Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam đạo văn

21/02/2020 06:43 GMT+7

Cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam bị tạm đình chỉ phát hành do bê bối đạo văn .

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công đã vô cùng sững sờ khi cầm trong tay cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (ảnh), Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuốn sách 902 trang này là sản phẩm liên kết và phát hành của NXB trên với Công ty văn hóa Minh Long, được lưu chiểu quý 4/2019, giá bìa 230.000 đồng. “Sau khi lật giở nhanh một số mục, tôi phát hiện ngay nhóm tác giả Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên đã đánh cắp, sao chép rất nhiều cách giải thích công phu, độc đáo, lần đầu tiên được công bố của tôi trong khoảng thời gian gần 10 năm qua”, ông Hoàng Tuấn Công cho biết.
Ông Công dẫn ra hàng chục mục từ sách chép nguyên xi của mình như sau: mục từ “đói cho chết, ba ngày tết cũng no”, “mạ già, ruộng ngấu”, “mặt sứa gan lim”, “mâm cao đánh ngã bát đầy”, “mẻ không ăn cũng chết”... “Đó là những mục sao chép nguyên xi và dài. Nhưng cũng có một dạng nữa là lấy cắp ý phát hiện mới, hoặc chỉ lấy cắp phần giải thích nghĩa bóng còn phần giải thích nghĩa đen thì lược bỏ”, ông Công cho biết.
Ông chia sẻ sau khi ông lên tiếng về việc này trên Facebook cá nhân, nhóm tác giả đã liên hệ với ông. Họ đề nghị sẽ bổ sung tên, đồng thời gửi nhuận bút cho ông Công. Họ cũng đề nghị không nêu tên thật của họ, vì trong sách có 2 bút danh.
“Làm sao tôi lại đứng tên được, vì cuốn sách đấy ngoài chuyện đạo văn của tôi còn sai rất nhiều. Họ cũng nhờ tôi làm người hiệu đính biên tập sách luôn. Làm sao tôi nhận lời được vì sách đấy sai nhiều vấn đề”, ông Công nói và cho biết sách còn đạo từ điển của GS Nguyễn Lân.
Bà Phạm Thị Trâm, Giám đốc NXB Đại học Quốc gia, cho biết đã yêu cầu tạm đình chỉ phát hành cuốn sách. Sáng 20.2, bà Trâm đã làm việc với Công ty văn hóa Minh Long về các hợp đồng liên quan đến cuốn sách. “Hợp đồng của Công ty văn hóa Minh Long với nhóm tác giả có cam kết của nhóm là không vi phạm bản quyền. Hợp đồng của Minh Long với NXB cũng cam kết đơn vị này không vi phạm bản quyền. Nếu có sai phạm Minh Long sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tác giả cũng cam kết như vậy với Minh Long, nếu sai gì họ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường, xử phạt”, bà Trâm nói.
Bà Trâm cho biết bà cũng đưa ra yêu cầu với Minh Long. Thứ nhất, phải cung cấp thông tin về đội ngũ tác giả. Thứ hai, công ty phải rà soát lại các văn bản để phối hợp với ông Công xem tỷ lệ mức độ lấy tư liệu ra sao. “Sau khi có văn bản về việc so sánh các tác phẩm, chúng tôi sẽ có yêu cầu cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người liên quan, cũng là bảo vệ sự trong sạch của ngành xuất bản”, bà Trâm nói.
Bà Trâm cũng đánh giá việc chép của người khác về để làm từ điển như vậy là không chấp nhận được. “Tục ngữ ca dao là của dân gian, nhưng giải thích là của người ta. Tại sao lại lười đi lấy về cho mình mà cũng không nói. Tục ngữ thì không sáng tạo được, nhưng phần luận giải là đất để sáng tạo. Thế mà sáng tạo của người khác mình cũng chơi luôn thì không được. Cách làm như thế phải nhận là sai”, bà Trâm nói.
Bà cũng nêu rõ yêu cầu với Công ty văn hóa Minh Long: “Một là phải đứng tên của các thầy thì các thầy có đồng ý không. Hai là công sức theo luật định thì phải trả người ta. Ba là phải xin lỗi công khai. Sau này khi giải quyết thỏa đáng rồi thì mới tiếp tục xem xét làm việc tiếp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.