính do Trần Thanh Huy đạo diễn tiếp tục gặt hái thành công khi tham gia LHP châu Á lần thứ 18 diễn ra tại Rome (Ý) từ ngày 17 - 23.6.

Trần Anh Khoa diễn xuất sắc vai Ròm

ẢNH: ĐPCC

Thay mặt Trần Anh Khoa đang du học tại Canada, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã nhận giải và cho biết họ đánh giá cao sự ghi nhận, động viên của ban tổ chức đối với điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là những tài năng trẻ, triển vọng.
LHP châu Á tại Ý do Quỹ phim Robert Bresson tổ chức đã chọn ra những bộ phim Đông Á xuất sắc nhất về nghệ thuật và thể loại. Giải Phim hay nhất thuộc về Synapses (2019) của đạo diễn Chang Tso-chi (Đài Loan); Đạo diễn xuất sắc Peng Shigang (Trung Quốc) với phim The Sons of Happiness (2021); Nữ diễn viên xuất sắc Go Doo Shim (Hàn Quốc) trong phim Everglow; Phim gốc hay nhất thuộc về tác phẩm đến từ Nhật Bản Dancing Mary. Ròm từng nhận nhiều giải thưởng tại LHP quốc tế Busan (2019), LHP quốc tế Fantasia, LHP châu Á - Barcelona (2020)… và đạt doanh thu cao khi trình chiếu tại Việt Nam năm 2020 với hơn 60 tỉ đồng.

Bộ VH-TT-DL yêu cầu báo cáo vụ “nhốt” 2 cây cổ thụ nổi tiếng ở Y Tý

Bộ VH-TT-DL yêu cầu địa phương báo cáo về việc “nhốt” 2 cây cổ thụ nổi tiếng tại thôn Choản Thèn (xã Y Tý, H.Bát Xát, Lào Cai). Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai gửi kết quả xử lý báo cáo (bằng văn bản) về Vụ Văn hóa dân tộc trước ngày 30.6 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ; đồng thời, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí theo quy định.

Cây bị "rào" khiến nhiều người bất bình

ẢNH: LY XÁ XUY

Trước đó việc xây dựng chòi ngắm cảnh và lan can bằng sắt tại khu vực công viên thôn Choản Thèn gây ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và chưa phù hợp với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Hai cây cổ thụ ở thôn Choản Thèn đã bị vây và rào kín bằng hàng rào kim loại, gây bức xúc trong dư luận. Khu vực này được công nhận là điểm du lịch của tỉnh, cũng là một điểm tham quan được nhiều người biết đến.
Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng sau đó cho biết đã cho dỡ rào ở khu vực này. Theo ông Thắng, hàng rào không nằm trong dự án nhưng do người dân đề xuất cho an toàn vì địa điểm có ta luy hơi cao, sợ mất an toàn khi trẻ em và người lớn đến tổ chức hoạt động.

Phục chế và số hóa để bảo tồn di sản điện ảnh

'Việt Nam đang sở hữu và mỗi ngày được làm dày dặn thêm khối lượng di sản điện ảnh khổng lồ. Nhưng cùng với đó, sự 'lão hóa' của những cuốn phim vật lý là không thể chống lại', đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ tại buổi hội thảo Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do Viện Phim Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 22.6.
Nhiều ý kiến trong hội thảo đều đồng quan điểm: phim/điện ảnh là di sản văn hóa cần được bảo tồn. “Phim nhựa 35 mm chính là định dạng rực rỡ nhất nhưng cũng mong manh nhất”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói và cho rằng: “Phim đang “chết” đi và “chết” nhanh hơn chúng ta tưởng”. Theo chị, một cái chết vật lý của những cuốn phim chắc chắn sẽ kéo theo những cái chết - sự biến mất của tinh thần và trí tuệ con người.

Bộ phim Cánh đồng hoang - một trong những di sản điện ảnh VN cần được bảo tồn

ẢNH: TL

Theo ông Nguyễn Xuân Dư, Phó viện trưởng Viện Phim Việt Nam, tại Việt Nam, trong khi các lĩnh vực sản xuất, phát hành, chiếu bóng của ngành điện ảnh đều đã chuyển đổi sang kỹ thuật số thì các đơn vị lưu trữ phim mới đang ở những giai đoạn đầu tiên của quá trình số hóa, phục chế tư liệu.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhìn nhận Viện Phim Việt Nam từ lâu đã làm công việc bảo tồn di sản điện ảnh hay phục chế phim. Tuy nhiên, công việc này không phải là “đường đua cự ly ngắn” nên cần có sự tiếp sức của những đơn vị khác. Hiện tại, Ơ kìa Hà Nội film production đang xây dựng dự án Bảo tồn di sản điện ảnh thông qua phục chế và số hóa 4k từ phim 35 mm bản gốc.

Vĩnh biệt nhà văn Anh Động, người có duyên kể chuyện Bác Ba Phi

Nhà văn Anh Động - người từng văn bản hóa hình tượng lão nông Nam bộ hài hước Bác Ba Phi qua đời trưa 21.6 tại Rạch Giá - Kiên Giang.
Nhà văn Anh Động tên thật là Nguyễn Việt Tùng, sinh ngày 20.10.1941 ở Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Không chỉ "văn hay chữ tốt”, ông còn là một chiến sĩ dũng cảm, gan dạ trong các trận chiến đấu với quân thù. Khi nước nhà thống nhất, nhà văn Anh Động tham gia công tác quản lý và từng giữ chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang. Nhà văn có nhiều tác phẩm dành cho vùng đất miền Tây thương mến của mình như: Ven rừng tràm, Bóng núi Tô Châu, Dòng sông lấp lánh.

Nhà văn Anh Động viết cuốn Truyện Bác Ba Phi xuất bản lần đầu năm 1995 và nổi tiếng khắp nơi

ẢNH: T.L

Nói về sự sáng tạo nhân vật Bác Ba Phi nổi tiếng của nhà văn Anh Động, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Bằng chứng là ngoài Bác Ba Phi có thật, nhà văn Anh Động còn sáng tạo thêm nhân vật thằng Đậu cho có ông có cháu, rồi từ đó công chúng lại sáng tạo thêm nhân vật quyến rũ không kém là vợ thằng Đậu. Ngay cả nhà văn Anh Động cũng không biết “vợ thằng Đậu” mồm ngang mũi dọc thế nào, nhưng cái câu “tệ hơn vợ thằng Đậu” được dùng phổ biến để nói về một phụ nữ hậu đậu, lười nhát.
Từ ngày nghỉ hưu, nhà văn Anh Động bán căn nhà ở trung tâm TP. Rạch Giá và chuyển ra cư ngụ ở khu vực ngoại ô. Tư gia của nhà văn Anh Động gần sân vận động Rạch Sỏi lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói của cháu con”.

Britney Spears tố bị cha đối xử như nô lệ

Ngày 23.6, ca sĩ Britney Spears gọi chuyện giám hộ của cha – ông Jamie Spears kéo dài 13 năm qua đã kiểm soát cuộc sống khiến cô bị bó buộc và lạm dụng. Cô cảm thấy bị tổn thương, tức giận, muốn đòi lại cuộc sống như trước đây của mình.
Trong một tuyên bố trực tuyến dài gần 30 phút, ngôi sao nhạc pop Britney Spears (40 tuổi) nói với thẩm phán Los Angeles rằng cô muốn việc giám hộ này kết thúc, theo Reuters. “Tôi chỉ muốn cuộc sống của mình trở lại như trước. Tôi không ở đây để làm nô lệ của bất kỳ ai. Tôi bị chấn thương tâm lý và không hạnh phúc, bị mất ngủ. Tôi cho rằng quyền giám hộ này là sự lạm dụng. Cha tôi và bất kỳ ai liên quan đến quyền giám hộ này sẽ phải ngồi tù”, Britney Spears nói với thẩm phán.

Danh ca Britney Spears đòi cha chấm dứt quyền giám hộ cô

ẢNH: PEOPLE

Britney Spears cho biết cô đã bị buộc vào một cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần tiêu tốn 60.000 USD mỗi tháng sau khi phải hủy các buổi biểu diễn đã lên kế hoạch ở Las Vegas vào đầu năm 2019. Cô không biểu diễn từ cuối năm 2018.
Thẩm phán Brenda Penny của Tòa án Cấp cao Los Angeles cho biết bà cần một bản kiến nghị gửi lên tòa án yêu cầu chấm dứt quyền giám hộ trước khi có thể thực hiện bất kỳ hành động nào. Britney Spears chưa bao giờ chính thức kiến nghị chấm dứt thỏa thuận giám hộ. Theo điều khoản của quyền này, cô sẽ phải chứng minh mình có thể chịu trách nhiệm mọi hành vi cá nhân lẫn tài chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.