Tết xưa, lối nay

11/02/2018 07:24 GMT+7

Giờ đây, có những truyền thống mới đang được gầy dựng bên cạnh việc phục hồi những truyền thống cũ của tết Việt.

Người phóng tác, người gìn giữ
Họa sĩ Nguyễn Xuân Lam đã mất 4 tháng để lên ý tưởng và thực hiện phù điêu Tuần lễ thời trang phố cổ trên phố bích họa Phùng Hưng, Hà Nội. Đó là một tác phẩm dựa trên bản tranh dân gian Múa rồng vào dịp tết với nhiều nhận diện của các thương hiệu thời trang lớn. Chẳng hạn chiếc đèn lồng đỏ dán logo Chanel. Các em bé mặc trang phục có kẻ chi tiết của Burburry, họa tiết của Louis Vuitton, hay logo của Versace... Một sự pha trộn của truyền thống tết và hiện đại. “Mới ngày nào các trang phục giản dị đơn sắc còn ở khắp nơi thì bây giờ các thương hiệu thời trang quốc tế đã không còn xa lạ nữa. Nghệ thuật đương đại nên tùy văn hóa của từng người sẽ có cách hiểu tác phẩm khác nhau”, họa sĩ nói.


Tôi nghĩ truyền thống là điều có thể thay đổi. Cách đón tết cũng thế. Miễn là phù hợp với thời đại và vẫn giữ giá trị gốc

Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội


“Tôi nghĩ truyền thống là điều có thể thay đổi. Câu chuyện trên tranh dân gian cũng đa dạng hơn. Cách đón tết cũng thế. Miễn là phù hợp với thời đại và vẫn giữ giá trị gốc”, bà Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, nói. Bà cũng đang phục dựng lại tranh Kim Hoàng. Tuy nhiên, cũng có những tác phẩm mới theo phong cách Kim Hoàng được vẽ thêm. Chẳng hạn, bà Hòa đang cho thiết kế những tranh 12 con giáp mới theo lối vẽ đặc trưng của dòng tranh này.
Cũng có những người bỏ công giữ hoặc phục dựng lại truyền thống. Chẳng hạn, Nghệ nhân nhân dân Ánh Tuyết đã nhiều năm giữ các công thức nấu cỗ tết cổ truyền. Những món như cá kho, nem rán kiểu Hà Nội, canh bóng thả, canh măng ninh chân giò, xào hạnh nhân... bà vẫn nấu như đã từng được dạy làm hàng chục năm về trước. “Nấu đúng như ngày xưa thì rất mất công. Nhưng ông bà mình để lại như vậy thì tại sao lại không giữ. Những món ăn nấu đúng kiểu cổ truyền ngon rất lạ, và không bao giờ bị lỗi mốt cả”, bà Tuyết nói. Dù vậy, bên cạnh những mâm cỗ cổ truyền, các món mới cũng được phát sinh liên tục. Và bà Tuyết cũng bán thêm những món như chân giò, gà ủ muối bên cạnh thực đơn truyền thống từ nhiều năm.
Những người yêu văn hóa cổ ở nhóm Đình làng Việt, Đại Việt cổ phong lại mê mải đi tìm những bộ trang phục truyền thống, đặc biệt là áo dài nam. Tết năm nay, các nhóm này cũng vận động mặc áo dài nam trở lại. Bản thân các thành viên của nhóm cũng tích cực trong việc mặc áo dài nam. “Bản thân tôi trước cũng từng mặc áo dài cách tân. Tuy nhiên, sau khi mặc áo dài nam, nghiên cứu những nét đẹp của áo dài nam xưa thì tôi không còn phân vân gì nữa. Tôi mong muốn càng nhiều người mặc trang phục này càng tốt”, ông Nguyễn Đức Lộc, Chủ nhiệm CLB trang phục của nhóm Đình làng Việt, cho biết.
Truyền thống mới cho người trẻ
Cũng với tinh thần vừa giữ, vừa phóng tác truyền thống, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đã phục dựng nhiều sập gụ tủ chè. Nhưng cách phục dựng của ông không phải làm lại y hệt nguyên bản. Chẳng hạn, chiếc tủ chạm trổ đẹp đẽ đã rụng hết vách sau được ông làm lại vách và sơn màu chính tấm vách mới đó. Như thế, có thể thấy phần mới và phần phục dựng cũng như phong vị mới của tủ chạm này.
Nhóm Đình làng Việt lại có vài nghi lễ khác với truyền thống khi tổ chức hoạt động Tết Việt ở đình So (Quốc Oai, Hà Nội). “Trước đây chỉ có những lễ tế của các cụ cao niên ở đình. Nhưng chúng tôi làm lễ dâng, tức là cúng dâng lễ vật phẩm quý lên thành hoàng làng So. Lễ đó là lễ mới bên cạnh lễ tế của các cụ. Hoặc cây nêu trước thường dựng ở nhà, bây giờ chúng tôi làm lễ dựng cây nêu ở sân đình để mọi người cùng trải nghiệm”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên của Đình làng Việt, nói.
Việc sáng tác mẫu tranh Kim Hoàng mới của bà Hòa, làm mới đồ vật xưa của ông Đạt, hay hoạt động Tết Việt được nhiều nhà nghiên cứu gọi là xây dựng những truyền thống mới, giúp người trẻ thấy gần gũi với truyền thống từ thời ông cha mình hơn. “Tôi làm lại cái tủ này cho một khách hàng trẻ và rất thành công trong công việc. Đó là một thanh niên hiện đại, xăm trổ kín người, mặc toàn hàng hiệu. Nhưng khi thấy anh ấy xuýt xoa với màu sơn son thì tôi vô cùng yên tâm để gả cái tủ này về cho người hiểu truyền thống. Đó là người hiểu được sự náo nức của tết cũng như nâng niu giá trị cũ dù rất hiện đại”, ông Đạt chia sẻ.
Dâng lễ trong Tết Việt ở đình So, Quốc Oai, Hà Nội ẢNH: PHAN HUY
Về những truyền thống mới này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho rằng, điều quan trọng nhất là xây dựng được sự gắn kết cộng đồng và giữ được những nét nghệ thuật dân gian xưa. Khi tổ chức Tết Việt ở đình làng So, ông Bình cũng mời nhiều đại sứ các nước tới dự. Họ thực sự yêu thích trải nghiệm tết qua việc nấu bánh chưng, vẽ tranh dân gian, dựng cây nêu, những canh hát cửa đình. “Điều cốt yếu là phải chọn những hoạt động đậm nét văn hóa, và không được thương mại hóa nó. Năm nay đã là Tết Việt thứ 3 chúng tôi tổ chức. Nhiều địa phương đã mời chúng tôi về tổ chức Tết Việt. Tuy nhiên, tiềm lực chúng tôi chưa thể đảm đương nhiều. Vì thế, chúng tôi mời họ về dự ở đình So. Nếu thấy được, họ sẽ về tự nhân lên ở địa phương mình”, ông Bình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.