Quê nhà trong tôi

02/08/2020 06:40 GMT+7

Là mảnh đất Thừa Thiên-Huế mưa “thúi đất thúi đai”, tuy vậy, vô văn chương đã được không khí Hán - Việt làm cho trang trọng: “Tứ thời giai thị hạ, nhất vũ tiệm thành đông” (Bốn mùa đều là mùa hạ, chỉ một cơn mưa đã biến thành đông), cũng như nỗi niềm tha hương của người con gái đến độ tẻ nhạt, buồn trông mà Nguyễn Du vẫn nhác thấy “đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa” thay vì “chim kêu vượn hú biết nhà má đâu” của ca dao ngày trước.

Là khoảng trời rộng thênh thang, thỏa sức nghểnh cổ ngắm nhìn những đàn chim chiều quấn quýt dàn ngang bay về tổ. Sau này ở phố, leo lên sân thượng, ấn tượng thu vào tai mắt tôi chỉ ầm ì tiếng máy bay hay những nóc nhà san sát.
Là khoảng sân sạch sẽ, quang quẻ mà buồn thiu chiều 30 tết, lúc cúc tiếng đôi chim câu tìm chút thức ăn, đứa con gái chưa chịu lấy chồng lúi húi phụ cha mẹ cắm hoa trên bàn thờ gia tiên.
Là lộc cộc tiếng xe bò chở vật tư cho phim màn ảnh rộng. Sau này có nhà thơ thi vị hóa những chiếc xe bò kéo là “xe bò chở trăng”. Đây cũng là dịp những chiếc đòn gỗ được mang theo để đánh dấu chỗ ngồi. Khái niệm đòn hình như đã mất tăm mất dạng khi ghế nhựa ra đời.
Là những ngày ngoan ngoãn, chăm chỉ làm việc, không dám cãi lời mẹ, khi nghe tiếng loa quảng cáo Đoàn cải lương Hoa Biển đã về đến thị trấn và diễn trong ba đêm. Những ngày đó, lũ trẻ trong xóm vui như mở hội, dắt díu nhau đi xem mặt diễn viên, nếu may, sẽ nhặt được dăm ba hạt kim tuyến óng ánh về đính lên áo, có khi bị chó của đoàn rượt chạy, trật cả dép. Mộng mị nhất là sau mỗi đêm coi cải lương về, tôi nằm thao thức, hồi tưởng lại từng cảnh chia ly - đoàn tụ của vai chính, mỉm cười và lịm đi trong kết thúc có hậu của vở cải lương rồi lăn ra ngủ.
Là chiếc xe đạp đầm tôi ngồi chẹp bẹp trên cái khung ngang, đưa chân ngắn củn khều khều bàn đạp quay vòng, để khều được từng đó vòng tay chân đã “lãnh” sẹo không biết bao nhiêu lần.
Là những bụi tre nghịch ngợm, rướn mình đòi khèo trăng, đóng đinh trong tôi trăng sẽ nằm hướng đông cùng với chỗ mặt trời mọc, đến nỗi ở phố, cảm thức đó làm tôi mất cả phương hướng khi ngóng tìm trăng những đêm rằm.
Là những bụi chuối, gốc đào, gốc tràm hoa vàng ban ngày thân quen làm chỗ tạm trú cho trò năm mười, núp bắn, đến đêm bỗng là nỗi ám ảnh với đám trẻ trong xóm vì đầy rẫy những hình thù quái đản được thì thầm là ma.
Là chát đến khô nước bọt và mài đen đũng quần vì ngày ngày mò ăn đọt mâm xôi, dái mít, quả trứng gà sống, trứng cá xanh. Ngon nhất vẫn là quả thù lù bao lùm lùm chín vàng dù nó bé tí tẹo.
Là tiếng mẹ đi chợ về, hí hửng gọi vọng chị em tôi từ ngoài ngõ với bì chè bột lọc bọc dừa, con tò he hay vài quả thị. Thành ngữ mong như mong mẹ đi chợ về đã chia thì quá khứ, nhưng tiếng mẹ gọi Lu - con chó cưng của chúng tôi, gọi Mía - con gái nhỏ của tôi vẫn vậy như mấy chục năm rồi.
Là nơi ít thay đổi nhất trong tất cả những thứ đổi thay tôi có thể tìm về. Cái giường vẫn kê đúng chỗ cũ. Nóng rát cả họng, mẹ và tôi kể chuyện nhau nghe mỗi dịp tôi về quê: từ chuyện gà đẻ bao nhiêu trứng, trứng nở được mấy con, đến chuyện trong xóm có ai đó qua đời, sinh nở. Cũng ở đây, đêm đầu trở về bao giờ cũng khó ngủ vì chộn rộn trong đầu bao điều sẽ làm vào sáng hôm sau: món quê nào cho bữa sáng, cây nào cần cắt tỉa, cây nào ra hoa, cây nào ra quả bói, rau nào đang tốt tươi. Dù bận thế nào tôi cũng muốn ngủ lại nhà một đêm với cửa sổ mở toang, lấy hết khí trời, vùi vào giấc ngủ, quên cả mơ vì ngủ quá ngon, rồi thức dậy vào sớm hôm sau giữa nắng, gió, tiếng gà te te, tiếng chim lích chích.
Quê nhà đầy ắp mọi giác quan, tràn trong tim, và nhiều nhiều nữa, nhưng chỉ từng đó thôi, với tôi, là đã một đêm khó ngủ, mà đã ngủ rồi thì ngủ thật sâu, không thèm mơ. Được ngủ trên chiếc giường tuổi thơ, đặt cạnh vườn ổi sau hè với cửa sổ mở toang còn hơn cả ngàn giấc mơ đẹp. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.