Tranh của danh họa thủ khoa Trường Mỹ thuật Đông Dương hồi hương về Việt Nam

23/11/2018 15:38 GMT+7

Sáng 23.11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, lần đầu tiên sau khi từ Pháp trở về VN, những bức tranh quý của nữ họa sĩ Lê Thị Lựu, thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 3 đã ra mắt công chúng.

Đây là kết quả từ nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo UBND TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trong suốt thời gian dài nhằm đưa các tác phẩm hội họa của những họa sĩ nổi tiếng hồi hương.
Buổi lễ tiếp nhận tranh diễn ra thật ấm áp và trang trọng với sự có mặt của lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM và ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tich Hội Mỹ thuật TP.HCM cùng những người yêu hội họa.
Buổi tiếp nhận tranh quý diễn ra thật trang trọng
Đại diện gia đình không giấu được xúc động khi thực hiện được ý nguyện của danh họa
Lãnh đạo Bào tàng Mỹ thuật trao tặng Giấy chứng nhận hiến tặng tác phẩm mỹ thuật
Ký tặng sách Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn vừa ra mắt trong dịp này
Họa sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19.1.1911 tại làng Thổ Khối, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Q.Long Biên, Hà Nội). Năm 1927, bà Lựu là nữ họa sĩ đầu tiên trúng tuyển khóa 3 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1932, bà là thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp khóa 3 tại ngôi trường đã sản sinh nhiều tên tuổi của mỹ thuật VN sau này như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm…
Dù sự nghiệp sáng tác có khi bị gián đoạn bởi những thăng trầm thời cuộc, bà Lựu vẫn giữ cho mình niềm đam mê hội họa. Những tác phẩm: Chân dung ông Hai, Em nhỏ trong vườn chuối, Người đàn ông Guinée hay Mẹ địu con, Dông tố… của bà được giới chuyên môn đánh giá rất cao.
Hơn nửa cuộc đời bà Lựu sống tại Pháp nên hầu hết tác phẩm của bà được lưu giữ tại đây. Bức tranh Tam đại đồng đường là tác phẩm cuối cùng mà bà hoàn thành vào năm 1988 trước khi từ trần vào ngày 6.6.1988 ở bệnh viện Antibes (miền Đông Nam nước Pháp).
Năm 2018, vợ chồng ông bà Lê Tất Luyện quyết định đưa toàn bộ sưu tập tranh Lê Thị Lựu trao giữ “để về tặng VN vào một thời điểm thích hợp” theo ý nguyện của nữ họa sĩ, thông qua Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Các hiện vật hiến tặng bao gồm: 18 tác phẩm chất liệu lụa, sơn dầu và 2 bản sao chụp tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu do ông Ngô Thế Tân, chồng họa sĩ Lê Thị Lựu trao cho ông bà Lê Tất Luyện giữ từ ngày 8.5.1994, cùng nhiều tư liệu hình ảnh, bản thảo thơ, bút tích của nữ họa sĩ. Toàn bộ số hiện vật này được ông bà Lê Tất Luyện trao cho lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ngày 6.6.2018, tại Paris. Ngoài ra, có 9 tác phẩm lụa, sơn dầu (8 tác phẩm do họa sĩ Lê Thị Lựu sáng tác và 1 tác phẩm do ông Ngô Thế Tân sáng tác) thuộc sưu tập riêng của ông bà Lê Tất Luyện cũng được ông bà tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ngày 19.10.2018. Sau đó tất cả tác phẩm đều được bảo quản cẩn thận và đưa bằng đường hàng không về VN.
Danh họa Lê Thị Lựu
Tác phẩm Cho em con mèo
Các tác phẩm tranh lụa của bà trao tặng trong đợt này luôn đậm chất Việt Nam
Ông Trịnh Xuân Yên - PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đánh giá: “Triển lãm Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn, không chỉ giới thiệu với người xem những tác phẩm hội họa đặc biệt và 10 bài thơ của một tài năng xuất sắc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mà còn là sự tri ân nữ họa sĩ đầu tiên của VN đã có những đóng góp không nhỏ cho nền mỹ thuật nước nhà. Chuyên đề như một bản giao hưởng của âm thanh và màu sắc, tạo nên ấn tượng đặc biệt giữa mơ và thực, nơi hội họa với thi ca giao hòa”.
Chủ tich Hội Mỹ thuật TP.HCM Huỳnh Văn Mười cho rằng: “Danh họa Lê Thị Lựu là người xuất chúng. Trước đây, vì yêu mến tài sắc của bà nên họa sĩ Lưu Đình Khải vào Sài Gòn dạy mỹ thuật tại Trường Mỹ thuật Gia Định và bà nhận lời. Họa sĩ cũng là nữ giáo sư mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam và là nữ giáo sư mỹ thuật đầu tiên của miền Nam. Theo tôi, bà hoàn toàn xứng đáng được dựng thành tượng đài danh nhân văn hóa của Việt Nam”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.