Phan Thiết ơi, tôi nhớ...

23/09/2020 08:00 GMT+7

Khi tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, Phan Thiết đã có ở đó. Khi tôi bôn ba học hành rồi tìm mưu kế sinh nhai nơi nhiều miền đất nước, Phan Thiết vẫn còn đó, chung thủy đợi chờ.

Tiếng là dân Phan Thiết kỳ cựu và cũng thuộc lớp người có tuổi, nhưng thú thật cho đến bây giờ những gì thầm kín ẩn chứa trong từng hàng cây, góc phố, những ngôi nhà cổ rêu phong trên hè phố vắng; từng con người hiền hậu, đậm tình và những món ăn mộc mạc, đơn sơ thắm đượm hồn quê nơi mảnh đất chịu thương, chịu khó này, quả thật là một điều chưa được hiểu biết tường tận trong tôi.
Khi tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, Phan Thiết đã có ở đó. Khi tôi bôn ba học hành rồi tìm mưu kế sinh nhai nơi nhiều miền đất nước, Phan Thiết vẫn còn đó, chung thủy đợi chờ. Cho đến bây giờ, quay về lại nơi một thời để nhớ, nơi mẹ cha một thuở tảo tần lo cho đàn con thành người tử tế, Phan Thiết vẫn còn đó tuy có chút đổi thay. Tất cả có đổi thay nhưng tất cả vẫn còn đó. Từng con đường phố nhỏ, ngôi trường cũ, con sông xưa vẫn trôi nước lững lờ hai mùa mưa nắng. Khu phố chợ ngày nào được người lớn đưa đi mua quà ngày tết. Nét duyên của Phan Thiết không phải ở nơi phố lầu sang trọng, không phải là sự giàu sang thể hiện vẻ bên ngoài, mà là cái tính cách sống chân tình của người dân xứ biển, thủy chung và bộc trực. Đi ra một bước xứ người, nếu có ai hỏi tôi về quê hương nguồn cội của mình, về cái xứ cát nóng bỏng chân, người đi như chúi về phía trước, mắt như mơ vì gió lộng thổi cát suốt bốn mùa, tôi vẫn tự hào về nơi mình đã được sinh ra. Nơi có cái lầu trăng trên đồi đá Phố Hài, mang dấu một thời của cuộc tình thi sĩ họ Hàn đã đi vào thơ ca còn đậm mãi những mùa trăng. Và đâu nữa quanh đây, vắt ngang cái thành phố nhỏ bé này một dòng sông không rộng, không sâu, cái bến bè tre bên sông ngày ngày mọi người chẻ chuốt để làm ra từng chiếc thuyền thúng chai, giường tre, bàn ghế cũng bằng tre, cùng những lọn dây đai tre để quai thùng nước mắm.
Nhớ hoài từng món ăn đậm chất quê miền biển, Phan Thiết ơi! Ai về ăn gỏi cá mai. Nhớ cái bếp bánh căn đêm bệt ngồi dưới đất, không quán, không bàn, nép hờ bên một góc ngã tư. Trong cái lạnh gây gây tháng mười, tháng mười một, từng đôi ngồi chờ đến phiên bánh chín, bên cái hơi nóng phả đều của lò nướng bánh rực than. Ăn bánh căn chờ mới cảm được hết cái ngon của nó. Làm sao quên cái ngã tư Quốc Tế ai đã đặt tên, tập trung đủ tất cả món ngon vật lạ, rạp hát, hàng quán bên cái chợ dập dìu. Nhớ cái tháp nước bên sông, cạnh cái cầu sắt lót ván ngày nào vẫn còn vọng về tiếng guốc mộc khua mỗi trưa chiều của các cô nữ sinh trường Phan Bội Châu tan lớp, áo trắng vương cả mặt sông Mường. Nhớ cái thời kẹo ú, bánh cam, hay miếng bánh tráng phồng có kéo mạch nha, ngày ngày mẹ chợ về, con chực chờ ra đón. Nhớ cái xâu trái chùm quân ngon ngọt màu nâu đỏ của em đeo quàng trên cổ, chợt khóc ròng khi lũ trẻ bạn ranh thình lình rứt mất đi vài trái. Nhớ cánh diều chao làm bằng giấy và sợi dây thả diều cũng rút ra từ các bao xi măng nối lại trong những ngày hè, cùng với những tiếng dế kêu rộn rã cả tuổi thơ.
Bây giờ, nếu nói mất hay nói có cái không còn thì cũng tội thầm cho Phan Thiết. Không! Nó không mất. Nó ẩn hiện chập chờn đâu đó, trong cái tháp nước trên cao kia, hay trong cây cầu dây văng hiện đại bây giờ đêm về đèn rực sáng đủ màu. Nó ẩn nấp đâu đó ở mỗi làng quê có cô gái xuân thì che ngực non, nghiêng gió để gội đầu bằng nước thơm hương bồ kết. Nó chìm trong từng tiếng rao hàng khắc khoải trong đêm: Lục tàu xá, chí mà phù, ai chè đậu xanh nước dừa đường cát hôn! Nó bật ra ồn ào trong tiếng máy tàu, máy ghe, trên bến trên sông hối hả mang nguồn hải sản phong phú đủ loại về bến cá Cồn Chà. Hay là trong cái mùi đặc trưng của Phan Thiết? Đúng rồi! Nói được không cái mùi nực nồng cá mắm quê tôi? Thôi cũng đành gọi nhau cho thật, mùi nước mắm, mùi cá khô, mùi mắm nêm, mắm thính, mùi muối biển mặn mòi. Mỗi thứ một mùi và chính nó đã gợi hồn cho Phan Thiết. Tôi biết nó còn đó, nó còn trong từng đôi mắt đăm chiêu của những người già ngồi nhớ về một thời tuổi nhỏ. Của những người một thời là chứng nhân nơi mảnh đất an lành, thơm thảo tình người. Nó lắng trong từng tiếng gọi tình quê quen thuộc của đất và người ở nơi đây. Hậy, hậy, ổng cà, ổng cà, coi bả cỏi!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.