Tranh việt ngày càng có giá
|
Mức giá mà nhà đấu giá Christie’s Hong Kong dự đoán ban đầu dành cho tác phẩm chỉ là 509.000 - 764.000 USD. Như vậy là bức tranh đã tăng hơn 2,5 lần so với mức giá khởi điểm. Đây không phải là lần đầu tiên cố họa sĩ Lê Phổ có tác phẩm được bán với giá hơn 1 triệu USD. Trước đó vào năm 2017, tác phẩm Đời sống gia đình của ông (mực và bột màu trộn keo trên bố, 82 x 66 cm, 1937 - 1939) tại phiên đấu giá Modern and Contemporary Art của nhà Sotheby’s đầu tháng 4.2017 cũng lập kỷ lục khi được bán ra với mức giá 1,172 triệu USD.
Trong phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại tại Christie’s Hong Kong vào ngày 26.5, ngoài bức tranh Khỏa thân thì cố họa sĩ Lê Phổ tiếp tục khẳng định vị trí của ông khi tác phẩm Tắm biển (lụa bồi giấy, 88 x 56,5 cm, 1938) cũng được bán ra với mức giá cao là 505.000 USD.
Tại phiên đấu giá này, một cây đại thụ khác trong làng mỹ thuật VN cũng ghi tên mình vào câu lạc bộ các họa sĩ có tác phẩm được bán trên sàn đấu giá công khai với mức giá hơn 1 triệu USD. Đó là cố họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906 - 1954) với tác phẩm Vỡ mộng (lụa, 92,5 x 57 cm, 1932). Bức tranh này được bán với giá 1,1 triệu USD.
Cần nói thêm, riêng trong phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại nói trên có đến 138/232 bức tranh là của các họa sĩ VN. Điều đó cho thấy các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ Việt đang được đánh giá cao tại thị trường quốc tế. Nhận xét về giá trị tranh Việt được bán ra trong phiên đấu giá này, ông Tira Vanichtheeranont, chủ phòng trưng bày Bababa Gallery ở Bangkok (Thái Lan), được biết đến như một nhà sưu tập nổi tiếng, chuyên sưu tầm tranh, đồ cổ của VN hơn 20 năm nói: “Tranh của các họa sĩ VN bán được tại sàn đấu giá Christie’s Hong Kong vừa qua còn rất rẻ”.
|
Việc có cùng lúc 2 bức tranh được bán vượt mốc 1 triệu USD đã được một số nhà nghiên cứu hội họa dự báo từ vài năm trước, khi giá tranh của các họa sĩ VN, đặc biệt là họa sĩ thời kỳ Đông Dương, được các nhà sưu tập quốc tế mạnh tay chi tiền để sở hữu.
Chẳng hạn, Nhìn từ đỉnh đồi (sơn dầu, 113 x 192 cm, 1937) của Lê Phổ được bán với giá 844.000 USD tại phiên đấu giá ngày 22.11.2014. Hồi tháng 9.2018, bức tranh Gia đình (chất liệu là mực và bột màu trên lụa, 72 x 59,5 cm, vẽ trong khoảng 1935 - 1940) của ông bán được 749.053 USD.
Cố họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914 - 2006) có 2 tác phẩm trị giá hơn 500.000 USD: Gia đình ngư dân (lụa, 67 x 110 cm, 1940) mới đây được bán với giá 596.868 USD, trước đó tác phẩm Xưởng thêu được bán với mức giá 589.286 USD tại phiên đấu giá ngày 12.4 ở nhà đấu giá Aguttes, Pháp.
Trong phiên đấu giá diễn ra ngày 22.10.2018 tại nhà đấu giá Aguttes, bức tranh Thiếu nữ cầm quạt (lụa, 61,5 x 43 cm, 1935 - 1936) của cố họa sĩ Nam Sơn (1890 - 1973) được bán với giá gần 500.000 USD.
Thu hút cả người yêu tranh và nhà đầu cơ
Từng tham dự nhiều cuộc đấu giá ở sàn quốc tế, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi kể trong cuộc đấu giá tại nhà Aguttes, Pháp hồi tháng 10.2018 với sự tham gia của các họa sĩ Đông Dương, khi buổi đấu giá bắt đầu, căn phòng chật kín người, không còn ghế trống. Nhưng sau khi tranh của các họa sĩ Đông Dương vừa đấu xong, căn phòng đã vơi hơn một nửa. “Điều này chứng tỏ rằng có rất đông người quan tâm đến mỹ thuật Đông Dương nói riêng và mỹ thuật VN nói chung”, ông khẳng định.
Giải thích về câu hỏi tại sao giá của tranh Việt đang lên cao, ông Nguyễn Đức Tiến - nhà môi giới nghệ thuật, cựu học viên Học viện Nghệ thuật thuộc nhà đấu giá Sotheby's (New York, Mỹ) cho biết khi đứng ở góc độ đánh giá thị trường giao dịch tranh tương quan với thị trường tài chính thế giới và trong nước thì đã có những nhóm đầu cơ nghệ thuật gom đủ hàng Đông Dương và bắt đầu một cuộc “đánh lên”. Việc nhóm đầu cơ nghệ thuật đầu tư vào tranh của họa sĩ nào và sẽ tìm cách nâng giá lên bao nhiêu thì không ai đoán trước được. Điều này đang diễn ra trên thị trường tài chính nơi các “tay to” điều khiển cuộc chơi với nguồn vốn cả ngàn tỉ.
“Những bức tranh cán mốc hơn nửa triệu USD xuất hiện liên tục và thuộc về những họa sĩ không xuất hiện trong top 500 họa sĩ có giao dịch đấu giá lớn nhất toàn cầu. VN mới có Lê Phổ trong top 500, có thể sẽ có họa sĩ Việt khác được bổ sung vào danh sách này, tùy thuộc vào dòng tiền của các nhà đầu tư rót vào”, ông Nguyễn Đức Tiến nói.
Tranh đương đại nhộn nhịp các phiên đấu giá trong nướcBên cạnh việc các họa sĩ thời kỳ Đông Dương chiếm được vị thế tại các sàn đấu giá quốc tế thì tại VN, các họa sĩ đương đại cũng đang khẳng định mình qua các cuộc đấu giá công khai trong nước.
Trong phiên đấu giá Hội họa VN thế kỷ 20 và đương đại do nhà đấu giá Lythi Auction tổ chức vào tháng 1.2019, tác phẩm Cát Bà 7 (sơn dầu, 110 x 135 cm, vẽ năm 2011) của họa sĩ Trần Lưu Hậu được bán ra với giá 788.453.000 đồng - một mức giá đáng mơ ước đối với một họa sĩ đương đại. Tác phẩm Cá voi (sơn dầu, 100 x 200 cm, 2011) của Phạm An Hải bán với giá 486.985.956 đồng. Tác phẩm Young Lady (sơn dầu, 80 x 80 cm, 2014) của Nguyễn Trung bán 347.847.000 đồng.
Mới đây, tại phiên đấu số 22 của Chọn Auction House vào cuối tháng 5 vừa qua, bức Thanh xuân (sơn dầu trên toan, 80 x 60 cm, 1978) của họa sĩ Trần Huy Oánh được mua với giá 102 triệu đồng. Bên cạnh đó, tác phẩm Trừu tượng (sơn mài, 60 x 60 cm, 1999) của họa sĩ Hồ Hữu Thủ cũng được bán với giá 139 triệu đồng...
|
Bình luận (0)