Vi phạm cả luật, cả đạo đức khi trưng bày nội tạng và cơ thể người

04/07/2018 13:40 GMT+7

Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Trọng An cho rằng, việc trưng bày nội tạng và cơ thể người là vi phạm cả pháp luật và đạo đức.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Vì thế, những hình ảnh về triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người (Mystery of Human Body) hiện đang trưng bày tại TP.HCM khiến ông rất phẫn nộ và bàng hoàng.
[VIDEO] Xác người thật trong triển lãm gây tranh cãi có nguồn gốc từ đâu?
“Chúng ta đều biết, văn hóa tâm linh và tập tục tang lễ của người Việt Nam liên quan đến người đã khuất phải được thực hiện một cách cẩn trọng nhất. Ở đây, họ trưng bày những thi thể bị bóc tách để lộ cơ, xương là rất không phù hợp”, ông An nói.
Bác sĩ An cũng đặc biệt lên án việc trưng bày các bào thai và cặp thi thể mẹ con trong tình trạng đã mở khoang bụng và tử cung của người mẹ.
“Tôi là một bác sĩ y khoa của Đại học Y Hà Nội. Thời sinh viên, chúng tôi được học giải phẫu và phẫu thuật thực hành trên những xác người thật đã qua xử lý formol. Các thầy giáo luôn nhắc nhở chúng tôi: mặc dù các em là sinh viên Y khoa, được pháp luật cho phép mổ, xẻ bóc tách cơ thể người để phục vụ khoa học nhưng luôn phải biết và tuân thủ nguyên tắc bất khả xâm phạm cơ thể người và quyền được tôn trọng xác người”, ông An cho biết.
Chuyên gia sinh học Vũ Ngọc Thành (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), lại rất thắc mắc về việc tại sao chấp nhận một trưng bày như thế ở mức độ đại trà. Ông Thành vốn không xa lạ gì với các công nghệ lưu giữ thi thể và mẫu động vật. Chính ông là người đã tham gia vào việc làm tiêu bản rùa quý ở Hồ Gươm.
“Đã có những công nghệ có thể tạo ra mô hình giống như người và động vật như thật. Họ đã có thể tạo ra những con hổ với đầy đủ lông móng y hệt thật, hoặc người thật. Đến bản thân tôi nếu đứng cách 2 m cũng không thể phân biệt được thật giả. Thế thì tại sao lại làm một triển lãm toàn thi thể thật thế này!”, ông Thành bày tỏ.
[VIDEO] Có gì trong triển lãm xác người thật đầu tiên tại TP.HCM?
Giáo dục hay kinh doanh?
Tiến sĩ công nghệ sinh học Đào Duy Phong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng, cho rằng lý do mà ban tổ chức đưa ra về triển lãm không hợp lý. Họ cho rằng đây là triển lãm phục vụ cho y học, giúp người xem nhận biết về độc hại của thuốc lá…
“Nếu nghiên cứu về giải phẫu thân thể người, thì ngay cả sinh viên y khoa, bác sĩ làm nhiều năm cũng chưa thể hiểu hết được toàn bộ sinh lý giải phẫu toàn bộ cơ thể người. Huống hồ đây chỉ là ở vài tiếng trong triển lãm. Như thế thì là cưỡi ngựa xem hoa, chẳng giải quyết vấn đề gì cả. Ngay cả những nghiên cứu giải phẫu, những tiến sĩ nghiên cứu cả đời về giải phẫu cũng cho như thế. Vì thế, các lý do đưa ra như vậy chỉ mang tính chống chế và mị dân. Tức là những lý do họ giải thích để có tính nhân văn đều không thuyết phục”, ông Phong nói.
Việc bán vé xem triển lãm, theo ông An, càng làm sự việc nghiêm trọng hơn. “Hiến xác để phục vụ khoa học là một việc đáng trân trọng. Tuy nhiên, công chúng kịch liệt lên án những kẻ đem xác người (cho dù được hiến hoặc không) để kinh doanh, phục vụ mục đích thương mại, nhưng lại được che đậy dưới cụm từ là vì khoa học”, ông An nói thẳng.
Về mặt pháp luật, theo ông An, triển lãm này cũng vi phạm pháp luật được quy định trong luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (tại khoản 4 điều 11 của luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm), bằng việc bán vé. Theo đó, không được lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; cũng như không được sử dụng việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác vì mục đích thương mại...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.