Trò chuyện với hậu duệ chúa Nguyễn Phúc Khoát về 'hậu phi, nội cung' sử Việt

24/08/2018 10:43 GMT+7

Là fan của 'Diên Hi công lược' đang gây sốt trên mạng, song Tôn Thất Minh Khôi - hậu duệ của chúa Nguyễn Phúc Khoát cho rằng chuyện hậu cung trong sử Việt cũng hấp dẫn, ly kỳ vô cùng, chỉ là chưa có điều kiện lên phim…

Tôn Thất Minh Khôi hiện là sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH & NV - ĐH Quốc gia TP.HCM. Anh là hậu duệ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 của triều Nguyễn (cụ thể hơn, là hậu duệ của Hoàng tử thứ 7 của Võ vương với bà Chiêu nghi Trần Thị Xạ). Hơn một năm nay, Khôi được biết đến nhiều hơn với vai trò là thành viên sáng lập trang chuyên về chuyện hậu phi và nội cung suốt chiều dài lịch sử Việt Nam - Thiên Nam Lịch đại Hậu phi.
Khi bộ phim Trung Quốc về hậu cung thời Càn Long - Diên Hi công lược khiến người xem không chỉ bị cuốn hút vào chuyện đấu đá trong cung của các phi - hậu mà còn tìm đọc sử thời đó, Minh Khôi đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện quanh đề tài này, và đặc biệt là chuyên trang về chuyện hậu cung trong lịch sử Việt Nam của anh.
Tôn Thất Minh Khôi với áo tấc cách tân ẢNH: NVCC

'Diên Hi công lược' chỉ tạm được về nội dung

* Khi xem phim Diên Hi công lược của Trung Quốc, bạn nghĩ về điều gì?
- Tôn Thất Minh Khôi: Tôi là một fan của phim cung đấu Trung Quốc lâu năm và phải công nhận tạo hình của Diên Hi công lược là một trong những điểm cộng lớn nhất của bộ phim. Dạng thức áo rất gần với lịch sử, hoa văn nhã nhặn, màu sắc được phối tinh tế, trang nhã lại mang tính cổ phong, rất dịu mắt. Trang sức được làm tỉ mỉ. Trang điểm của diễn viên cũng rất đẹp. Các loại triều phục, cát phục, thường phục, tiện phục được ê kíp làm phim nghiên cứu rất kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên tôi xem một bộ phim Trung Quốc có nước phim đẹp đến như vậy. Tóm lại, cả bộ phim đẹp như một bức tranh cổ, rất thi vị, làm khán giả nao lòng. Tuy nhiên về nội dung, tôi nghĩ chỉ tạm được vì quá nhiều tình tiết vô lý diễn ra cũng như nhiều chi tiết hư cấu hơi quá đà.
* Nếu được chọn viết kịch bản phim về hậu cung để hấp dẫn và khiến người xem phải tìm lịch sử thời đó đọc như Diên Hi công lược đã - đang làm được, bạn sẽ chọn triều đại nào, vì sao?
- Đây là một câu hỏi khó vì triều Lý nổi tiếng về vụ án Thượng Dương cung khi Linh Nhân Hoàng Thái phi (tức Ỷ Lan Nguyên phi) bức chết Thượng Dương cung Hoàng Thái hậu cùng 76 cung nữ; triều Trần lại nổi tiếng với các Hoàng hậu đều là bậc anh thư kỳ tài; triều Lê sơ nổi tiếng với hậu cung "lắm thị phi" đời Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông... Triều Nguyễn cũng có những câu chuyện về bà Lê Ngọc Bình, về Từ Dụ Hoàng Thái hậu, Nam Phương Hoàng hậu. Tuy nhiên, nếu được chọn thì tôi sẽ chọn làm nhà Nguyễn trước vì các lý do sau:
Tư liệu còn để lại rất nhiều, tiện đối chứng và dễ dàng khảo cứu hơn.
Các tư liệu phi vật thể về lễ nghi, âm nhạc, ẩm thực, tín ngưỡng,... vẫn có thể tìm lại tại Huế.
Trang phục nhà Nguyễn rất đẹp, tinh xảo, cầu kỳ và tỉ mỉ, nếu có thể làm đúng và đưa lên phim thì không kém tạo hình của Trung, Nhật hay Hàn.
* Từ khi nào bạn bắt đầu ý thức về việc phải “làm điều gì đó” cho lịch sử Việt Nam, để lịch sử dễ tiếp cận hơn, nhất là với người đồng trang lứa?
- Có lẽ từ khi đặt chân vào ngôi trường mà hiện tại tôi theo học. Không phải đến tận lúc vào đại học tôi mới bắt đầu mê sử, mà thực ra là mê từ những năm học tiểu học. Nhưng theo tôi, chính môi trường đại học đã tạo cho sinh viên một nguồn động lực rất lớn để có thể làm những điều mình muốn. Trước đó, tôi chỉ đơn thuần giữ kiến thức và tình yêu sử cho riêng mình, nhưng càng lớn lên, suy nghĩ khác đi, tôi nhận ra mình không thể chỉ giữ khư khư niềm đam mê ấy mà cần phải chia sẻ và lan tỏa. Môi trường nơi tôi đang theo học đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều năng lượng và hoài bão, đặc biệt sự nhìn nhận và ủng hộ tinh thần từ các thầy cô và bạn bè đã góp phần không nhỏ để tôi có thể thực hiện được những gì mình mong muốn.
* Vì sao bạn lập trang Thiên Nam Lịch đại Hậu phi?
- Khi tìm hiểu lịch sử, tôi đặc biệt thích những câu chuyện đằng sau những bức tường trong cung cấm. Sau một thời gian đọc sách, tham khảo, đối chiếu… từ nhiều nguồn, tự dưng vốn kiến thức cũng tăng lên. Lúc đầu tôi viết thử 1-2 bài trên trang Facebook cá nhân, nhận được sự ủng hộ khá nhiều từ bạn bè trên mạng xã hội lẫn bên ngoài. Họ khuyên tôi nên lập hẳn một trang chuyên khảo về vấn đề này. Và, Thiên Nam Lịch đại Hậu phi được ra đời từ đó, không hề được chuẩn bị gì kỹ lưỡng trước đó cả (cười).
Tôn Thất Minh Khôi - thứ 2 từ phải sang, diễn giả khách mời chương trình Sử talk chủ đề Lệ Chi viên ẢNH: NVCC
* Nhóm thực hiện trang này gồm những ai? Và các bạn có được cố vấn bởi ai khi mới thành lập, cũng như hiện nay?
- Lúc mới thành lập nhóm chỉ có 2 người, xuất phát từ một ý tưởng hoàn toàn ngẫu hứng của tôi, như vừa nói. Tôi là người viết chính, bạn còn lại là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, phụ trách phần minh họa là các tranh vẽ độc quyền, phong cách riêng biệt với trang phục của nhân vật được nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể khắc họa gần đúng trang phục của người sống trong triều đại ấy.
Sau đó, tôi mời thêm một số bạn có cùng đam mê để viết và nghiên cứu, có bạn chuyên vẽ minh họa và cũng có bạn học tiếng Trung để nhóm có thể tham khảo những nguồn tư liệu gốc được viết bằng chữ Hán. Bên cạnh đó, việc tăng nhân sự cũng là động thái để Thiên Nam có thêm nguồn lực cho những dự án sắp tới, chứ không chỉ là những bài được đăng trên Facebook nữa.

Người khác tìm hiểu sử thường tìm hiểu tổng quát rồi mới đi đến những chi tiết nhỏ bên trong, có lẽ tôi là trường hợp ngược lại, tôi thích tìm hiểu về lịch sử dòng họ của mình trước qua những lời kể của ông nội rồi sau đó đi rộng ra là lịch sử Việt Nam, lịch sử các nước Á Đông.

Tôn Thất Minh Khôi - Hậu duệ chúa Nguyễn Phúc Khoát                         

Tìm hiểu lịch sử dòng họ mình qua lời kể của ông nội

* Vì sao bạn lại quan tâm đặc biệt đến chuyện hậu phi và nội cung trong sử Việt?
- Như tôi hay chia sẻ khá nhiều ở các talk show nho nhỏ mà mình được mời, tôi thấy hiện nay khi các bạn tìm hiểu lịch sử Việt Nam thường quá “nặng” về các cuộc chiến tranh mà thiếu đi cái uyển chuyển của văn hóa. Điều này dẫn đến việc có không ít người có cái nhìn không đầy đủ, rằng lịch sử Việt Nam chủ yếu có hai màu đỏ và đen của gươm đao, chiến tranh. Ví như, các bạn có thể biết được cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược ở phòng tuyến sông Như Nguyệt hào hùng đến thế nào nhưng ít ai có thể nhìn nhận Kinh đô Thăng Long thời Lý giai đoạn ấy đã từng vĩ đại và hoành tráng ra sao.
Chuyện hậu phi và nội cung chỉ là một mảng trong đề tài mà tôi quan tâm vì xung quanh chuyện hậu phi không chỉ đơn thuần là những cuộc đấu đá giữa những người phụ nữ trong cung. Mà, đó còn là những lễ nghi, là trang phục, âm nhạc, hội họa, tôn giáo và rất nhiều vấn đề can dự trực tiếp đến vận mệnh đất nước nhưng ít ai dành cho nó một sự quan tâm và nghiên cứu đến tường tận, bởi tất cả thường được xếp vào “chuyện đàn bà”.
Càng tìm hiểu sâu về chuyện hậu phi, tôi lại càng phải tìm hiểu kỹ hơn về các sự kiện, nhân vật tiền triều để từ đó rút ra mối dây liên quan giữa hai mặt với nhau, rất thú vị. Tiêu biểu là chuyện nội cung nhà Trần với tập tục kết hôn với người trong họ, người ngoài nhìn vào chỉ thấy như thế, nhưng có nghiên cứu kỹ mới thấy việc kết hôn nội tộc này là một trong những lý do quan trọng khiến cho gia tộc này vững mạnh để đưa đất nước qua 3 cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên. Khi đất nước thái bình, chính mối liên hôn trong nội tộc bắt đầu rạn nứt và cũng đánh dấu theo đó sự suy thoái dần của nhà Trần.
Gia đình của Khôi trong dịp Tết 2018
* Là hậu duệ của chúa Nguyễn Phúc Khoát, điều đó cho bạn những thuận lợi nào trong việc tìm hiểu lẫn tiếp cận các tài liệu quý để tạo cơ sở cho mình “phản biện”, đưa ra những kết luận được quan tâm (ví như việc chứng minh hậu cung đông đảo nhất không phải dưới triều Minh Mạng mà là Tự Đức trên trang khảo cứu)?
- Tôi có được tình yêu sử như ngày hôm nay có công rất lớn từ ông nội mình, từ những ngày còn nhỏ. Người khác tìm hiểu sử thường tìm hiểu tổng quát rồi mới đi đến những chi tiết nhỏ bên trong, có lẽ tôi là trường hợp ngược lại, tôi thích tìm hiểu về lịch sử dòng họ của mình trước qua những lời kể của ông nội rồi sau đó đi rộng ra là lịch sử Việt Nam, lịch sử các nước Á Đông.
Các tài liệu mà tôi sử dụng thực chất cũng chẳng phải là sách hiếm hoi gì, vấn đề là bạn có thời gian, đủ kiên nhẫn và đam mê để khảo cứu từng trang sử, để nhặt ra từng câu chuyện, từng sự thật bị ẩn giấu trong đó hay không. Bên cạnh đó, các trang nghiên cứu về lịch sử Việt Nam đang ngày càng đông đảo với các nguồn tài liệu quý giá từ Pháp, tài liệu cổ trong viện Hán Nôm vẫn được đăng tải đều đặn. Ngoài ra, việc sinh hoạt tranh biện trong một cộng đồng đam mê lịch sử - cổ phong rất lớn của Việt Nam cũng khiến cho bản thân tự “lượm lặt” và “thu nạp” được không ít các kiến thức mới mẻ.
Ảnh lăng mộ Đức bà Chiêu Nghi Trần Thị, phi tần của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ẢNH: NVCC
* Từng chia sẻ trên trang khảo cứu rằng: Hiểu đúng là bước đầu tiên để yêu thích lịch sử. Chính sử vì vậy vẫn hay, hấp dẫn chứ không phải là những sự kiện khô khan cần phải tô hồng thái quá. Vậy theo tìm hiểu của bạn, đâu là những câu chuyện/ sự kiện… lịch sử đang bị hiểu sai hoặc còn mù mờ mà mình mong muốn làm sáng tỏ để “rộng đường” người quan tâm trên trang của mình?
- Đây cũng không phải là một vấn đề mới mẻ. Là sinh viên của ngành khoa học xã hội, tôi được trang bị dần các kỹ năng khi nghiên cứu và cũng phân định ra nguồn tham khảo tài liệu cho bài viết rất kỹ: đâu là nguồn tham khảo chính thống và đâu chỉ là nguồn tham khảo thứ cấp.
Hiện tại, rất đông các bạn đọc sử lại ưa chuộng nguồn thứ cấp hơn vì đó là những câu chuyện truyền miệng, các thần tích dân gian có tính giật gân huyền ảo, dễ tiếp cận và có nhiều dị bản (quả thật trong đó vẫn có tính chất lịch sử nhưng đôi khi bị xuyên tạc và hiểu sai). Số lượng người tin vào các nguồn thứ cấp này đông đến nỗi, những chuyện sai sự thật lại ngang nhiên được tin rộng rãi hơn. Tiêu biểu là “huyền thoại” vua Minh Mạng có đến 500-600 bà vợ trong khi thực tế ông cùng lắm chỉ có khoảng 100 phụ nữ trong cung, đó chỉ là một câu chuyện tiêu biểu nhưng được chúng ta tin tưởng rất nhiều đến mức lầm tưởng đó là sự thật.
Thừa nhận một điều, trong lịch sử Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, hiếm thấy có vị quân chủ nào sánh được Minh Mạng về chuyện phòng the lại “sung sức” như ông. Tổng cộng suốt cuộc đời, ông có tất cả 78 Hoàng tử và 64 Hoàng nữ, cộng lại là 142 người, một con số cực kỳ ấn tượng. Đệ nhất sủng phi là bà Nhất giai Hiền phi sinh cho ông đến 9 người con, Tứ giai Huệ tần là phi tần sinh nhiều con nhất cho Minh Mạng với tổng cộng 15 Hoàng tử lẫn Hoàng nữ.
Hậu cung của ông sinh nhiều đến mức, có người sinh được cả Hoàng tử lẫn Hoàng nữ nhưng địa vị vẫn là con số 0, điển hình như Cung nhân Trần Thị Nghiêm sinh đến 2 Hoàng tử là Miên Phú, Miên Tống cùng 3 Hoàng nữ: Đoan Thuận, Thục Thận và 1 người chết non - nhưng kết quả, ngay cả Cửu giai Tài nhân cũng không được phong, suốt đời bà chỉ là một Cung nhân không phẩm vị. 6/8 Cửu giai Tài nhân của Minh Mạng đều hạ sinh được Hoàng tử nhưng thân phận của họ vẫn cực thấp.
Thông thường ở hậu cung các nước Đông Á khác, việc sinh được một Hoàng tử/ Vương tử đã là một việc trọng đại, đưa thân phận người mẹ lên rất cao.
Danh sách trên tổng cộng có 43 người, và lưu ý một điều tất cả những phi tần được ghi chép lại tên tuổi, quê quán, chức tước đều hạ sinh cho Minh Mạng ít nhất một người con, không có ai là không có con cả. Ngoài 43 phi tần, ngự thiếp kể trên, còn một số cung nhân khác, do không hạ sinh cho Hoàng tộc được bất kỳ người con nào nên tên tuổi không được ghi chép lại, tuy nhiên số lượng không nhiều. Trong trường hợp cao nhất thì tổng số cung nhân được hầu tẩm (mà không có con) cộng với 43 người kể trên cũng chưa đến con số 100, chứ đừng nói đến con số 300 hay “ghê gớm” hơn là 500 - 600 người!
Thực chất, hậu cung đông đảo nhất dưới thời Nguyễn hoàn toàn không phải dưới triều Minh Mạng mà (trớ trêu thay) chính là dưới triều Tự Đức với “quân số” cao nhất cũng chỉ là 103 người! Như vậy, con số 500-600 quả là một… trò đùa, ngoài ý hạ nhục tiền nhân, dễ dàng gán cho Minh Mạng đế một cái danh đam mê tửu sắc.

Càng tìm hiểu sâu về chuyện hậu phi, tôi lại càng phải tìm hiểu kỹ hơn về các sự kiện, nhân vật tiền triều để từ đó rút ra mối dây liên quan giữa hai mặt với nhau, rất thú vị. Tiêu biểu là chuyện nội cung nhà Trần với tập tục kết hôn với người trong họ, người ngoài nhìn vào chỉ thấy như thế, nhưng có nghiên cứu kỹ mới thấy việc kết hôn nội tộc này là một trong những lý do quan trọng khiến cho gia tộc này vững mạnh để đưa đất nước qua 3 cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên. 

Tôn Thất Minh Khôi


Đang chuẩn bị dự án web drama về cung đấu của Việt Nam

* Gần đây trên trang Thiên Nam Lịch đại Hậu phi giới thiệu dự án họa trang, bạn có thể chia sẻ rõ hơn về mục đích của dự án này?
- "Họa trang" không nhằm mục đích phục dựng lại hoàn toàn lối trang điểm của các bậc cung phi, mệnh phụ chốn nội đình Huế mà chỉ lấy cảm hứng, phần nào tái hiện được hơi thở của những ngày xưa, để hậu thế có thể hình dung (cũng chỉ phần nào) nét đẹp của người khuê nữ, đài các và đoan trang. Bên cạnh đó, "Họa trang" cũng trân trọng giới thiệu với mọi người chiếc áo tấc tay thụng truyền thống của phụ nữ triều Nguyễn, một loại áo được sử dụng trong các dịp trang trọng, nhằm tôn lên nét nền nã và cao quý của người con gái quý tộc ngày xưa.
Với những chất liệu trang điểm được làm thủ công dựa trên đúng công thức tiền nhân truyền lại cùng với chiếc áo được may hoàn toàn theo lối cổ bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân, Họa trang hy vọng sẽ mang đến cho mọi người cái nhìn “thoáng qua” về nét đẹp phụ nữ cách chúng ta trên 1 thế kỷ.
* Trang Thiên Nam Lịch đại Hậu phi có một chủ đề về việc “bức tử cổ phong” và theo đó, có cả “tài liệu tham khảo" việc nên và không nên khi phục dựng cổ trang, với nhiều hình ảnh từ phim và sách lịch sử bị cho là “không nên” . Điều này theo bạn họa sĩ thiết kế lĩnh vực này “có vấn đề” hay NXB, hãng phim làm... ẩu?
- Lỗi ở đây khó có thể trách từ một phía nào cả vì đơn giản suốt khoảng thời gian rất lâu, nước ta đã có một khoảng trống khổng lồ trong việc tìm hiểu về trang phục các triều đại. Gần như 90% tư duy của chúng ta trước đây đều nghĩ trang phục truyền thống của dân ta chỉ quanh đi quẩn lại có áo dài, khăn đóng, áo tứ thân… hoặc nếu xưa hơn thì có mặc khố, gắn lông chim…, tất cả đã tạo nên một sự ngộ nhận rất lớn về trang phục của ông cha ta khi xưa mà cho đến tận thời điểm hiện tại vẫn được nhiều người tin tưởng.
Trong khi áo dài hiện tại chỉ manh nha xuất hiện từ đợt cải cách trang phục của chúa Nguyễn Phúc Khoát nửa cuối thế kỷ thứ 18 thì làm sao có thể để các cụ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hay Nguyễn Trãi, vốn sống ở các đời Lý - Trần - Lê mặc áo dài khăn đóng được? Đó là một điều hoàn toàn vô lý!
Tuy nhiên, với sự lan tỏa ngày càng rộng của cái nhìn đúng đắn về trang phục Việt Nam, các chương trình/ tác phẩm văn hóa liên quan đến lịch sử các triều đại đã có sự chuyển biến rõ rệt về việc tạo hình trang phục. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên không thể lấy đó làm chủ quan.
* Theo bạn hiện nay những người trẻ yêu cổ phong, mê lịch sử đã làm được những gì để lịch sử của mình hấp dẫn người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ?
- Hiện tại có rất nhiều dự án đang được triển khai, với chất lượng và số lượng cũng như sự lan tỏa đang ngày càng rộng. Tiêu biểu có thể kể đến:
Các hội nhóm tiến hành phục dựng về cổ phong Việt Nam: Đại Việt Cổ phong, Nam Văn Hội quán, Thủ phất Thanh đài, Anh Hoàng, Ỷ Vân Hiên, Nguyên phong Đoạn lĩnh...
Các hội nhóm nghiên cứu cũng như cung cấp các thông tin chuẩn xác, các hình tư liệu hiếm quý và cá góc nhìn lịch sử thú vị: Đại Nam Hội quán, Lạc ngắm nhân gian, Ấm Chè…
Sử Talk: mang tình yêu lịch sử đến trực tiếp cho người trẻ bằng những talk show thú vị, gần gũi.
Hay như anh Phạm Vĩnh Lộc, tôi cho rằng đây là một người truyền cảm hứng rất tốt về đam mê, tình yêu lịch sử với người trẻ, người quan tâm, qua những bài viết cực kỳ cuốn hút của anh.
* Được biết nhóm còn đang hợp tác thực hiện một web drame về cung đấu, nếu được bạn có thể chia sẻ thêm về dự án này?
- Hiện tại, vẫn chưa thể tiết lộ nhiều về dự án này, ngoài việc chúng tôi tham gia với vai trò tư vấn về lịch sử, nội dung. Nhưng có thể nói rằng dự án sẽ được Thiên Nam Lịch đại Hậu phi cũng như nhà làm phim thực hiện chỉn chu nhất, đặc biệt là về khâu trang phục, bối cảnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.