Ngày xửa ngày xưa ấy, không hiểu sao mà tôi thường ngủ rất khuya và dậy từ lúc chưa hửng sáng mà mệ nội hay ví là “mới độ hồi chuông Linh Mụ”. Nhà tôi và hàng xóm xung quanh thuở ấy vẫn còn là xóm nhà tranh vách đất kèo tre như nhau. Mái tranh rạ cũ càng tỏa xuống mùi ẩm mốc quyện với mùi ngai ngái đất đai xứ sở từ vách phên.
Tôi luôn tin rằng, mưa trên mái nhà tranh cũ kỹ thì nước lâu rơi xuống đất hơn là mưa trên mái tôn. Vì mưa trên mái tranh, giọt nước phải len qua thêm hai ba lần lá cọ, lá tranh nữa mới trượt xuống thềm nhà rồi vỡ một cái tách vang đến bờ cơn mơ của tôi. Còn mưa trên mái tôn thì nước chảy nhanh hơn vì không có gì cản lại cả nên giọt nước tuôn thật mau mà vỡ thật nhanh tựa hồ một bản đàn loạn nhịp. Nằm nghe mưa, đếm giọt mưa mà thả tưởng tượng đi hoang trong mộng mị là một niềm vui của thơ ấu.
Nhiều năm về sau, khi những lớp tranh cũ kỹ đã được thay bằng những tấm tôn thép, tôi nằm nghe mưa đêm mà lòng như mất mát một điều gì thân quen đến mức không nhớ ra được.
Hồi chuyển lên ở đậu xóm Lò Vôi, tôi lại càng ít ngủ. Và những cơn mưa đêm lại theo đó mà ùa vào rồi ẩn sâu trong tâm trí, trong buồng tim của tôi. Phía sau và bên hông nhà cũ này có bao quanh một con hói đã cạn nước với khu vườn khá rộng. Trên mô đất cao nhất của khu vườn là một cái bể cạn, ở gần đó có một cây trứng gà đã già mà vẫn còn rất nhiều quả. Cái bể cạn này là hồ bơi của hai anh em tôi sau khi hứng đầy nước mưa. Cách đó về phía dưới cách con hói độ chục bước chân là một cái giếng mà hai đứa đồng ý gọi là giếng lùn. Gọi là giếng lùn vì thành giếng khá thấp. Khi tôi năm tuổi, thành giếng chỉ ngang độ bụng tôi nên tôi đã có thể đứng kéo gàu múc nước rồi. Mỗi buổi chiều về, mẹ thường hay kêu anh em tôi ra ngoài giếng lùn tự tắm với nhau. Có khi đang tắm, từ cây trứng gà rụng xuống mấy trái chín nẫu ngay đầu, anh em tôi vội giành lấy rồi bôi lên đầu, lên mình mẩy, lên mông đít nhau rồi tí tởn mách mẹ.
Ban ngày chúng tôi mê mẩn cái vườn nhà bao nhiêu thì ban đêm lắm lúc khiếp hãi bấy nhiêu. Nhất là những đêm mưa hay trở gió ngày bão, tiếng lá cây trứng gà lòa xòa quét lên mái tôn những âm thanh đanh đá ghê rợn…
Tôi càng nhớ ba mẹ hồi xa xưa ấy hơn nữa khi ngủ trong đêm ở đây mà tai cứ mãi thao thức nghe gió giật mỗi khi trời bão. Hoặc khi nghe tin Huế sắp đón những cơn bão. Ở trên dốc Lò Vôi ấy, mỗi lần bão thì thể nào nước cũng lên ngập dốc nhỏ xuống bờ hồ, nước tràn lên con hói cạn sau nhà. Hàng cây sau vườn cứ xào xạc vòm lá không yên trong cơn gió mạnh, mái nhà cứ chực hất lên rồi đập nghe lạch cạch suốt đêm. Nhiều đêm bão như thế, tôi tỉnh giấc, đi ra cửa sau đứng tè, nghe lõm bõm nước là biết nước đã lên cao rồi.
Có những ngày bão, ba đi xe thồ bị ế khách, về nhà không có tiền, ngồi gãi đầu ngáp ngắn ngáp dài dưới ngọn đèn hiu hắt. Mẹ tỉnh bơ nói đuổi ruồi:
- Thôi, mưa gió thì biết răng chừ. Mắm muối chi rồi cũng qua cả.
Rồi mẹ lui sau bếp lấy mấy trái trứng gà đã dú chín dưới thạp gạo lên bẻ cho hai đứa tôi ăn. Hai anh em ớn trái trứng gà quá rồi nhưng vẫn tranh nhau ăn vì nghĩ rằng đứa mô ăn nhiều hơn thì mẹ thương đứa ấy hơn.
Có khi ba về đã nửa đêm nửa hôm, mẹ dọn cho ba ăn tạm, hai anh em tôi ngồi bên muốn ăn theo thì mẹ nghiêm mặt lại:
- Không được ăn leo như rứa.
Nói thì nói rứa thôi, chớ mẹ tôi lại lui sau bếp tới chỗ con gà mái tràm lấy hai quả trứng đổ ốp la cho cả hai đứa. Với mấy đứa trẻ nhà nghèo thuở ấy, trứng ốp la là đặc sản mà không thứ gì bì được. Tôi không hiểu vì sao cho đến sau này, khi đã tạm - đủ lớn, dù đã biết nấu nướng, tôi vẫn không thể nào tìm thấy cái hương vị ngon lành từ cái trứng ốp la mình tự đổ giống như mẹ đã làm cho ngày nọ.
Chừ đây đã gần nửa dốc của cuộc đời rồi mà tôi vẫn còn giữ thói quen nằm nghe mưa đêm. Tôi thích những cơn mưa đêm vì tôi được trả về với bao nhiêu mơ mộng hoang đường như thơ ấu ở xa xăm.
Nhiều đêm ngẩn ngơ đợi bão để còn đi di tản ở Sendai, tôi vừa thu dọn đồ đạc, vừa da diết nhớ quê nhà thương mẹ yếu cha già không biết có ai đỡ đần giùm trong khi mưa to gió lớn hay không? Rồi có lúc bần thần không biết xóm làng ra răng bây chừ?
Đêm mưa lất phất, ngồi một mình nghe mưa với bóng mình lặng câm trên vách, bên tai chợt nghe vọng về tiếng mẹ ru trên thềm của ngày tháng cũ càng thương hoài thương hủy:
Đi mô bỏ mẹ ở nhà
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng.
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng.
|
Bình luận (0)