Có đợt cao điểm, chắc số ngày tôi rời xa khỏi thành phố còn nhiều hơn ở nhà. Bạn bè, người thân, đối tác… này nọ muốn dặn một cuộc hẹn, đều nhận được lời hứa: đợi mình về Sài Gòn đã nhé.
Về Sài Gòn. Tức là về nhà. Về với gia đình riêng. Về với công việc của mình. Với nhịp sống đều đặn, chỉn chu, quen thuộc. Với cái văn phòng ở gần Hồ Con Rùa tấp nập người xe. Với bữa cơm tối đủ mặt quây quần bên mấy món đơn giản mà lành sạch. Thật hạnh phúc biết bao khi ta vẫn luôn còn có một nơi chốn để thuộc về.
|
Mình nhớ nhà quá. Tôi vốn chẳng phải mẫu đàn bà mạnh mẽ, mà đơn thuần “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt – Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” (*). Tức là chỉ cần “ngủ lang” tới đêm thứ hai ở đâu đó, dù là khách sạn năm sao hay căn hộ thơ mộng bên bờ biển đi nữa, thì cũng bắt đầu thấy mình khó ở, thổn thức trở mình quần quật. Than nhớ nhà. Nhà ở đây không đơn thuần là cái mảnh đất chừng hơn sáu mươi mét vuông một trệt một gác lửng gọi là nhà phố đâu. Nhà, tức là hai đứa trẻ tên Cà Rốt Cà Chua nghịch ngợm ham chơi và có chút lười học, hay chí chóe chọc nghẹo nhau mỗi ngày. Nhà, còn có nghĩa là người đàn ông trong tim mình, gần gũi, sẻ chia, đồng cảm. Nhà, là mấy người bạn đã “lên lịch” bữa nay bữa mai cơm trưa cà phê tán gẫu với nhau cho thỏa lòng. Nhà, còn là góc phố nơi tôi hay ngồi ăn trứng lộn bắp xào, là cái quán quen biết tôi thích uống sữa tươi cà phê không đường, là chị bán rau vườn ở cái chợ cóc gần đó luôn để phần cho tôi đọt bí bông bí vàng ruộm. Nhà, còn là cái không khí xe cộ “hỗn độn trong trật tự” mà có lần tôi nhận xét với đối tác đến từ phương bắc về giao thông xứ mình. Nhà, là bao nhiêu tự tin, thoải mái khi mình bước ra ngoài, không nơm nớp bởi khác giọng nói, khẩu vị món ăn, hay những lạ lẫm về văn hóa vùng miền mơ hồ nào đấy…
Mình về Sài Gòn rồi. Chỉ riêng chữ “về” thôi đã thấy bao nhiêu là yêu dấu. Người ta thường nói “về” khi về nhà, về quê, về với mẹ, ta về với nhau. Còn tôi, tôi về Sài Gòn. Mảnh đất máu thịt, nơi tôi đã và đang trải đời mình ở đó, dẫu có lúc tạm cách xa thì cũng ngắn ngủi tạm thời vội vàng. Rồi thì nỗi nhớ nhung sẽ kéo tôi quay về, sớm thôi. Dù đã có vài nơi tôi từng có cơ hội đặt chân tới hơn hẳn Sài Gòn. Ví như Cao Lãnh, một thành phố miền tây yên bình, nhỏ bé nhưng rộng thoáng, vật giá dễ chịu, hoa sen và cá đồng là hai thứ tôi rất ưa, người dân thì thân thiện hiếu khách vô cùng. Tôi từng say đắm chốn ấy trong mấy dịp ngang qua, từng lăn tăn xem có nên tậu một mẩu đất be bé đợi mai này… dưỡng già hay không. Ví như Seoul, nơi tôi có dịp thăm thú, mê mẩn với mỹ phẩm, với trai Hàn, với những cái cây ngả vàng “nguyên con” khi tôi đến. Ví như Bảo Lộc, một thành phố mát rượi bóng thông, hoa quả ngọt lành và rất rẻ, nhà cửa cũng còn dễ sắm… Kể ra dông dài, để thấu hiểu những cám dỗ dọc đường đã níu chân một người thích dịch chuyển, ham của lạ, và sẵn sàng tâm thế… dọn nhà sang xứ khác. Thế mà, cuối cùng tôi vẫn chọn. Về với Sài Gòn.
|
Mình về Sài Gòn rồi. Câu ấy, nghĩa là bình yên. Là ổn hết. Là xong một chuyến đi công tác vất vả nhiều tủi thân. Là tôi đã kịp thỏa thói ham vui bất chấp tuổi tác của mình. Là Sài Gòn đã ấm áp đón tôi trở về. Là tôi đã tới nhà an toàn, có khi đã kịp tắm táp thay đồ, chuồi người vào chăn ấm, hít hà mùi trẻ con của cậu nhóc bé bỏng bên cạnh. Là tôi sẽ trở lại với nhịp sống công sở sáng đi tối về, buổi trưa có lúc tranh thủ gặp gỡ bạn bè, ngồi với nhau đôi chút để kêu rêu rằng mình bận rộn áp lực, rằng sáng nay đầu tuần kẹt xe kinh khủng, rằng tiền học tiền chợ tiền điện tiền xăng cứ vù vù, mau quá. Rằng mình lại muốn đi đâu đó cho khuây khỏa, thấy sao mà Sài Gòn chật chội đông đúc dã man, cảm giác ồn ào khói bụi kinh khủng, lúc nào cũng tất bật… Đại khái thế.
Nhưng chốt lại, loay hoay vẫn là câu, đợi mình về Sài Gòn rồi tính tiếp nhé. Nói xong, tự cảm thấy may mắn làm sao khi người ta vẫn luôn có chỗ để yêu thương quay về.
(*) Bài thơ Giang hồ của Phạm Hữu Quang
|
Bình luận (0)