Tranh giả, sao chép tranh vẫn phổ biến
05/04/2019 07:17 GMT+7
Hiện trạng tranh giả bày bán khắp nơi: từ trên mạng xã hội đến gallery tại các thành phố lớn; việc trưng bày tranh giả công khai... khiến những người làm nghệ thuật và yêu hội họa trăn trở về ý thức tác quyền tranh tại VN.
Tự động phát
Sao chép công khai
|
Trước đó, gia đình cố họa sĩ Nam Sơn phải lên tiếng đòi lại công bằng khi phát hiện bức tranh Chân dung nhà sư (Bonze) của ông bị làm giả từ nét vẽ đến chữ ký. Bức tranh giả được rao bán trên trang Facebook Đồ Gỗ Gia Bảo với giá 5 triệu đồng, sau đó thấy có nhiều người hỏi, bèn lên giá 8 triệu đồng. Khi sự việc bị phát hiện, đại diện trang Facebook đăng tải bức tranh giả đã xin lỗi gia đình họa sĩ Nam Sơn nhưng những hệ lụy từ việc này không phải nhỏ.
Chia sẻ về việc họa sĩ bị sao chép tranh một cách công khai, thậm chí còn được trưng bày trong triển lãm, họa sĩ Trần Thanh Cảnh kể câu chuyện về bức tranh Chân dung cô Kim Anh của họa sĩ Thành Chương từng bị mạo danh trong triển lãm Bộ sưu tập tranh Mỹ thuật Đông Dương tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, dưới cái tên Tạ Tỵ. Chuyện để tranh giả trà trộn vào một cuộc triển lãm, theo họa sĩ Trần Thanh Cảnh giải thích là do quá trình duyệt và đội ngũ thẩm định không sâu sát.
Một nhà sưu tập tranh xin được giấu tên cho rằng trách nhiệm về vấn nạn làm giả và sao chép tranh tràn lan thuộc về những người làm luật. Họ cần tham chiếu những bộ luật quốc tế về cách xử trí việc chép tranh của các họa sĩ nổi tiếng như thế nào để áp dụng, ngăn chặn. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi cho biết, ở Pháp làm giả tranh của họa sĩ, vi phạm tác quyền có thể bị kết án tù 2 - 3 năm, phạt từ 150.000 - 300.000 euro (tương đương 3,9 - 7,9 tỉ đồng).
|
Họa sĩ cần biết cách tự bảo vệ
Trước ý kiến của một số người cho rằng họa sĩ bị sao chép tranh nên… mừng vì tranh phải đẹp thì người ta mới sao chép, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi nói: “Tôi rất buồn cho những ai có suy nghĩ như thế. Đây là con dao hai lưỡi, bởi hệ lụy của việc sao chép khiến công sức sáng tạo bằng tài năng và tâm hồn của người họa sĩ bị ăn cắp trắng trợn và người hưởng lợi không phải là họ”.
Họa sĩ Trần Thanh Cảnh chia sẻ: “Họa sĩ phải biết cách tự bảo vệ mình. Cần phổ biến kiến thức về tác quyền cho chính các họa sĩ thông qua những đợt tập huấn hoặc tọa đàm”. Anh cho biết có những họa sĩ hầu như không đi đăng ký tác quyền cho tác phẩm của mình. Khi đưa tác phẩm lên mạng xã hội, hoặc khi tác phẩm được đăng trên báo, mang đi triển lãm thì họ lấy những dấu mốc đó để khẳng định tác phẩm là của mình mà không biết rằng những điều này chỉ mang tính tham chiếu.
“Luật bản quyền đã có ở VN nhưng chưa được thực thi một cách đúng đắn. Cần phải có biện pháp mạnh mẽ, thi hành việc xử phạt một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, tác giả nên tự bảo vệ mình, tạo trên tranh mã code đặc biệt chỉ một mình mình biết và lên tiếng ngay khi bị giả tranh”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi nói.
Ngoài ra, để chống nạn tranh giả hoành hành, những người yêu mỹ thuật VN cũng cần trang bị kiến thức căn bản để phân biệt một tác phẩm tranh chép và tranh giả.
[VIDEO] Chịu cạnh tranh từ Ấn Độ và Việt Nam, "thủ đô chép tranh" của Trung Quốc chật vật thay đổi
|
Bình luận (0)