Văn học ẩm thực 'kén' người viết

13/01/2020 06:37 GMT+7

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, phần lớn nhà văn VN đều có viết về ẩm thực nước mình rải rác trong các tác phẩm. Nhưng để tìm những tác phẩm văn học về ẩm thực Việt vẫn là chuyện “hiếm có khó tìm”.

“Mỗi lần hái được rau khúc về, bà tôi lấy nước mưa trong bể rửa sạch rau khúc và để cho thật ráo nước mới cho vào cối giã. Bà tôi giã rau khúc đến khi nhuyễn và dẻo như người ta giã giò. Sau đó, bà tôi mới trộn rau khúc đã giã với bột nếp và nhào cho thật nhuyễn. Mỗi khi bà tôi nhào bột bánh xong, tôi cũng cúi rạp người xuống ghé sát mũi vào cối bột bánh và hít thật sâu. Cho dù vẫn chỉ là bột sống, nhưng hương vị bánh khúc đã dâng lên làm tôi ứa đầy nước miếng”, đó là những dòng viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong bài Tôi khóc những cánh đồng rau khúc của tập tản văn Mùi của ký ức.

Nhà văn viết về “cái ăn”

Ẩm thực Việt không chỉ quyến rũ thực khách mà cả những cây bút nước ngoài. Nhà thơ, cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl, người còn được gọi là “ông Tây nước mắm”, từng viết bài hồi ký Nước mắm của riêng tôi trong tập thơ và hồi ký Sau mưa thôi nã đạn nói về tình yêu cũng như hành trình tìm hiểu về nước mắm của mình. Cùng với nước mắm, một trong những món Việt khoái khẩu của ông là cà muối.
Trong tác phẩm được xuất bản năm 2017, Nguyễn Quang Thiều viết về những ký ức làng Chùa nơi mình sinh ra và lớn lên thông qua những món ăn của dân làng, của ông bà, cha mẹ, người thân...
Không phải tìm về với làng quê, tìm về những ký ức như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Di Li đã chọn cách đi đến những vùng, miền khác nhau để trải nghiệm sự phong phú của ẩm thực đất nước với cuốn tùy bút ẩm thực Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa vừa mới ra mắt độc giả.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến bốn cuốn tản văn của nhà văn Đỗ Phấn: Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, Ngẫm ngợi phố phường, Bâng quơ một thời Hà Nội và Đi chơi bờ hồ... viết về ba vấn đề ăn, ở, chơi của người Hà Nội. Những trang viết về ẩm thực của ông được nhìn nhận là “đáng kể và đáng nể”.
Đóng góp cho văn học ẩm thực Việt còn có thể kể đến những nhà văn đang sinh sống nước ngoài như Nguyễn Hữu Tài. Anh vừa cho ra mắt cuốn sách thứ 11 - tạp văn Lê la quán xá quê nhà viết về những món ăn, món uống, những hương vị quê hương Ninh Hòa (Khánh Hòa) của mình. Lê la quán xá quê nhà không chỉ cho người ta được “ăn”, được “nhìn”, được “ngửi” những món ăn của miền quê “nhỏ xíu mà thương” như món nem tiếng tăm nhờ lá chùm ruột xanh mướt đem về từ vùng Ba Hồ - Phú Hữu, bánh căn ăn kèm mỡ hẹ mà cọng hẹ sẻ “nhỏ xíu xiu nhưng thơm lừng...”, trái chuối sứ “rim đỏ au ngọt lịm”..., mà còn thấy được những câu chuyện của hành trình tìm về ký ức, tìm về quê hương của nhà văn 8X hiện đang định cư tại Mỹ này.

Tưởng dễ mà khó !

Ở thời kỳ trước, văn học ẩm thực Việt nổi bật những cây bút như Thạch Lam, Vũ Bằng, Băng Sơn, Tô Hoài..., thế hệ sau này có thể nhắc đến những cái tên như Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Phấn, Di Li, Hữu Tài... Tuy nhiên, số lượng những tác phẩm văn học về ẩm thực hiện tại vẫn chưa tương xứng với sự phong phú, đa dạng của ẩm thực Việt.
Nhà văn Di Li chia sẻ, chị có những thách thức khi viết tác phẩm về ẩm thực. “Người viết phải vượt qua, đưa những chuyện tưởng như tầm thường (là chuyện ăn) để thành nghệ thuật, thành văn chương. Viết về tình yêu, hay chiến tranh đưa lên thành nghệ thuật dễ hơn, còn viết về ăn uống, toàn tào phớ hay dưa cà, mắm muối, mà đưa được lên thành nghệ thuật thực sự là thử thách”, chị nói. Nữ nhà văn chia sẻ: “Tự bản thân tôi phải tìm con đường viết về văn chương ẩm thực hoàn toàn khác”. Di Li tự tin chị thấy mình không trùng với cây bút nào đã từng viết về ẩm thực đi trước. Còn với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ông viết về ẩm thực trong cảm giác, trực giác với 3 điểm cơ bản: nghệ thuật làm ra món ăn, tinh thần của món ăn, và cách hành xử của người nấu, người ăn với món ăn đó.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, ăn và uống là bản năng gốc và cơ bản của con người. Ngay từ lọt lòng mẹ, tiếng khóc là tín hiệu để mẹ cho bú, mẹ cho ăn, đó là hai bản năng gốc. “Chuyện ăn, uống cũng là hai hành động văn hóa đầu tiên của con người. Nếu hiểu văn hóa là sự can thiệp của con người vào tự nhiên. Con người chúng ta biết có bao nhiêu tộc người, bao nhiêu nền văn hóa, những thức ăn đưa vào miệng dù cùng là một dạng chất lỏng, hay chất rắn nhưng được chế biến khác nhau, từ đó cũng tạo nên văn hóa”, ông cho hay.
“Đã có những nhà văn đương thời quan tâm đến văn chương ẩm thực nhưng nhiều người chỉ tạt qua chứ không đầu tư vào đề tài này”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói. “Thực ra, viết về ẩm thực tưởng dễ mà khó. Dễ là kể ra những món ăn, thức uống, nhưng để nâng những thứ đó lên tầm văn hóa lại rất khó. Chẳng hạn viết về món nộm bò khô ai đi ăn cũng viết được ngay. Nhưng đã là văn chương, thì người ta không chỉ viết về cái ăn, cái uống mà còn phải viết về những câu chuyện, đời sống, văn hóa... của món ăn đó”, ông lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.