Cách đây 20 năm, Châu Tinh Trì đảm nhận cùng lúc ba vai trò biên kịch, đạo diễn và diễn viên chính trong phim Vua hài kịch. Không phải là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Châu Tinh Trì, nhưng chắc chắn Vua hài kịch là một trong những tác phẩm ấn tượng và đậm chất Châu Tinh Trì nhất trong lòng khán giả. Giờ đây, Châu Tinh Trì trong vai trò sản xuất, biên kịch và đạo diễn đã cho ra mắt Tân vua hài kịch. Cho đến khi phim chính thức ra rạp, fan hâm mộ hoàn toàn không biết liệu đây có phải là tác phẩm làm lại từ Vua hài kịch hoặc có liên quan gì đến nó không, quan trọng nhất, phim có giữ được chất hài đặc sắc của Tinh Gia không.
Vua hài kịch và Tân vua hài kịch là hai câu chuyện hoàn toàn độc lập. Điểm chung của cả hai bộ phim này chính là lấy bối cảnh phim trường và hình ảnh diễn viên quần chúng làm cảm hứng. Tân vua hài kịch xoay quanh Như Mộng, cô gái đã 30 tuổi nhưng vẫn chưa có sự nghiệp ổn định, mải miết chạy theo đam mê diễn xuất dù chỉ là diễn viên quần chúng chầu chực chờ xin vai mỗi ngày. Vấn đề ở chỗ, Như Mộng không chỉ đóng qua loa để nhận thù lao, cô nghiên cứu rất sâu nhân vật dù họ chẳng có lời thoại, thậm chí để được thỏa đam mê diễn xuất, cô sẵn sàng không nhận tiền mà chỉ cần đổi lấy một hộp cơm. Đấy chưa hẳn là điều tốt bởi lẽ ở phim trường bận rộn, người ta không quan tâm diễn viên quần chúng đó tâm lý có đúng chưa, hình thể đã phù hợp chưa, họ chỉ cần phim quay sớm để đóng máy. Bên cạnh đó, chuyện gia đình cấm cản, bạn trai lừa tiền, bạn thân phản bội… đã nhấn chìm Như Mộng trong việc bám trụ với đam mê chứ đừng nói là có cơ hội một đêm thành sao.
|
Đỉnh cao của bi kịch chính là hài kịch, và điển hình cho chất hài này chính là Vua hài kịch. Trong phim, Châu Tinh Trì vào vai Doãn Thiên Cừu, một diễn viên quần chúng không có cơ hội đổi đời, cuối cùng nhận lời một cảnh sát chìm, giả làm nhân viên giao cơm hộp thâm nhập vào một băng đảng xã hội đen, để rồi anh suýt mất cả mạng và nhận ra mình thật sự phải thức tỉnh, an phận với một công việc mới. Trương Bá Chi trong vai Liễu Phiêu Phiêu, cô gái bán hoa phải lòng Doãn Thiên Cừu, nhưng mỗi lần họ ôm nhau cô lại đu bám lên người anh như một thói quen nghề nghiệp… Tất cả đã tạo nên mảng miếng hài đầy chua cay cho cuộc đời của nhiều tầng lớp trong xã hội. Cũng chính điều đó đã đưa Vua hài kịch thắng lớn doanh thu phòng vé và giữ vị trí thứ 19 trong Top 100 phim Hồng Kông xuất sắc nhất tính đến năm 2005.
Trong khi Vua hài kịch là một phim hài xuất sắc, thì Tân vua hài kịch lại không thể xếp vào thể loại hài, dù phim cũng vài lần làm khán giả bật cười. Có thể thấy rõ sự thay đổi phong cách của Châu Tinh Trì trong vai trò đạo diễn lần này. Nếu 20 năm trước, ông dùng tiếng cười để chuyển tải bi kịch, thì nay ông dùng bi kịch để trực tiếp đánh vào vấn đề muốn khắc họa. Cả cuộc đời của Như Mộng có thể xem là một bi kịch khi cô chỉ biết sống hết mình vì đam mê mà không nghĩ đến thực lực lẫn nhan sắc của mình đến đâu, chấp nhận sống cuộc sống cực khổ, bị hành hạ nơi phim trường, để cha mẹ buồn lòng và để bạn trai “ru ngủ” bằng những lời mật ngọt… Điểm khác biệt lớn nhất của Thiên Cừu và Như Mộng không chỉ nằm ở giới tính, mà còn là cái kết của hai nhân vật này. Nếu cuối cùng Thiên Cừu vẫn không thể làm nam chính, để lại cho bộ phim dư vị mặn đắng thì Như Mộng đã thật sự trở thành ngôi sao, dù điều này khá khiên cưỡng. Mọi thứ chỉ dừng lại ở việc Như Mộng luôn miệng nói về đào sâu khai thác tâm lý nhân vật như thế nào, chứ không thật sự toát lên niềm đam mê với điện ảnh như cách mà Châu Tinh Trì thổi vào Doãn Thiên Cừu. Khán giả chỉ thấy một Như Mộng đáng thương, chưa thấy được Như Mộng thật sự xứng đáng với vai chính. Ba vòng thi mà Như Mộng trải qua, thì hai vòng bị đánh rớt, vòng quyết định về diễn xuất thì thật đáng tiếc khi Châu Tinh Trì cho nhân vật áp dụng trải nghiệm khi bị bạn trai lừa gạt mà không thuyết phục khán giả bằng tất cả những trải nghiệm đau thương làm nên một Như Mộng tinh tế.
|
Bên cạnh việc thay đổi phong cách từ hài sang bi, đến việc không trực tiếp tham gia diễn xuất mà mời diễn viên ít tên tuổi đóng vai chính và tình tiết phim chưa thật sự đắt giá, không khó hiểu khi Tân vua hài kịch không gây bão phòng vé mà chỉ đứng hạng tư. Tuy nhiên, với doanh thu 75 triệu USD tại thị trường Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại, Tân vua hài kịch vẫn có những điểm sáng níu chân khán giả, và rơi khỏi Top 3 cuộc đua phòng vé phim tết Việt Nam. Đầu tiên, việc Tinh Gia lui về phía sau hậu trường, nhường cơ hội cho những gương mặt mới, trong đó có vai nữ chính giao cho Ngạc Tĩnh Văn là một quyết định mạo hiểm nhưng có phần hợp lý. Nữ diễn viên sinh năm 1989 dù được đánh giá cao về diễn xuất nhưng gương mặt không nổi bật, nhiều năm đóng vai nhỏ lẻ này hoàn toàn có đủ trải nghiệm để vào vai cô diễn viên quần chúng “có tuổi không có tên”. Bên cạnh đó, dù Vương Bảo Cường (trong vai diễn viên hết thời Mã Khả) đang gặp rắc rối về đời tư nhưng kinh nghiệm diễn xuất dày dạn đã nâng đỡ ít nhiều cho Ngạc Tĩnh Văn, khiến bộ phim tròn trịa hơn.
Bên cạnh đó, chất hài của Tân vua hài kịch thật sự đã cũ, nhiều mảng miếng đã từng được các nhà làm phim Hồng Kông mang ra chọc cười khán giả từ lâu. Từ một tác phẩm nói tiếng Quảng với dàn diễn viên Hồng Kông quen thuộc trong các bộ phim của Châu Tinh Trì như Ngô Mạnh Đạt, Mạc Văn Úy… nay lại thay thế bằng những diễn viên nói tiếng phổ thông lạ mặt, quả thật có chút không quen. Tuy nhiên, thông điệp mạnh mẽ mà Tân vua hài kịch gửi gắm như chỉ cần nỗ lực nhất định thành công, không bao giờ là muộn để bắt đầu lại, ai cũng phải trả giá cho sự vô tư của mình, ngoài kia xã hội có tàn nhẫn đến đâu thì chỉ cần quay lại bạn sẽ thấy vòng tay gia đình giang rộng chào đón… cũng đủ khiến bạn ấm áp trong những ngày đầu xuân.
Nếu từng yêu mến Vua hài kịch, sẽ thật khó để bạn không so sánh Tân vua hài kịch với bộ phim mà bạn yêu mến, từ cốt truyện, mảng miếng hài, diễn viên cho đến những thứ vụn vặt như quảng cáo lộ liễu của Tân vua hài kịch… Còn nếu bạn chưa biết nhiều về Tinh Gia, Tân vua hài kịch hẳn là bộ phim động viên tinh thần của bạn rất nhiều. Vậy là sau Vua hài kịch (điện ảnh Hồng Kông), Huynh đệ song hành (truyền hình Hồng Kông), Quay trối chết (điện ảnh Nhật Bản), châu Á lại tiếp tục mang đến một bộ phim đầy châm biếm lấy bối cảnh phim trường, đồng thời cũng là một bộ phim truyền cảm hứng sống cho nhiều khán giả.
Bình luận (0)