Chiều 30.6, tại cuộc họp báo cáo kết quả khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, do Sở VH-TH-DL Quảng Ngãi tổ chức, các nhà khảo cổ học nhận định đây là con tàu đắm cổ nhất được tìm thấy ở vùng biển VN, có cấu trúc độc đáo hiếm thấy.
Cổ vật 700 năm
Theo báo cáo của Sở VH-TH-DL Quảng Ngãi, việc khai quật khảo cổ học và trục vớt cổ vật nằm bên trong con tàu đắm do các chuyên gia khảo cổ học và Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương thực hiện từ ngày 4 - 23.6 trên diện tích 300 m2. Tổng số hiện vật khai quật được là 268 thùng, trong đó có 91 thùng hiện vật còn tương đối nguyên vẹn với số lượng hơn 4.000 món.
|
TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho biết cổ vật khai thác được rất phong phú về loại hình cũng như các dòng men, có giá trị về kinh tế và văn hóa. Ngoài ra, trong quá trình khai quật còn phát hiện đồ dùng của thủy thủ, gương đồng, quả cân đồng, hạt ngọc và 19 loại tiền mặt tròn lỗ vuông bằng đồng từ thế kỷ 13 trở về trước.
|
“Đồ gốm men nâu ở con tàu cổ đắm này rất lạ lẫm đối với các nhà khảo cổ học ở VN. Ngay cả cách xếp đồ gốm trên tàu cổ, lần đầu tiên chúng tôi mới thấy cách xếp theo trật tự hàng, mỗi đồ gốm phân biệt cách với nhau một lớp rơm để bảo quản không bị vỡ trong quá trình vận chuyển. Vì thế, con tàu cổ này bổ sung cho các chuyên gia khảo cổ nhiều kiến thức mới, cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn mới có kết luận chính xác”, TS Quân nói.
Theo các chuyên gia khảo cổ, xem xét các loại hình thuộc dòng đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh, bước đầu nhận định cổ vật trên tàu đắm ở Bình Châu là loại đồ gốm sứ thuộc thế kỷ 13, cách ngày nay khoảng 700 năm.
Cấu trúc độc đáo
TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết đây là con tàu cổ đắm thứ 6 mà ông được tham gia khai quật trên vùng biển VN với nhiều nét độc đáo hiếm thấy. “Tàu cổ này đắm gần bờ, ở độ sâu chỉ 3,5 - 4 m bị vùi trong cát. Đây là con tàu đắm cổ nhất được tìm thấy ở vùng biển VN từ trước đến nay. Hiện trạng con tàu còn khá nguyên vẹn với cấu trúc độc đáo hiếm thấy, là một hiện vật rất có giá trị đóng góp vào việc nghiên cứu tàu cổ trên thế giới”, TS Chiến cho biết.
Theo tính toán của các chuyên gia, xác tàu cổ đắm ở Bình Châu có chiều dài từ đuôi tàu đến phần mũi tàu là 20,5 m, chiều ngang rộng nhất của tàu nằm phía sau khoảng giữa tàu là 5,6 m. Thân tàu được chia thành 13 khoang, có 12 vách ngăn. Riêng khoang số 3 vách ngăn chỉ còn lại dấu tích. Con tàu đắm trước khi bị cháy, thể hiện rất rõ ở dấu tích từ khoang 4 đến khoang 6.
|
TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á (Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam), cho rằng kỹ thuật làm vách ngăn tàu cổ đắm ở Bình Châu khá đặc biệt, nơi đóng tàu rất giàu về gỗ quý và có nhiều kinh nghiệm làm thuyền buồm đi biển. Theo ông, ngoài việc nghiên cứu cấu trúc, hình dáng, mặt bằng phân bổ hiện vật bên trong con tàu cổ đắm, các chuyên gia còn phân tích về ván đóng tàu, mũi tàu, các vách ngăn, khung tàu, cột buồm chính, cột buồm trước, kết cấu đuôi tàu và bánh lái. Vấn đề đặt ra cho các chuyên gia khảo cổ là tiếp tục nghiên cứu để tìm ra cổ vật có xuất xứ, nguồn gốc ở đâu, ở lò nào. Đặc biệt qua phân tích chất liệu gỗ bằng phương pháp carbon phóng xạ sẽ xác định chính xác niên đại, quốc tịch của thuyền cổ”, TS Việt nói.
Ông còn nói rằng ở khu vực Bắc Á và Đông Nam Á chưa có con tàu nào hiện trạng còn tốt như con tàu cổ đắm ở Bình Châu. Đây là hiện vật hết sức quý giá cho giới nghiên cứu tàu cổ ở VN và cả thế giới. Theo ông, việc trục vớt xác tàu cổ, bảo quản trưng bày không có gì ghê gớm, chỉ cần xây bể đủ diện tích để chứa gỗ tàu, ngâm tẩm xả mặn cho đến khi đủ độ cứng sẽ phục dựng lại con tàu cổ. “Đơn vị chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ phần kỹ thuật bảo quản và phục dựng tàu cổ. Đây là dịp may hiếm có nên chúng ta không trục vớt thì sẽ bị mất như các con tàu khác”, TS Việt đề xuất.
Theo PGS-TS Nguyễn Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, việc trục vớt xác tàu cổ là điều nên làm, không nên tính toán thiệt hơn. Bởi trong tương lai khu vực này là đại công trường Dung Quất, các tập đoàn kinh tế sẽ lấp khúc biển này thì tàu cổ cũng chẳng còn là điều đáng suy nghĩ.
5 loại đồ gốm Qua phân loại bước đầu có 5 loại đồ gốm, gồm đồ gốm sứ men nâu với các loại hình như hũ và lọ chậu. Trong đó hũ có văn hoa chanh, hoa dây, sóng nước, hoa văn hình học nhiều kích cỡ khác nhau, nhiều loại hũ và lọ có 4 tai nổi trên vai, men nâu phủ 2/3 chiều cao và một số lọ chum kích thước lớn, trên vai có nổi mác hiệu của lò sản xuất như: Đức Chính Nhuận, Ngô Nhậm Hiệu. Đồ gốm men ngọc với các loại hình: đĩa, bát, lư hương, cốc, trong đó đáng chú ý là loại đĩa có kích thước 32 - 34 cm, dáng chậu miệng ngọc loe ngang, thành trong in lõm bằng cánh hoa cúc, loại lư hương nhỏ có miệng tròn thân hình trụ gắn 3 chân nổi, bát men ngọc có miệng loe, thành cong, đế thấp và lọ 2 tai nổi với đặc trưng gốm men ngọc thế kỷ 13; đĩa trang trí nổi hình rồng mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 13. Đồ sứ hoa lam gồm loại ấm 2 bầu, loại 2 tai nổi thân chia múi vẽ loại hoa bèo 3-4 chấm, loại chén vẽ hoa cúc dây phủ men trắng xanh, đáy mộc. Đồ sứ men trắng xanh có loại đĩa trong lòng in nổi 2 hình cỏ hay loại đĩa trong lòng in hình lá đề để mộc, loại thân hộp hình tròn, thành cong, đế mộc. Đồ sứ men màu xanh ngọc sẫm như loại nắp hình lá sen. |
Hiển Cừ
>> Cổ vật vàng ròng thành kim loại màu vàng
>> Hoàn tất trục vớt cổ vật trong tàu cổ đắm
>> Lấy cổ vật, để nguyên xác tàu
>> Trưng bày hơn 1.000 cổ vật quý
>> Khai quật cổ vật dưới biển như trên cạn
>> Trục vớt kho cổ vật dưới biển
Bình luận (0)