Bảo tàng cũng tiếp nhận và đưa vào trưng bày bộ sưu tập 1.010 bức tranh cổ động, do nhà báo Nguyễn Đăng Tiến dày công sưu tầm và hiến tặng. Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá đây là hoạt động giúp công chúng tin tưởng hơn ở sức mạnh của nghệ thuật tuyên truyền qua tranh cổ động, trên báo chí cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác.
Theo PGS-TS Đặng Thị Thu Hương (Viện Đào tạo báo chí), ở Việt Nam, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Bức vẽ đầu tiên thuộc thể loại này là tác phẩm “Việt Nam độc lập” thổi kèn loa đăng trên báo Độc lập năm 1941 - 1946 của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, lịch sử mỹ thuật Việt Nam chứng kiến giai đoạn vàng son của tranh cổ động thời kỳ kháng chiến. Đặc biệt, thời kỳ chống Mỹ có sự nở rộ hàng loạt tranh cổ động của các họa sĩ bậc thầy như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Sỹ Ngọc… Năm 1968, Xưởng tranh cổ động trực thuộc Tổng cục Thông tin chính thức ra đời. Xưởng đã tổ chức sáng tác, in ấn, phát hành tranh cổ động trên toàn quốc, trong kháng chiến cũng như trong thống nhất, hòa bình.
Bà Trần Thị Hương, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá tranh cổ động, bên cạnh giá trị tuyên truyền, cũng là tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng có bộ sưu tập hơn 400 tranh cổ động qua các thời kỳ khác nhau, chất liệu khác nhau, phản ánh hoạt động của con người và xã hội Việt Nam. Nhiều giám tuyển nước ngoài đã ngạc nhiên và thích thú khi xem các tranh cổ động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và ngay sau ngày miền Nam giải phóng khi tranh được mang đi giới thiệu. Họ còn đặt cho triển lãm tranh cổ động giai đoạn này cái tên Sự hồi sinh của một quốc gia. Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã mở một phòng trưng bày riêng cho tranh cổ động.
Bình luận (0)