Mới đây, tờ The Washington Post ngày 11.10 đăng bài viết cảnh báo về việc Trung Quốc tìm cách tác động lên các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực giải trí hay thể thao, để phục vụ các mục đích tuyên truyền chính trị. Từ hơn 5 năm trước, khi trả lời Thanh Niên, giới chuyên gia quốc tế đã không khỏi lo ngại về việc Trung Quốc sẽ ra sức tuyên truyền cho tuyên bố chủ quyền phi pháp của nước này trên Biển Đông.
Thực tế, suốt những năm qua, tuyên truyền ngụy biện và đổ lỗi là 1 trong 3 nhóm biện pháp mà Bắc Kinh sử dụng cho chiến lược thâu tóm Biển Đông. Trung Quốc có hàng loạt chiêu trò để tuyên truyền sai trái. Điển hình như việc cơ quan chức năng VN đã không ít lần phải xử lý trường hợp khách du lịch Trung Quốc mang hộ chiếu hay mặc áo có bản đồ “đường lưỡi bò” nhập cảnh VN. Thêm vào đó là hàng loạt vụ việc các bản đồ được in ấn và phát hành dưới mác phục vụ “nghiên cứu” hay “học tập” có “đường lưỡi bò” cũng bị xử lý khi được đưa vào VN và nhiều nước khác.
Quá trình tuyên truyền sai trái trên của Trung Quốc cũng nhắm vào cả đối tượng nhỏ tuổi. Tháng 8.2018, Thanh Niên đã có bài phản ánh “Đường lưỡi bò” chễm chệ trên đồ chơi giáo dục được bán tại VN. Cụ thể, đó là bộ đồ chơi trẻ em với hình thức tập cắm cờ các nước lên bản đồ, nhưng bản đồ có cả “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Bộ đồ chơi này từng được bán rộng rãi trên sàn thương mại trực tuyến Shopee có hoạt động ở VN.
Chiêu trò tuyên truyền sai trái còn xuất hiện trong một số game hay ứng dụng, dịch vụ trực tuyến. Điển hình như năm 2013, cộng đồng mạng VN không ngừng chỉ trích ứng dụng WeChat, dùng trên điện thoại di động, do ngấm ngầm đưa “đường lưỡi bò” vào bản đồ được tích hợp kèm theo. Nguy cơ từ ứng dụng này đã được Thanh Niên phản ánh trước đó vào năm 2012.
Cũng trong năm 2012, Thanh Niên cũng đã đăng bài Quan ngại với mạng xã hội Baidu Tieba đến từ Trung Quốc và mở hoạt động tại VN. Khi đó, mạng xã hội này không cho phép thiết lập các chủ đề liên quan đến chủ quyền VN. Cụ thể là thành viên không thể thiết lập các chủ đề thảo luận Trường Sa và Hoàng Sa. Ngược lại, các chủ đề Tây Sa (tên Trung Quốc gọi Hoàng Sa) và Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa) thì được phép tạo lập.
Về phim ảnh và sản phẩm giải trí, bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ được công chiếu vào tháng 3.2018 là một minh chứng khác cho chiêu trò lồng ghép tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Cũng trong lĩnh vực này, kênh thể thao ESPN ngày 9.10 vừa qua bị chỉ trích mạnh mẽ khi một bản tin tường thuật phát trên kênh này tại Mỹ đã sử dụng tấm bản đồ “đường lưỡi bò”. Nội dung này sau đó được tài khoản của một phóng viên ESPN đăng trên YouTube, theo Reuters. Trong bài viết ngày 11.10, tờ The Washington Post đã dẫn chứng đây là một ví dụ cho chiêu trò tuyên truyền chính trị của Bắc Kinh mà các doanh nghiệp cần “tỉnh táo” để không mắc phải. Và chiêu trò của Trung Quốc chắc chắn sẽ chưa dừng lại.
Bình luận (0)