'Thanh gươm diệt quỷ' sắp soán ngôi doanh thu cao nhất của 'Vùng đất linh hồn' ở Nhật Bản?

28/11/2020 09:45 GMT+7

Nhiều khả năng, bom tấn trăm triệu USD Thanh gươm diệt quỷ ( Demon Slayer) sẽ soán ngôi Vùng đất linh hồn (Spirited Away) để chiếm vị trí phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Nhật Bản.

"Có thể sớm thôi, phim Thanh gươm diệt quỷ sẽ vượt qua tác phẩm Vùng đất linh hồn để trở thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử phòng vé Nhật Bản", đó là dự đoán của báo South China Morning Post ngày 23.11 qua về tương lai xán lạn của bộ phim Thanh gươm diệt quỷ (Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie: Infinite Train, gọi tắt là Demon Slayer). Nhiều thắc mắc được đặt ra rằng, tại sao tác phẩm này lại thành công vang dội đến như vậy trong bối cảnh ngành công nghiệp giải trí Nhật chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19? Nhìn qua thành công không chỉ từ nguyên tác, mà cả phim truyền hình rồi đến bản điện ảnh, khán giả phần nào sẽ có câu trả lời, nếu như không muốn nói là bị hấp dẫn bởi nội dung của "vũ trụ" có một không hai này.

Kỳ tích doanh thu ở quê nhà

Những gì mà Thanh gươm diệt quỷ bản điện ảnh làm được tại phòng vé thời gian qua khiến cho nhiều hãng phim khác trên thế giới phải trầm trồ. Hiện tại, tổng doanh thu phòng vé của tác phẩm điện ảnh do đạo diễn Haruo Sotozaki chỉ đạo là trên 261 triệu USD (bao gồm thị trường Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan). Trong đó, nếu tính riêng ở thị trường Nhật (chỉ trong 39 ngày ra mắt) là trên 247 triệu USD (25,9 tỉ yên), chiếm hơn 94,6% tổng doanh thu.
Về tốc độ kiếm tiền ở quê nhà, Thanh gươm diệt quỷ kiếm 10 tỉ yên Nhật chỉ trong vòng 10 ngày xuất xưởng, vượt qua hai bom tấn trước đó là Tên cậu là gì? (Your name) của đạo diễn Shinkai Makoto (tốn đến 37 ngày để có được 10 tỉ yên) và Vùng đất linh hồn (Spirited Away) của đạo diễn Hayao Miyazaki (tốn 25 ngày). Dẫu vậy, nếu tính chung tổng doanh thu ở thị trường Nhật, Thanh gươm diệt quỷ vẫn xếp sau Vùng đất linh hồn (30,8 tỉ yên) nhưng hiện đã vượt qua phim Tên cậu là gì? (23 tỉ yên). 

Poster phim Thanh gươm diệt quỷ được hãng Toho quảng bá ở Nhật Bản

Ảnh: Toho

Sắp tới, bom tấn của xứ sở mặt trời mọc sẽ "cập bến" thị trường phim Việt vào tháng 12. Trước đó, phía NXB Kim Đồng đã "thầu" loạt nguyên tác cùng tên (các nhà làm phim dựa vào để chuyển thể) của tác giả Koyoharu Gotōge và giới thiệu với bạn đọc Việt. Với nền tảng này, người hâm mộ không tỏ ra xa lạ và khó hiểu trước nội dung của loạt truyện, đồng thời có thể thấu hiểu tại sao bộ phim điện ảnh lại thành công đến vậy.
Một phần thành công của bản điện ảnh là nhờ loạt truyện gốc, một "cơn bão" trong làng manga (truyện tranh) Nhật lẫn trên thế giới khi tính đến hiện tại, có đến 120 triệu bản in của siêu phẩm này đã được tung ra thị trường. Nó tạo bàn đạp để các nhà làm phim bắt tay sáng tác nên loạt phim hoạt hình cùng tên trong năm 2019. Thế nhưng câu chuyện trong loạt phim truyền hình không có hồi kết. Và bản điện ảnh ra đời để nối dài tuyến truyện kể đó. 

Nội dung hấp dẫn

Theo nội dung loạt truyện, Thanh gươm diệt quỷ lấy bối cảnh thời Taishō (Đại Chính, 1912 - 1926), gia đình chàng trai Tanjiro bị quỷ tàn sát, chỉ còn mỗi cô em gái của cậu sống sót là Nezuko, nhưng cô bé lại trở thành quỷ. Tanjiro, với mong muốn chữa trị cho em trở lại thành người, đã quyết tâm tầm sư học đạo nhiều năm ròng và trở thành một kiếm sĩ diệt quỷ, sau đó cậu gia nhập đội Diệt quỷ, một tổ chức chuyên săn lùng và giết chết những con quỷ khát máu. Qua các hồi truyện, Thanh gươm diệt quỷ dần hé mở cho độc giả cuộc hành trình đẫm máu của Tanjiro khi những con quỷ mà cậu đối mặt được chia thành những cấp cao với khả năng thiên biến vạn hóa. Thế nhưng các thành viên đội Diệt quỷ cũng không thua kém khi nhiều người trong số họ tinh thông võ nghệ, kiếm pháp cao cường. 

Điệu múa Kagura cổ xưa được cha của Tanjiro biểu diễn

Ảnh: Ufotable

Phim điện ảnh Thanh gươm diệt quỷ có nhiều cảnh chiến đấu đẹp mắt

Ảnh: Toho

Nội dung hấp dẫn chính là điểm cộng rất lớn của loạt truyện lẫn phim Thanh gươm diệt quỷ. Mặc dù lấy bối cảnh khá xa thời đại hôm nay nhưng theo như nhận xét của South China Morning Post, vẫn có hơi thở đương đại trong loạt truyện lẫn bản phim khiến cho khán giả dễ tiếp cận với Demon Slayer.
Phong cách sáng tác của họa sĩ Koyoharu Gotōge cũng chính là cầu nối giữa tác phẩm và độc giả khi nó thể hiện nhiều yếu tố của dòng truyện shōnen manga (thiếu niên mạn họa), tức có nhiều pha hành động gay cấn và đối tượng mà loạt truyện hướng đến là độc giả trẻ. Từ những chiêu thức được vẽ đẹp mắt trong các trang truyện, khi lên phim truyền hình lẫn điện ảnh, các chiêu thức này trở nên bắt mắt hơn nhờ đồ họa máy tính lẫn sự trau chuốt của các nhà làm anime. 
Nhưng những điều đó vẫn chưa nói lên hết sức hấp dẫn của thương hiệu Thanh gươm diệt quỷ khi trong truyện, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của người Nhật được khéo léo đưa vào và các nhà làm phim dựa vào đó mà chuyển thể lên màn ảnh. Đó là kiểu áo truyền thống haori, độc giả có thể thấy chúng được mặc bởi rất nhiều kiếm sĩ trong truyện. Hay đó là điệu múa Kagura cổ xưa liên quan đến việc thờ cúng Thần đạo Nhật Bản, mà điệu múa này lại được ghi lại trong những thư tịch rất cổ của Nhật Bản là Cổ sự ký (Kojiki) và Nhật Bản thư kỷ (Nihonshoki)...
Không chỉ đang "làm mưa làm gió" ở quê nhà mà còn ở các thị trường châu Á khác, vào đầu năm 2021, Thanh gươm diệt quỷ sẽ được chiếu tiếp ở thị trường Bắc Mỹ. Với các con số ấn tượng về doanh thu đã đề cập ở trên, “ngôi vương” phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại mà Vùng đất linh hồn nắm giữ trong hơn một thập niên qua ở Nhật Bản đang có nguy cơ lung lay trước sức “công phá” của Thanh gươm diệt quỷ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.