Giọng ca cải lương đưa nàng Mỵ Châu tới Paris
Show thời trang của nhà thiết kế Thủy Nguyễn tại Vietnam International Fashion Week 2019 bắt đầu bằng một đoạn cải lương. Trong đó có giọng nữ chính rất đặc trưng của những năm 1970 được ghi trên đĩa nhựa. Cô hát: “Anh ơi, anh có nhớ chăng anh đã hẹn với em sau giờ xổ số, anh sẽ đến tặng em món quà hôn lễ và dẫn em đi dạo mát đô thành...” (Hẹn em sau giờ xổ số). Đoạn nhạc sau đó được remix, như âm thanh từ chiếc đĩa vấp. Trên nền nhạc đó, những người mẫu bước ra, nhịp theo nhịp. Đó là cách Thủy Nguyễn kể câu chuyện tình Mỵ Châu.
Ban tổ chức tuần lễ thời trang cho biết bộ sưu tập này như một dòng hồi ức, gợi nhớ và tôn vinh vẻ đẹp vang bóng một thời của cải lương - loại hình nghệ thuật tiêu biểu tại Việt Nam và nàng công chúa si tình. Hoa sen, mẫu đơn, hoa đào, hoa súng và chất liệu gấm, ren và sequin lấp lánh đã kể lại câu chuyện xa xưa ấy. Những thiết kế này đã được Thủy Nguyễn mang đến Pháp trong Paris Fashion Week 2019.
Không chỉ với Mỵ Châu, Thủy Nguyễn đã kể nhiều chuyện xưa tích cũ như thế qua các bộ sưu tập của mình. Cô gây ra cơn lốc áo dài cách tân sau phim Tấm Cám. Liên hoan phim Cannes xếp áo dài cách tân có họa tiết tranh Đông Hồ của cô là một trong những trang phục thảm đỏ đẹp nhất. Cô Ba Sài Gòn, bộ phim do Thủy Nguyễn đồng sản xuất và trực tiếp làm phục trang, lại thổi lên cơn sốt áo dài cô Ba với họa tiết gạch bông.
|
Kể chuyện xưa thành... mốt
“Tôi không muốn kể lại câu chuyện ngày xưa, vì người xưa đã kể quá hoành tráng và quá đẹp rồi. Nôm na là trái tim mình vẫn ở đó nhưng mình phải thức thời, phải theo thời đại, xu hướng. Nhất là thời trang biến đổi hằng ngày, không thể cứ kể một câu chuyện cũ rồi bắt thanh niên thời đại này nghe những câu chuyện cũ”, bà chủ thương hiệu Thuy Design House nói.
Vì thế, Tấm Cám của Thủy Nguyễn có dặm thêm rất nhiều thời trang 4.0. “Vẫn là thêu nhưng sợi chỉ, chiếc kim đã khác truyền thống. Có những mẫu chúng tôi thêu bằng kim đan, kim to, lỗ to, có thể xỏ 10 sợi chỉ một lúc. Đó cũng là một cách đương đại, một kỹ thuật thêu mới rồi. Mọi người nhìn tổng thể tưởng nó cũ nhưng tháo ra lại là kiểu rất mới”, cô nói.
Áo dài cô Ba Sài Gòn với họa tiết gạch bông thực sự là một cuộc xuyên không. Là nhà sản xuất, Thủy Nguyễn thừa hiểu rất khó để dựng những ngoại cảnh hoành tráng đúng chi tiết Sài Gòn xưa. Vì thế, cô tạo dựng Sài Gòn chủ yếu ở trong nhà với màu tường vôi, ánh sáng đèn neon và gạch Indochine xưa cùng những trang báo...
Từ sương mù...
Cũng với cách lái mọi thứ đến xu hướng như thế, Thủy Nguyễn điều hành Trung tâm mỹ thuật đương đại Factory của mình. “Điều tôi muốn là tạo lập một bảo tàng chứ không dừng ở gallery. Làm gallery nghĩa là đón họa sĩ mang gì đến bán. Nhưng tôi lại hướng tới việc tạo dựng một thị trường mỹ thuật. Chúng tôi đang làm như một bảo tàng, có giám tuyển, đào tạo hướng dẫn nghệ sĩ làm dự án. Tất nhiên, chúng tôi cũng chưa đủ mạnh như một bảo tàng thật sự”, Thủy Nguyễn nói.
Đó là một hành trình dài. “Là họa sĩ, tôi hiểu nghệ sĩ muốn gì, cần gì và thiếu gì. Từ cương vị đầu tư, tôi biết làm sao để mọi thứ vận hành được. Nghệ sĩ phải hiểu muốn ra quốc tế cần có chuẩn mực ra sao”, Thủy Nguyễn nói.
Và trong cuộc hình thành chuẩn mực như vậy, Thủy Nguyễn cũng tự làm một nghệ sĩ tiên phong. Cô mang tác phẩm Sương mù đỏ thẫm đi đấu giá tại Mỹ năm 2018. Giá chào ban đầu cho tác phẩm là 10.000 - 15.000 USD. Kết thúc đấu giá, tác phẩm được bán với giá 100.000 USD trên trang của Sotheby’s.
... Đến ngôi nhà bạc
Năm 2019 đánh dấu tác phẩm khác của Thủy Nguyễn “ra biển”. Tác phẩm Nhà bạc (Silver Room) của cô được trưng bày ở vườn nghệ thuật Château La Coste, Aix-en-Provence, Pháp. Ngôi nhà rông Tây nguyên đặc biệt này có kích cỡ tương đương một nhà rông thật, cao hơn 16 m. Nhà có 26 cột, sàn làm từ gỗ sến đỏ, cấu trúc mái được dựng từ những cây tre già thậm chí cao đến 12 m. Mối nối của nhà rông đều bằng dây.
Ngôi nhà rông sau đó được hoàn thiện thêm bằng kỹ thuật dát bạc cho một căn phòng bên trong nhà. Rất nhiều bạc Kiêu Kỵ đã được dùng để dát thành tường của căn phòng... Cuối cùng, Nhà bạc hoàn thành, phản chiếu ánh nắng như gương, như trăng. Sự phản chiếu này được sáng tạo dựa trên cảm hứng của trường ca Đam San - chàng dũng sĩ dám đi bắt nữ thần Mặt trời. Thiết kế mái mở khiến tác phẩm tương tác với mọi yếu tố nắng, mưa, sương, gió của rừng Aix-en-Provence. Nhiều khi, ánh sáng sẽ lọt vào chiếu đúng tâm nhà. “Chính tính thời khắc độc đáo này đã nhấn mạnh chữ duyên trong triết lý nhà Phật, ảnh hưởng sâu sắc lên Thủy Nguyễn. Nhà bạc có sự tương tác đa kỹ thuật gồm lắp ráp, điêu khắc, sơn mài. Nó cũng vận dụng cả ánh sáng và bóng tối để mang lại hiệu ứng thị giác - tâm linh độc đáo. Tác phẩm thể hiện lối sống và niềm tin của cô vào một cõi an bình, thuận tự nhiên, giữa bộn bề những xung đột và gượng ép của xã hội hiện đại; giữa khát khao và sự buông bỏ”, ban tổ chức của vườn nghệ thuật đánh giá.
Theo nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, một người bạn lâu năm của Thủy Nguyễn, điều thú vị nhất với ông chính là cách mà Thủy Nguyễn làm nghệ thuật đương đại. “Kể cả làm nghệ thuật đương đại vì đam mê, không phải ai cũng đủ lực để làm như Thủy Nguyễn. Vừa đầu tư cho mình, vừa đầu tư cho các nghệ sĩ khác”, ông Đạt nhận xét.
Trong khi đó, Thủy Nguyễn chỉ nghĩ đơn giản mình thiết kế và làm tác phẩm vì sự nghiêm túc của trái tim. “Tôi thấy nhiều người tài giỏi, làm gì cũng nghiên cứu kỹ và chỉn chu. Còn chúng ta đôi khi hời hợt quá. Đó là rào cản khiến mình khó đi đến cuối con đường. Và tôi muốn cố gắng để làm gì cũng nghiêm túc tận trái tim”, cô nói.
Bình luận (0)