Chúng ta hay dùng từ “ông Bụt” hay “bà tiên” để nói về những người có tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc của mình để giúp đỡ người khác. Chẳng cần nói đâu xa, ở Sài Gòn có những “ông Bụt” xe ôm, “bà tiên” bán cơm dễ thương đến rơm rớm nước mắt.
Đừng nghĩ giúp người là phải công to của lớn, chỉ cần bớt mười ngàn tiền xe ôm thôi, chú cũng đã là ông Bụt. Bởi chỉ thế thôi là một sinh viên đã có thêm một bữa ăn sáng ở đất Sài Gòn, để tiếp tục nuôi ước mơ sau này có việc làm, nuôi sống bản thân và gia đình.
|
Xe ôm không chỉ là phương tiện để đi lại, đó còn là nơi gửi gắm tình cảm cho một sinh viên xa lạ. Mười bốn năm về trước, tôi may mắn được vào Sài Gòn, được lang thang rảo bước trên những con đường nơi đây, và hơn hết được chứng kiến tấm lòng của người Sài Gòn.
Đó thật sự là một kỷ niệm khó quên với bất cứ ai nếu đã được nhận tình thương yêu ấy của bác xe ôm Sài Gòn. Cứ nghe thấy câu “con là sinh viên” cũng tức là sẽ nhận được một ưu đãi nào đó. Ba chiếc xe ôm tôi bắt đều như vậy. Tôi chỉ còn biết ngượng nghịu nhận sự giúp đỡ của các chú, vì dù có nói “con vô chơi thôi, không phải sinh viên ở đây”, thì chú lại càng “cưng”, chỉ đường rất chi tiết, cẩn thận. Chỉ một hồi rồi chú kêu lên xe đi, rồi lấy có hai mươi ngàn cho chặng đường dài.
Vậy đó, chỉ cần một người xe ôm Sài Gòn bình thường cũng sẽ trở thành “ông Bụt” đối với tôi. Người Sài Gòn thương mến nhau, đùm bọc nhau, cho dù là người xe ôm phải bươn chải ngoài đường phố bụi bặm để kiếm miếng ăn từng bữa. Dù không giàu, nhưng họ sẵn sàng giúp đỡ người khác dù chỉ là hành động nhỏ. Nhưng đó là xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim.
Tôi vẫn còn nhớ mãi bác xe ôm già ở quán cơm, khi bác kêu những người khác nhường để chủ quán lấy cơm cho tôi trước. Đó thực sự là một cảm giác xúc động khổng thể nào quên. Dường như tính thương người, yêu mến bọn trẻ đã trở thành một phản xạ vô điều kiên của người dân nơi đây, đặc biệt là các bác xe ôm tuy cũng vất vả bươn chải mưu sinh nhưng lúc nào cùng lo lắng cho con trẻ. Nhìn bác xe ôm đi mua cơm vẫn còn đội chiếc mũ, mặt sạm đen trong cái nắng gay gắt nhưng vẫn nở nụ cười hiền hậu. Giọng bác bỗ bã nhưng chứa đựng đầy tình yêu thương “mấy đứa phải ráng ăn nhiều vô còn lấy sức học”.
|
Việc người Sài Gòn giúp đỡ không màng trả ơn là chuyện thường ngày. Quán cơm 2.000, 5.000 đồng mọc lên để giúp đỡ người nghèo, nhưng ai cũng có thể vào đó ăn để cảm nhận được cuộc sống và tình thương của dân Sài Gòn. Người nghèo khi trả năm ngàn cũng cảm thấy mình vẫn có thể tiếp tục cố gắng trên bước đường đời. Đó là cách giúp đỡ rất… Sài Gòn. Sinh viên vô quán ăn, luôn được xới thêm cơm, cho thêm thức ăn. Đó là việc làm rất bình dị, thành thói quen của người Sài Gòn. Khi lòng thương người, giúp người trở thành việc bình thường thì Sài Gòn cũng ngày một phát triển, bởi những thế hệ sinh viên được giúp sẽ trưởng thành rồi giúp lại người khác.
Người Sài Gòn là vậy đó, tình thương của Sài Gòn là vậy đó. Bất kể bạn đến từ vùng miền nào, khi đã vô Sài Gòn cũng được đối xử nồng ấm, chân tình. Sài Gòn phát triển văn minh, hiện đại nhưng tấm lòng của người Sài Gòn vẫn còn đó. Nó đến từ các chú xe ôm mộc mạc mà ấm áp, đến từ các má bán cơm bỗ bã mà quý mến. Tình thương không ở đâu xa, ông Bụt không ở đâu xa mà ở ngay cạnh chúng ta, ở khắp nơi trên đất Sài Gòn.
Đâu đó trên đất nước ta, vẫn còn những chuyện không hay, còn những hành động không tốt đẹp, những sự đối xử độc ác giữa con người với nhau. Vậy thì chúng ta, những người thường xuyên chứng kiến những chuyện bất bình đó, xin hãy đừng mất niềm tin vào con người Việt Nam. Hãy vô Sài Gòn, để thấy tình thương mộc mạc mà ấm áp của các chú xe ôm, các má bán cơm, rồi vào một quán cơm từ thiện để thắp lên tình thương yêu
|
Bình luận (0)