'Tổ chức liên hoan âm nhạc chỉ nghĩ đến tiền, kiểu gì cũng có thảm họa'

22/09/2018 09:33 GMT+7

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, làm các chương trình âm nhạc lớn ngoài trời ở Việt Nam đúng chuẩn chỉ có lỗ ít hay lỗ nhiều. Vì thế, nếu nhà sản xuất chỉ nghĩ đến tiền mà cắt giảm các loại chi phí dễ dẫn đến thảm họa.

* Chúng ta rất ít có các liên hoan âm nhạc, các sự kiện âm nhạc lớn ngoài trời đều đặn. Là một nhà sản xuất, anh nghĩ sao về điều đó?
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Phải nhìn nhận là giá thành sản xuất chương trình âm nhạc ở Việt Nam rất cao. Anh không có liên hệ với bên ngoài, anh mời nghệ sĩ nước ngoài đến rất đắt. Anh không tham gia vào được đời sống âm nhạc của thế giới. Chính vì cách biệt đó thì nghệ sĩ nếu đến họ sẽ đòi rất nhiều tiền. Giá bán vé thì lại rẻ do ở ta nhu cầu âm nhạc cũng chưa phải thiết yếu.
Ở châu Âu, giá vé cho một liên hoan âm nhạc 3-4 ngày đồng hạng, không có vé VIP, là 200- 300 euro. Tôi làm Monsoon bán 20-30 euro. Ở Việt Nam, khán giả luôn đòi hỏi nghệ sĩ nổi tiếng, âm thanh ánh sáng xịn, giá phải rẻ nhưng chỉ thích xin vé mời, không thích mua vé. Bài toán kinh tế đơn giản lắm nhưng khán giả Việt nhiều lúc quên rằng mình buộc bỏ ra tương xứng thì mới đòi hỏi được. Còn nếu mình đi ăn theo nhãn hàng thì phải chịu sản phẩm nhà tài trợ đặt hàng, chứ không phải điều mình muốn. Chưa kể khán giả còn than 20.000 đồng một chai nước khoáng, tại sao đắt thế. Bia 20.000 đồng đã kêu đắt thì nhà sản xuất chúng tôi biết làm sao được?
* Monsoon hay nhưng năm nào cũng phải bù lỗ. Điều đó có thật không?
- Năm Monsoon có Scorpions là năm chúng tôi lỗ nhiều nhất vì khán giả quay vòng vé, đi vé lậu, xin giấy mời, tháo vòng (vé đeo vào tay dạng vòng) ra lắp lại. Năm đó, Monsoon có lượng người vào đông nhất, nhưng vé bán được ít nhất. Thế thì làm sao đòi hỏi sự phát triển của chương trình âm nhạc lớn ngoài trời được.
* Vừa rồi lễ hội nhạc điện tử Trip to the Moon đã xảy ra sốc thuốc và chết người. Nhưng khi bệnh viện báo về nhà quản lý mới biết. Một liên hoan nhạc điện tử có thực sự khó tổ chức không?
- Việc tiền thu vào như thế cũng dẫn đến hệ lụy là nhà tổ chức phải cắt giảm chi phí ở những festival âm nhạc ngoài trời. Trong khi đó liên hoan âm nhạc điện tử EDM thì phải ngoài trời, thoáng đãng. Nó đòi hỏi lực lượng bảo vệ an ninh rất đông, chuyên nghiệp.
Tôi tới dự một liên hoan nhạc điện tử ở nước ngoài, bảo an của họ có những thiết bị bộ đàm tốt đến mức họ đứng trước loa vẫn có thể nói chuyện được với nhau. Họ đứng ở trên cao để thấy ngay có ai xỉu hay mệt thì hỗ trợ luôn. Tôi đứng lâu mỏi bèn ngồi thụp xuống thì 1 phút sau đã có người ra hỏi có mệt không, có muốn uống nước không, có cần trợ giúp không.
Tất cả những việc như thế đòi hỏi kỹ năng phòng chống thảm họa ở đám đông. Thứ hai nó liên quan đến vấn đề ngân sách. Thực ra DJ là loại hình đơn giản nhất, dễ nhất về âm nhạc, và sản xuất. Thế mà còn lỗ, có tài trợ mà vẫn lỗ, không có càng lỗ nên sẽ dẫn đến cắt giảm chi phí. Như thế thì càng đông khách, càng nguy hiểm. Nếu nhà sản xuất chỉ nghĩ đến tiền và lợi nhuận, thế nào cũng có thảm họa.
Làm Monsoon, tôi là đơn vị duy nhất mua bảo hiểm cho toàn bộ ê-kíp sản xuất và nghệ sĩ, cộng cả khán giả. Đó là bảo hiểm rủi ro sự kiện. Toàn bộ khán giả ở trong sự kiện được bảo hiểm. Tất nhiên là mức bảo hiểm không cao nhưng cho toàn bộ khán giả trên sân Hoàng Thành. Nghệ sĩ thì đương nhiên. Nhưng nếu vậy thì nhà sản xuất lấy đâu ra tiền?
Nhạc sĩ Quốc Trung Ảnh: TL
* Anh đã làm Monsoon với một hãng bia tài trợ. Anh nghĩ gì về việc sử dụng bia, rượu, chất kích thích trong các sự kiện âm nhạc ngoài trời của giới trẻ ?
- Mọi thứ trên đời đều có hai mặt. Nếu anh không đủ trí thức thì anh sẽ bị lạm dụng nó. Ngay cả thuốc người ta cũng lạm dụng được cơ mà. Bia không xấu. Anh uống say rồi lái xe gây tai nạn nó mới xấu.
Trong các đại hội âm nhạc trên thế giới, họ có thể cấm quảng cáo rượu, họ có thể không được bán rượu nguyên chất nhưng pha cocktail. Có đại nhạc hội ở Đan Mạch chỉ có thanh niên độ 19-25 tuổi là chủ yếu. Đó là lứa tuổi chỉ được uống bia không được uống rượu. Có người say, nhưng ở Đan Mạch người ta nói đó cũng là nơi để giới trẻ được giáo dục ý thức văn hóa party. Gia đình cho họ đến đó để học cách được "xõa". Đó cũng là một trải nghiệm để biết nên "xõa" như thế nào, giữ gìn ra sao.
Vấn đề là giáo dục người ta uống ở mức độ nào, tạo ra không gian vui thế nào. Và nó có nhiều kỹ năng, khi người ta vui và có cảm xúc tích cực thì người ta không làm gì bậy bạ.
* Kiểm soát an ninh của Monsoon quá tốt. Anh gây dựng hệ thống đó có khó không?
- Đầu tiên, bao giờ chúng tôi cũng có phương án an ninh nhờ thành phố, nhờ công an. Có lập cổng từ kiểm soát, có cơ động vòng ngoài. Bảo an cũng có số lượng lớn bên trong. Có cả tình nguyện viên. Có những khu vực tình nguyện viên không bao giờ được quay lên sân khấu. Nên các cháu chia thành ca, hôm trước trực an ninh thì hôm sau xem. Bao nhiêu năm, năm nào cũng có lều y tế, xe cứu thương và không có sự cố gì.
Nhưng rủi ro rất tiềm ẩn. Luôn phải tính đến việc có sự cố thì đi đường nào. Giải tán khi có sự cố trong bao lâu, có giẫm đạp lên nhau không. Thậm chí hàng rào chia khán giả cũng phải để sao không đông quá để tránh bị đông người quá đè lên.
Những lần đi festival quốc tế cho tôi kinh nghiệm tính toán đó. Chẳng hạn fanzone thì áp lực loa sẽ để như thế nào, hàng rào an ninh cũng phải tính để không đổ. Chúng tôi phải tính và soát các mấu nối hàng rào để không kẹp chân tay khán giả. Các bạn hàng đầu nhiệt tình nhưng cũng dễ bị mệt. Vì thế có những năm tài trợ nước uống để ở phía trước hàng này các bạn không bị mệt, không bị khát.
* Chi phí tổ chức một liên hoan âm nhạc ở Việt Nam đắt hơn các nước trong khu vực. Nhà sản xuất có nguy cơ lỗ lớn. Như vậy là chúng ta đang đứng trước nguy cơ không có đêm diễn ngoài trời phải không, thưa anh?
- Chúng ta cần đặt câu hỏi chúng ta có nhu cầu được nhìn thấy, được tham gia vào nghệ thuật và âm nhạc của thế giới hay không, hay cứ đóng cửa tự vỗ về nhau với các danh hiệu. Chúng ta đang nghe thứ âm nhạc cách đây 30 năm. Nếu mang về Việt Nam muốn thành công chỉ có Scorpions, rồi BoneyM, rồi Modern Talking thôi. Có những nghệ sĩ thần tượng mang về Việt Nam cũng chắc chắn là "chết" vì gần như không ai biết.
* Tức là thị trường của ta không có nhu cầu có các nghệ sĩ lớn đương đại?
- Nhiều khi khán giả bảo, ôi nghệ sĩ này không ai biết. Bạn làm sao biết hết được? Các bạn chỉ biết những người quá nổi tiếng mà mình không bao giờ có thể đủ tiền để mời đến, hoặc có đủ tiền chưa chắc họ đã đến.
Mà nghệ sĩ lớn quốc tế, không phải là trả tiền người ta đến. Một điều yêu cầu đơn giản nhất là họ sẽ hỏi giá vé bán bao nhiêu tiền và số người xem bao nhiêu. Hiện tại, nếu muốn người dân Việt Nam có thể tham gia được thì phải bán chắc chắn dưới 1 triệu đồng. Nếu muốn mọi người phổ cập thì nó khoảng 500.000 đồng - 800.000 đồng; nếu có ngôi sao thì trên 1 triệu. Thử tưởng tượng, nếu bán giá 1 triệu đồng thì được bao nhiêu người dự? Và đối với ngôi sao, nếu bán dưới 30.000 người thì họ có quyền từ chối không lên biểu diễn. Một cái sân vận động Mỹ Đình, nếu đẩy vào đó 10.000 người thì trông nó lèo tèo thế nào? Khi đó sẽ rất mất uy tín, cái mà họ thấy quan trọng. Với họ thêm 500.000 hay 1 triệu USD không sợ bằng mất uy tín.
Khán giả phấn khích cùng nghệ sĩ ẢNH HUY
* Như vậy thì hệ lụy cho thị trường tổ chức biểu diễn ở ta là gì, thưa anh?
- Nếu không ai vào chơi với anh cả thì làm sao anh có cơ hội ra thế giới được. Anh không biết anh đang ở đâu, anh như thế nào thì làm sao mà hội nhập với người ta được. Nếu không có chiến lược thay đổi, chúng ta sẽ mãi là ốc đảo âm nhạc nghệ thuật và văn hóa. Sáng tạo chỉ dừng mức ấy.
* Thời gian gần đây, các bạn trẻ đang có xu hướng đi Thái Lan, Singapore để xem những chương trình ca nhạc lớn. Anh đánh giá thế nào về xu hướng này.
- Nhân viên của tôi cũng thế, đi hết để xem. Thái Lan, hãy nhớ, năm 1995 cũng là nột trung tâm băng đĩa lậu, chuyên môn bán băng cát-sét, băng video như mình. Chỉ sau 5 năm đến 2000, Sony Thái bán cả triệu đĩa. Bởi vì họ dẹp tất cả ăn cắp bản quyền đi, nghệ sĩ bán được. Giờ họ là một thị trường bình đẳng với thế giới. Bất cứ nghệ sĩ nào đi tour cho hãng đều có thể bình đẳng rẽ vào Thái Lan diễn 1 buổi, thậm chí diễn 2 buổi.
Vấn đề là một quốc gia phải có một chiến lược như vậy thì mới tạo ra được thị trường, tạo ra định hướng. Định hướng không có nghĩa là nhồi nhét mà định hướng là gieo mầm những lứa khán giả để khi anh sáng tạo thì họ theo được. Nếu không cho họ những thói quen đi thưởng thức âm nhạc văn minh, đón nhận những thứ mới mẻ thì không bao giờ có cơ hội tổ chức một buổi diễn có nhiều nghệ sĩ. Nếu khán giả không nghe được thì họ sẽ không mua vé.
* Cũng phải nói, khán giả trong nước có thể bỏ 5 triệu đồng để nghe Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên. Không phải họ không có tiền. Nhưng họ chỉ nghe những thứ đó, còn những thứ khác của thế giới thì họ không nghe. Thế thì làm sao mời được những nghệ sĩ lớn thế giới ?
- Vấn đề là văn hóa nghệ thuật vẫn được coi là phương tiện tuyên truyền. Nên khi chuyển sang cái giải trí thì người ta không đánh giá chức năng giải trí một cách lành mạnh trong đời sống nên không coi trọng. Ở Hàn Quốc dù phát triển Kpop, Bộ Văn hóa vẫn phát triển các dòng nhạc khác. Các nghệ sĩ indie trẻ của Hàn Quốc sang Monsoon là được tài trợ. Họ ý thức được văn hóa đi trước thì sẽ tạo thành các trào lưu dùng mỹ phẩm Hàn Quốc, ẩm thực Hàn Quốc, mặc quần áo Hàn Quốc…
* Như vậy là đành chấp nhận không có sân chơi âm nhạc ngoài trời cho số đông ở trong nước ?
- Ở đây câu hỏi dành cho nhà quản lý và nghệ sĩ. Nếu họ không nghĩ đến tương lai và gieo những mầm, tạo nên đối tượng khán giả cho tương lai của mình, để đón nhận sáng tạo thì không bao giờ có hội cho những sân chơi như thế. Khán giả chỉ có nghĩa vụ là họ sẽ bỏ tiền nếu họ thích.
Chúng ta đang có thói quen nghệ sĩ hay sản xuất chỉ đi phục vụ nhãn hàng là chính. Đó là một cái việc dễ dàng nhất, và cũng để tồn tại được. Tôi cũng thế. Mỹ Thanh (một công ty sản xuất âm nhạc có uy tín đã sản xuất chuỗi chương trình In The SpotLight - NV) cũng thế thôi. Và càng phục vụ nhãn hàng bao nhiêu càng triệt tiêu khán giả của mình bấy nhiêu. Vì nếu phục vụ sự kiện này 1.000 khách thì số khách này sẽ ít có có nhu cầu, thậm chí không có nhu cầu đến show khác bán vé. Nếu Thanh Lam, Mỹ Linh ở đây rồi thì khi các nghệ sĩ này làm liveshow ở Cung văn hóa, họ sẽ hỏi có gì mới không, mà hôm qua mình vừa xem rồi, mà xem trong lúc nhậu thì thoải mái hơn bỏ mấy triệu ra rạp.
Ở nước ngoài cũng có sự kiện nhưng nghệ sĩ không phụ thuộc hoàn toàn vào nhà tài trợ như vậy. Ở những nền âm nhạc phát triển, festival âm nhạc không phụ thuộc vào tài trợ. Ngân sách độ 10 triệu euro là họ lãi 4-6 triệu. Nếu họ có nhà tài trợ như Tubourg chẳng hạn vì chỉ có hãng đó mới lo được 1 triệu lít bia cho người dự uống trong vòng 4 ngày. Chứ họ không cần nhà tài trợ để lo tiền tổ chức.
Chính vì thế nghệ sĩ mới dũng cảm đưa được sáng tạo mới, sản phẩm mới, nhà sản xuất mới dám giới thiệu những nghệ sĩ trẻ. Ở ta, thị trường cứ méo mó, vẫn phụ thuộc vào nhà tài trợ. Còn nhà sản xuất thì vẫn phải lấy tiền từ tổ chức sự kiện ra để bù lỗ. In the spotlight và Monsoon đều phải bù lỗ. Đến một lúc nào đấy nó sẽ tạo thành thói quen thưởng thức âm nhạc kỳ lạ như nghe nhạc khi ăn. Càng làm thế, nghệ sĩ thấy suồng sã. Khách hàng thấy âm nhạc chẳng có giá trị gì. Nhà sản xuất thì làm event nhàn hơn nhiều và chắc chắn không bị lỗ. Rồi thành thói quen nguy hiểm. Tất cả chúng ta đều thiệt và khán giả sẽ là người thiệt nhất.
* Có vẻ như khán giả đang thiệt nhất mà không biết điều đó?
- Đúng là khán giả thiệt nhất mà không biết. Một show đẳng cấp thế giới ở Singapore chẳng hạn, vé trung bình chỉ 100 đô la Singapore. So với 1 sản phẩm Việt Nam bán 3 triệu ở Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô thì chất lượng nghệ thuật ở đấy vượt xa đến mức không so sánh được. Khán giả ở Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô vẫn hài lòng. Khán giả đó sẽ không đi Singapore, họ chỉ cần như thế thôi.
* Xin cám ơn anh!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.