Trùng tu Mỹ Sơn từ 'chống đỡ' đến phục hồi bền vững

18/09/2019 14:51 GMT+7

Bốn cuộc trùng tu của các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và trong nước kéo dài từ những năm 80 của thế kỷ 20 cho đến nay đã cứu vãn, chống đỡ đến phục hồi bền vững Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Ông Phan Hộ, Giám đốc BQL di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), cho hay diện mạo khu đền tháp Mỹ Sơn đã thay đổi rất nhiều sau 20 năm kể từ ngày di tích được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (1999-2019), nhờ vào quá trình kỳ công nghiên cứu, khảo cổ, trùng tu đầy tâm huyết, trách nhiệm.
Trong đó, đặc biệt là 4 cuộc trùng tu của các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và trong nước kéo dài từ những năm 80 của thế kỷ 20 cho đến nay đã cứu vãn, chống đỡ đến phục hồi bền vững Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Theo TS Lê Đình Phụng, Viện khảo cổ học VN, đầu tiên là cuộc dọn dẹp, gia cố, chống đỡ các kiến trúc vào những năm 80 do các kiến trúc sư Ba Lan thực hiện. Về cơ bản, đây là lần “dọn dẹp trả lại mặt bằng” cho các nhóm di tích và tiến hành gia cố các khối kiến trúc còn lại để đảm bảo độ an toàn bền vững bước đầu cho các kiến trúc, thu gom hiện vật bị bom rải thảm năm 1969, tập trung vào thành những bộ sưu tập trưng bày tại nhóm D1-D2.
Các hoạt động trùng tu tiếp theo tập trung vào các kiến trúc thuộc nhóm G do các chuyên gia Italia cùng cán bộ của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL)... thực hiện dưới sự tài trợ của UNESCO từ năm 2006.
Đến năm 2015, Viện bảo tồn di tích hoàn thành trùng tu tháp E7, thuộc nhóm tháp E. Giai đoạn 2015-2020, được sự tài trợ của Chính phủ Ấn Độ, tháp K và nhóm tháp H, A cũng được các chuyên gia Ấn Độ giúp trùng tu. Hiện tháp K và nhóm tháp H đã hoàn thành.
TS Lê Định Phụng đánh giá, việc trùng tu các kiến trúc ở Mỹ Sơn được định hướng "khảo cổ học đi trước một bước" góp phần tôn tạo, trùng tu một cách chân xác nhất diện mạo di tích đã từng được xây dựng trong lịch sử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.