Nội dung chính của hội thảo là đúc kết lại thành quả vừa qua của văn học nghệ thuật (VHNT) và những hạn chế, từ đó đưa ra hướng khắc phục và phát triển. Tập trung nhất là bài tham luận của bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, với ý chính TP.HCM là trung tâm văn hóa của cả nước, nhiều nghệ sĩ và đơn vị đổ xô về hoạt động, làm ra nhiều thành tựu. Tuy nhiên, từ khi hội nhập với thế giới thì gam màu sáng nhiều hơn mà cái xấu cũng chen lẫn nhiều hơn, có thể gọi đó là cuộc xâm lăng văn hóa. Văn học, điện ảnh, sân khấu… có sôi động, nhưng ít tác phẩm chiều sâu. Đầu tư cho VHNT chưa xứng tầm, quản lý chưa kỹ.
Về vấn đề đào tạo khán giả trẻ, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bức xúc: “Muốn thưởng thức nghệ thuật thì phải hiểu nghệ thuật. Làm sao để các em hiểu? Mong ngành văn hóa tranh thủ khi bộ sách giáo khoa mới nội dung đã giảm tải rất nhiều thì nên ký kết với ngành giáo dục để các em được “học” nghệ thuật qua những buổi ngoại khóa, như xem kịch, xem tranh, đọc sách… Không có nền tảng kiến thức thì những thành tựu hôm nay chỉ như đi trên tảng băng, không biết hụt chân lúc nào vì bên dưới là sự trống rỗng”. Ý kiến của TS Mã Thanh Cao cũng bổ sung cho điều này: “Nhiều bảo tàng mỹ thuật giờ chỉ có khách nước ngoài; các đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam đi tham quan đông đảo cho có lệ chứ chẳng thu hoạch, thẩm thấu gì cả”. Nhiều đại biểu ưu tư về vấn đề khoa học công nghệ thông tin. TS Nguyễn Thị Mỹ Liên nêu thực tế có nhiều bài nhạc soạn rất dễ dàng bằng phần mềm, tạo ra những tác phẩm “giả âm nhạc”, “giả nghệ thuật”...
Xã hội hóa được nhắc đến nhiều tại hội thảo, vì chính nhờ mô hình xã hội hóa mà có nhiều sản phẩm VHNT ra đời. TS Nguyễn Thành Thi nêu điển hình Cuộc thi sáng tác văn học tuổi 20 thành công nhờ kết hợp giữa Hội Nhà văn TP.HCM (có nhân sự lo chuyên môn) với Báo Tuổi Trẻ (tuyên truyền quảng bá) và Nhà xuất bản Trẻ (in ấn sản phẩm).
Bình luận (0)