Tranh bìa báo xuân thập niên 1950

24/02/2015 05:26 GMT+7

Nhận thấy có “một khoảng trống lớn về đời sống đô thị đời thường ở Sài Gòn những năm 1950 - 1960”, trong các tác phẩm về Sài Gòn - TP.HCM ấn hành gần đây, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận đã miệt mài tìm kiếm, ghi chép tư liệu về Sài Gòn xưa.

Nhận thấy có “một khoảng trống lớn về đời sống đô thị đời thường ở Sài Gòn những năm 1950 - 1960”, trong các tác phẩm về Sài Gòn - TP.HCM ấn hành gần đây, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận đã miệt mài tìm kiếm, ghi chép tư liệu về Sài Gòn xưa.

Một bìa báo xuân thập niên 1950
Một bìa báo xuân thập niên 1950
Tập sách khảo cứu kết hợp tản văn Sài Gòn - chuyện đời của phố phần 2 của ông (do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM và Phương Nam Book vừa ấn hành) tiếp tục mang đến độc giả những câu chuyện thú vị. Thanh Niên xin trích giới thiệu một số bài viết trong tập sách.
Một ngày giáp tết cuối thập niên 1950, có hai người đàn ông chạy xe gắn máy tông vào nhau trên đường Lê Lợi, đoạn gần chợ Bến Thành. Sau khi dựng xe, lấy lại tư thế, hai ông ngỡ ngàng nhận ra nhau. Người lớn tuổi hơn đi Vespa là họa sĩ Duy Liêm, nổi tiếng vẽ bìa nhạc tờ, mẫu tranh sơn mài và bìa báo. Người đi Lambretta là họa sĩ Lê Minh. Hai ông hỏi nhau đi đâu mà gấp gáp vậy, và cả hai có cùng câu trả lời: “Tôi đi giao tranh bìa báo xuân, gấp quá nên đi nhanh!”.
Câu chuyện cũ đơn giản vậy nhưng còn đọng lại trong tâm trí Lê Minh, họa sĩ nổi tiếng một thời chuyên vẽ bìa sách truyện chưởng Kim Dung và tranh các loại cho các ấn bản. Năm nay 77 tuổi, còn tráng kiện và đang sống cùng vợ con ở đường Lê Quang Định (TP.HCM), ông hồi tưởng: “Thập niên 1950 là thời hoàng kim của giới họa sĩ vẽ tranh bìa báo xuân. Lúc đó xu hướng dùng ảnh làm bìa báo xuân chưa rộ lên, người trong giới họa sĩ chúng tôi như Lê Trung, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm tha hồ tung hoành. Những năm đó, tôi còn trẻ, ngoài việc vẽ bìa sách còn nhận thêm vẽ bìa báo xuân. Mỗi năm nhận khoảng 5 - 6 bìa là có tiền ăn cái tết huy hoàng rồi”.
Họa sĩ Lê Minh kể rằng khoảng một tháng trước tết, các báo như Sân Khấu Mới, Tia Sáng, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai bắt đầu đặt ông vẽ bìa. Các chủ báo không có yêu cầu gì cụ thể, chỉ giao họa sĩ vẽ một bìa báo cho đẹp với tông màu rực rỡ. Thế là các họa sĩ tha hồ sáng tạo. Tuy nhiên, bìa báo xuân nhất nhất phải có hình một cô gái xinh đẹp, có cành hoa mai, có cảnh đi lễ chùa, đi chợ hoa, cho bồ câu ăn, lư nhang trầm... cứ thế mà thay đổi, thêm bớt, miễn các tranh bìa đừng giống nhau. Thập niên 1950, kỹ thuật làm bản kẽm chỉ dùng để in ảnh trên bìa nên họa sĩ vẽ tranh làm sao cho phù hợp với kỹ thuật in mộc bản, dễ chạm khắc trên gỗ để in. Một bức tranh thường vẽ chỉ mất một buổi nhưng vì nhiều tranh dồn lại phải giao gấp, nên mới có chuyện tông xe vào nhau trên đường Lê Lợi với ông Duy Liêm.
Họa sĩ vẽ tranh bìa báo xuân nổi bật lúc đó là Lê Trung, người mà họa sĩ Lê Minh ngưỡng mộ từ khi còn trẻ. Họa sĩ Lê Trung tên thật là Lê Toàn Trung, người gốc Châu Đốc. Ông tốt nghiệp Trường trung học trang trí Gia Định và là cựu sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1938, có thụ huấn Giáo sư Besson, Claude Lemaire, La Jonchères. Tranh của Lê Trung được chú ý nhiều nhất là vẽ thiếu nữ với nét đẹp diễm lệ, sóng mắt ướt rượt, ngực nở, eo thon hừng hực sức sống như cây trái miền Nam. Giới bình dân ở Sài Gòn, người dân miền Tây Nam bộ đặc biệt mê tranh bìa báo xuân do Lê Trung vẽ. Tranh của ông đứng hẳn riêng một góc, khác hẳn dáng thiếu nữ thướt tha, mảnh mai yểu điệu kiểu “mỹ thuật Đông Dương” rất thịnh hành. Dạng tranh này có sức sống thật sự đến nỗi cho đến nay nhiều người còn nhắc đến để nhớ về một dĩ vãng êm đềm của thập niên 1950 lúc vừa thoát khỏi chế độ thực dân và chiến tranh chưa lan rộng. Sau một cái tết, bìa báo xuân, phụ bản màu sẽ được cắt ra dán trên vách nhà, cột cái để ngắm nghía suốt năm.
Đến đầu thập niên 1960, xu hướng tranh bìa báo xuân dần dần yếu thế. Lúc đó, sân khấu cải lương và tân nhạc đang hồi mạnh mẽ với nhiều gương mặt đào, kép, ca sĩ đẹp, có tài. Kỹ thuật nhiếp ảnh, kỹ thuật in ấn cũng tiến bộ hơn. Công chúng đòi hỏi được tiếp cận hình ảnh nghệ sĩ mà họ từng xem biểu diễn trên sân khấu. Các báo lần lượt đưa lên bìa hình ảnh nghệ sĩ được chụp công phu trong các studio Bình Minh, Viễn Kính. Tranh của các họa sĩ vẽ cho báo xuân vẫn còn được ưa chuộng nhưng đã lùi dần vào bìa sau các tờ báo xuân.
Khi xem các tờ báo xuân cách nay gần 60 năm, tôi thật sự thấy đó là những bức tranh đẹp, gợi cảm. Đó là dạng mỹ thuật dành cho đại chúng, dễ thưởng thức và đã tạo nên một thị hiếu thẩm mỹ tích cực dành cho những người bình thường không có mấy khi tiếp cận những gallery sang trọng hay các phòng khách xa hoa. Trong ký ức của người Sài Gòn, lục tỉnh hay ở các tỉnh xa ở tuổi trên 50, đó là những hình ảnh khó phai, đầy cảm xúc khi nhìn lại.
Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 2
Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 3
Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 4
Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 5
Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 6
Tranh bìa báo xuân thập niên 1950 7Một số tranh bìa báo xuân thập niên 1950
Thiếu nữ trên phụ bản xuân
Cách nay nửa thế kỷ, các giai phẩm xuân thường bán kèm phụ bản có vẽ tranh thiếu nữ. Sau đó là những tấm lịch có in ảnh các nữ nghệ sĩ. Báo Tiếng Chuông từng ra phụ bản là tập lịch cứ mỗi hai tháng một tờ in ảnh các nữ nghệ sĩ, mà hai tháng đầu năm in ảnh nghệ sĩ Kim Cương. Nhiều gia đình thấy tranh, ảnh đẹp nên dán lên vách để lưu giữ hay như một cách trang trí. Qua thời gian, tất nhiên tranh ảnh xuống màu, cũ rách nên đến tết người ta lại mua giai phẩm xuân để có phụ bản mới thay thế. Kiểu trang trí bình dân này không khác chi thú dán tranh dân gian xưa kia.
Xuyên Vân
(ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.