Vai trò người Việt trong sáng tạo chữ quốc ngữ

29/12/2019 08:46 GMT+7

Hội thảo khoa học '100 năm chữ quốc ngữ ở Việt Nam' do Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng tổ chức ngày 28.12, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đã gợi mở những vấn đề liên quan đến đóng góp của người Việt trong quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ.

Trong tham luận Đóng góp của cư dân bản địa đổi mới sự ra đời chữ quốc ngữ thế kỷ 17, tác giả Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhận định để có được hệ thống ngôn ngữ và chữ viết hoàn thiện của tiếng Việt như ngày nay, chúng ta ghi nhớ công ơn đối với các giáo sĩ: Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes… và cả những người cộng sự bản địa. Theo tác giả này, chính những cư dân bản địa là “thầy dạy tiếng Việt” cho các giáo sĩ.
GS Roland Jacques (ĐH Saint Paul, Canada) tỏ ra tiếc nuối khi những bộ từ điển từ Francisco de Pina cho đến Pigneaux không đề cập đến công lao của người Việt. “Đó là một thiếu sót. Pina đã mở đường cho người ta đi theo, khám phá ra chữ quốc ngữ và bắt đầu soạn từ điển, nhưng những người mở đường sau nữa mà không có tên họ là một điều đáng tiếc”, ông nói. Còn nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cho rằng các giáo sĩ phương Tây đã không công bằng khi không ghi tên những học trò người Việt của mình...
Các học giả khác cũng đặt vấn đề về vai trò của vua Khải Định trong việc xác lập vị trí chữ quốc ngữ trong đời sống người Việt Nam qua đạo dụ số 123 về việc bãi bỏ khoa cử Hán học (28.12.1918). Có phải quyết định này đã thay đổi lịch sử đất nước, để từ năm 1919 chữ quốc ngữ được công nhận và thay thế trong chế độ khoa cử và thể chế hành chính?
GS Nguyễn Đăng Hưng (ĐH Liege, Bỉ) nhận định vua Khải Định không phải là một minh quân trong lịch sử, nhưng quyết định của ông đã giúp chữ quốc ngữ thành công tại Việt Nam. “Bởi vì sau chữ quốc ngữ, toàn dân tộc Việt Nam biết đọc, biết viết. Trước đó thì chỉ khoảng 3% biết viết, đọc chữ Hán”, ông Hưng nói.
Trong khi đó, Th.S Đào Tiến Thi (NXB Giáo dục Việt Nam) lại cho rằng việc lấy mốc kỷ niệm 100 năm chữ quốc ngữ như hiện nay chỉ mang tính tượng trưng. “Nếu đọc Khải Định chính yếu của sử triều Nguyễn thì thấy vua Khải Định rất đau khổ khi phải bỏ chữ Hán để dùng chữ quốc ngữ. Nhưng trước sức ép của người Pháp và sự phát triển của đất nước thì ông buộc phải từ bỏ. Quyền lực của vua Khải Định không đáng kể vì về danh nghĩa, ông chỉ cai trị được miền Trung, còn Nam bộ đã thuộc Pháp. Nếu nói thành công chữ quốc ngữ thì phải từ Đông Kinh nghĩa thục từ năm 1907 khi các trí thức Việt Nam chấp nhận chữ quốc ngữ…”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.