Vì sao phải dừng phát hành sách về nhân vật ‘gây tranh cãi’ Phan Thanh Giản?

16/01/2020 13:57 GMT+7

Vừa ra mắt gần 1 tháng, cuốn sách Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau đã phải tạm dừng phát hành.

Cuốn sách về Phan Thanh Giản từng được nhà xuất bản L’Harmattan (Paris, Pháp) ấn hành vào năm 2002 có tựa đề Phan Thanh Gian: patriote et précurseur du Vietnam moderne. Ses dernières années 1862-1867, và được xuất bản tại Việt Nam cuối năm 2019 do dịch giả Phan Tín Dụng chuyển ngữ với tên gọi: Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau, liên kết xuất bản giữa Omega và NXB Hà Nội.

Bìa sách có in hình phái bộ Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp năm 1863 (bìa tạp chí Illustration, journal universelle, số ra ngày 3.10.1863).

Nguồn tài liệu được các tác giả dẫn chứng khá phong phú: Văn khố Paris, Văn khố Bộ Hải quân, tập san, tạp chí, báo chí, sách tiếng Pháp và tiếng Việt... Trong đó, các tác giả đặc biệt nhấn mạnh ba nguồn tài liệu quan trọng: 4 tập bản thảo thư từ đặc biệt của Phó đô đốc De La Grandière từ năm 1863 đến năm 1868, cùng một tập tài liệu chưa được mở từ sau cái chết của De La Grandière, trong đó có một lá thư viết tay của Phan Thanh Giản gửi cho bà De La Grandière. Phần tài liệu này có được từ cuộc gặp tình cờ của các tác giả với hậu duệ vị Phó đô đốc. Kế đến là quỹ vi phim của Bộ Ngoại giao Pháp. Mặc dù được công khai từ lâu, các vi phim này giúp các tác giả cập nhật một số tài liệu, theo quan điểm của họ là chưa được khai thác cho đến thời điểm họ tiếp cận. Rồi đến nguồn châu bản triều Tự Đức (1848 - 1883) - những văn bản này thể hiện nổi bật trách nhiệm của Tự Đức và một số quần thần trong triều đình.
Được biết, mục đích của các tác giả khi xuất bản cuốn sách này là công bố các tài liệu liên quan đến nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản chưa từng được công bố mà họ tiếp cận được, đối chứng sử liệu và trình bày những góc nhìn, quan điểm mà các tài liệu mới gợi ý cho họ. Qua thao tác khảo chứng tài liệu, các tác giả đã chứng minh Phan Thanh Giản là một người yêu nước.
Trong quá trình lịch sử Việt Nam đi từ chế độ quân chủ đến hiện đại, có lẽ Phan Thanh Giản là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất, thu hút nhiều cái nhìn suy xét của giới nghiên cứu sử cũng như người Việt Nam nói riêng, nhưng hầu như mọi tranh luận đều chưa thể đi đến hồi kết.

Công văn tạm dừng phát hành cuốn sách của NXB Hà Nội gửi cho đối tác liên kết xuất bản

Cuốn sách chia làm nhiều phần: Đầu tiên là vai trò của Phan Thanh Giản trong giai đoạn 1862 – 1867, sau đó xem xét lại các chỉ trích về Phan Thanh Giản và phần trình bày các lập luận cho phép phục hồi toàn diện con người Phan Thanh Giản dưới cơ sở của các tài liệu chưa được công bố.
Qua tác phẩm này, các tác giả muốn chứng minh “Phan Thanh Giản nên được coi là người đầu tiên và, chí ít, đáng ngưỡng mộ nhất trong số những nhà cải cách vĩ đại của Việt Nam”; “một trong những người yêu nước tinh thuần nhất của Việt Nam, bắt đầu thắng thế trước những tiếng nói buộc tội, chỉ trích hoặc nghi ngờ”.
Tuy nhiên, theo nội dung công văn số 09/CV/XBHN của NXB Hà Nội: “Trong quá trình rà soát lại, NXB Hà Nội nhận thấy một vài nội dung cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể chỉnh sửa cho phù hợp hơn”, đồng thời đề nghị tạm dừng phát hành quyển sách công phu về nhân vật "gây tranh cãi" Phan Thanh Giản để hai bên cùng thống nhất và tổ chức chỉnh sửa. Quyết định  không đề cập đến thời gian phát hành trở lại của Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862 - 1867).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.