Tái hiện thời rực rỡ của tranh cổ động

24/06/2020 06:40 GMT+7

Các tác phẩm của phòng trưng bày tranh cổ động - Bảo tàng Mỹ thuật VN cho thấy thời kỳ đỉnh cao của thể loại tranh này.

Ông Đỗ Mạnh Cương (81 tuổi) đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ sáng sớm 23.6 để chờ khai mạc phòng tranh cổ động. Đây là phòng trưng bày mới của bảo tàng. Bức tranh Bảo vệ thủ đô bảo vệ dòng điện của ông nằm ở góc phòng. “Lúc đó chiến tranh chống Mỹ. Ở Hà Nội, địch đánh nhiều nhất ở cầu Long Biên và Nhà máy điện Yên Phụ. Điện mất liên miên. Tôi vẽ bức này vào ban ngày, khi có ánh sáng”, ông Cương nhớ lại. Ông Cương khi đó là một công nhân mê vẽ cổ động của Nhà máy điện Yên Phụ. Ông nhớ khi đó hay có những người trong ngành vẽ tranh cổ động về ngành của mình. Cũng như ông, hay vẽ tranh về ngành điện. Sau này, ông Cương được Xí nghiệp tranh cổ động đưa về làm việc.
Tại phòng trưng bày có các câu chuyện về nhiều ngành nghề. Ngành nông nghiệp có: Phát triển đồng cỏ chăn nuôi của họa sĩ Phan Trang, Trồng nhiều khoai lang trắng của Trần Hòa, Nuôi gà theo phương pháp mới của Bùi Quang Phiến; ngành giáo dụcGóc học tập của em của Thế Vinh; ngành công nghiệp có Công nhân bám máy bám lò sản xuất của Nguyễn Văn Thiện…

Lịch sử được tái hiện

Tái hiện thời rực rỡ của tranh cổ động1

Tác phẩm Ơn Đảng ơn Bác người Mèo có chữ

ẢNH: BẢO TÀNG CUNG CẤP

Bà Vương Lê Mỹ Học, Phó trưởng phòng Trưng bày giáo dục của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết hiện tại bảo tàng có rất nhiều tranh cổ động, tuy nhiên phòng trưng bày chỉ chọn 30 bức trong thời kỳ 1958 - 1986. “Đây là thời kỳ rực rỡ nhất của tranh cổ động Việt Nam. Nghệ thuật tranh tuyên truyền đã vượt qua tuyên truyền đơn thuần để tạo thành nghệ thuật đồ họa mang nét Á Đông rất riêng, giàu tính dân tộc”, bà Học nói.
Chính vì chỉ chọn tranh trong thời kỳ tiêu biểu này, nhiều tác phẩm cổ động của họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân trong thời kỳ chống Pháp đã không xuất hiện. Mặc dù vậy, trong trưng bày cũng có tranh cổ động của một “họa sĩ Đông Dương” là ông Nguyễn Văn Thiện. Trưng bày còn có tranh của các họa sĩ “mỹ thuật kháng chiến” như Lê Lam, Thục Phi.
Tái hiện thời rực rỡ của tranh cổ động2

Tác phẩm Vì tương lai con em chúng ta của họa sĩ Minh Mỹ

Nhiều tác phẩm tranh cổ động trong thời kỳ này đã được giới thiệu với công chúng nước ngoài. Chẳng hạn, tác phẩm Cải tiến canh tác đẩy mạnh sản xuất của nữ tác giả Minh Mỹ (98 tuổi). “Đây là bức được giải ba Triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất. Nó được giới thiệu trong bộ tranh đầu tiên đi triển lãm ở 12 nước xã hội chủ nghĩa để giới thiệu nền hội họa non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau chiến thắng Điện Biên Phủ”, ông Phạm Minh Trí - con trai của bà Mỹ, cho biết. 
Cũng trong ngày khai mạc phòng trưng bày tranh cổ động (23.6), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu cuốn Khát vọng hòa bình. Sách giới thiệu 81 tác phẩm của nhiều tác giả, sáng tác trong thời kỳ 1958 - 1986. Đây là những tác phẩm được chọn lọc từ bộ sưu tập tranh cổ động của bảo tàng từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến thời kỳ đổi mới, là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị bên cạnh tính tuyên truyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.