Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào hiện là giảng viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội, là một trong 4 người đại diện cho ngành giáo dục được tuyên dương tại hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến trên toàn quốc 2017.
Thạc sĩ, KTS Hoàng Thúc Hào cũng là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư của trường. Ông có 25 năm nghiên cứu và phát triển các kiến trúc phục vụ cộng đồng. Một số công trình ông đã thực hiện gồm: nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hòa Bình), nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), làng homestay Nậm Đăm (Hà Giang), nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An), Trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên), và Trung tâm hạnh phúc Quốc gia Bhutan. Những công trình này mang về cho ông 35 giải thưởng trong nước, 30 giải thưởng quốc tế về kiến trúc. Đặc biệt, ông mới nhận giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016. Đây là giải thưởng được xem như giải Pritzker - Nobel kiến trúc châu Á.
Ông Hoàng Thúc Hào chia sẻ, mình muốn mang đến cho mọi người kiến trúc của hạnh phúc. Ở đó, cuộc sống mang tính cộng đồng, có màu xanh và sự phát triển bền vững. Cũng vì lý do đó, công trình của ông thường gắn với người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kém phát triển. Ông cũng cho rằng, việc phát triển kiến trúc ở những nơi này không chỉ giúp người dân sống hạnh phúc hơn mà còn thúc đẩy du lịch phát triển trên nền tảng văn hóa bản địa. Vì thế, ngôi nhà cộng đồng Suối Rè (Hòa Bình) được dựng bằng tre địa phương, áp dụng kỹ thuật mái tre mà người dân ở đây vẫn làm từ nhiều đời. Tương tự, nhà cộng đồng Tả Phìn, Lào Cai được xây dựng bằng vật liệu, nhân công địa phương và gạch không nung tự sản xuất tại chỗ. Nhà cộng đồng Nậm Đăm, Hà Giang lại dùng kỹ thuật nhà trình tường... “Các công trình giữ gìn văn hóa này còn có giá trị kinh tế nhờ hoạt động du lịch homestay”, ông Hào chia sẻ.
tin liên quan
Kiến trúc sư của hạnh phúcĐã hai mùa mưa tạt qua cửa sổ trôi đi kể từ ngày Giáo sư Ngô Bảo Châu tới Lũng Luông, Thái Nguyên. Những buổi học toán nho nhỏ ông cũng đã giảng tại đây như tặng một tình yêu...
Chuyên gia kiến trúc - tiến sĩ Nirmal Kishnani (Đại học Quốc gia Singapore) cho biết, ông đánh giá cao công trình của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào vì nó có ý nghĩa với khí hậu và cộng đồng. Nó cũng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh của Việt Nam. “Khuynh hướng bản địa của nó không chỉ thể hiện sự hoài cổ. Kiến trúc sư còn lồng vào đó những cách làm mới mẻ và nâng tầm, gây được sự chú ý đối với nông thôn đang bị lãng quên, trong bối cảnh thành thị luôn là trung tâm của mọi sự chú ý”, ông Nirmal Kishnani đánh giá.
Ông Hào cho biết, ông sẽ luôn gắn xu hướng bảo vệ đa dạng kiến trúc và văn hóa trong những bài giảng của mình. Đặc biệt, việc giảng dạy kiến trúc luôn nên gắn với nhu cầu thực tiễn như phòng chống lụt bão, xóa đói giảm nghèo.
Bình luận (0)