Theo chỉ thị mới ban hành của Cục Quản lý phát thanh và truyền hình TP.Bắc Kinh (Trung Quốc), các cuộc thi dưới dạng show truyền hình thực tế ở Trung Quốc sẽ không được phép yêu cầu khán giả "bỏ tiền mua phiếu bầu" cho thần tượng, thông qua một số hình thức như: mua vật phẩm, trả phí làm thành viên trên nền tảng phát video... Đồng thời, quy định mới cũng nghiêm cấm hành vi gian lận bình chọn.
Động thái cứng rắn của giới chức đại lục diễn ra ngay sau khi cuộc thi tuyển chọn thần tượng Youth With You 3 (Thanh xuân có bạn 3) vướng bê bối dùng chiêu trò nhằm "móc hầu bao" khán giả. Theo quy định của iQiYi - nhà sản xuất chương trình, người hâm mộ muốn ủng hộ cho thần tượng đều phải chi tiền nhắn tin bình chọn hoặc quét mã QR trên nắp chai sữa của nhà tài trợ.
|
Hồi cuối tháng 4, đoạn video lan truyền trên các mạng xã hội Douyin, Weibo của Trung Quốc quay lại cảnh nhóm người mua hàng trăm hộp sữa, quét mã QR bình chọn cho thần tượng, sau đó đổ sữa xuống cống rãnh. Hành động này khiến dư luận phẫn nộ, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vừa thông qua luật chống lãng phí thực phẩm vào ngày 29.4, theo Global Times.
Tân Hoa Xã lên án hành động fan đổ sữa để lấy mã bình chọn cho thần tượng là không tôn trọng công sức lao động và xem thường luật pháp. Ngoài ra, lùm xùm liên quan đến việc thí sinh Dư Cảnh Thiên nói dối về quốc tịch của mình cũng khiến Thanh xuân có bạn 3 bị dư luận tẩy chay. Hôm 5.5 vừa qua, Cục Quản lý phát thanh và truyền hình TP.Bắc Kinh đã yêu cầu iQiYi dừng ghi hình tập chung kết để chấn chỉnh những vấn đề tiêu cực còn tồn đọng.
Theo Global Times, việc cuộc thi Thanh xuân có bạn 3 bị dừng ghi hình hay lệnh cấm "bỏ tiền mua phiếu bầu" sẽ khiến lượt người xem show truyền hình thực tế ở Trung Quốc giảm sút. Những đơn vị hưởng lợi nhuận "khủng" từ quy định bình chọn cũ như nhà tài trợ, nền tảng phát video... đứng trước tổn thất không hề nhỏ. Global Times đưa dẫn chứng là cuộc thi tìm kiếm thần tượng Sisters Who Make Waves sau khi kết thúc đã mang về cho nền tảng phát trực tuyến Mango TV hơn 28 triệu người dùng mới.
Trao đổi với Global Times, một nhà phê bình văn hóa ở Bắc Kinh nhận xét, luật mới sẽ thúc đẩy nhà sản xuất các show truyền hình thực tế nghĩ ra hình thức mới để tồn tại. Một chuyên gia truyền thông khác thì cho rằng ban tổ chức nên đặt ra tiêu chuẩn khắt khe hơn về chuyên môn nhằm đảm bảo tính công bằng cho thí sinh tham dự, thay vì chỉ tập trung kiếm tiền từ việc bầu chọn hay quảng cáo.
Bình luận (0)