Vĩnh biệt nữ sĩ Mộng Cầm

24/07/2007 23:19 GMT+7

Trong khoảng nửa thế kỷ vừa qua, chuyện tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm vẫn luôn là đề tài làm tốn hao nhiều giấy mực của các nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ. Hàn thi sĩ đã từ trần vào ngày 11.11.1940, còn Mộng Cầm từ đó đến nay vẫn sống âm thầm ở TP Phan Thiết (Bình Thuận), và vừa đi vào cõi vĩnh hằng lúc 21 giờ 30 ngày 23.7.2007...

Ở bài viết này, vì tôn trọng chuyện quá khứ, riêng tư của bà nên chúng tôi không ghi tên thật, chỉ lược lại những chi tiết chung quanh "chuyện tình" Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm mà nhiều sách vở, bài báo đã đề cập.

Mộng Cầm sinh ngày 17.7.1917. Theo các tài liệu của Nguyễn Bá Tín (em ruột Hàn Mặc Tử), của nhà văn Quách Tấn thì Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm quen biết nhau qua thơ văn. Đó là khoảng năm 1934, khi Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho tờ Trong khuê phòng. Thỉnh thoảng, Hàn Mặc Tử có nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Thư đi tin lại, rồi chàng ra Phan Thiết tìm nàng. Hóa ra, Mộng Cầm là cháu gọi thi sĩ Bích Khê bằng cậu, nhân vậy mà sau này mới có tình bạn thắm thiết giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử mất vào cuối năm 1940 thì đến năm 1942, nhà văn Trần Thanh Mại ra cuốn sách đầu tiên giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Hàn Mặc Tử. Trong cuốn sách gây xôn xao dư luận lúc đó, Trần Thanh Mại đã dành hẳn một chương để nói về Mộng Cầm: Đôi trai tài gái sắc yêu nhau. Họ hay gặp nhau ở Quy Nhơn và Phan Thiết, hay đưa nhau đi chơi, thăm thú các danh lam thắng cảnh, nhất là Lầu Ông Hoàng... Đùng một cái, Hàn thi sĩ phát hiện mình mắc bệnh phong, chàng tuyệt giao với bằng hữu, kể cả với Mộng Cầm.

Dù đã tuyệt giao với những người thân thiết nhất nhưng hình ảnh của Mộng Cầm vẫn luôn ám ảnh Hàn thi sĩ. Nỗi đau đớn triền miên trên thể xác cộng với nỗi đau tinh thần luôn giày vò thiên tài bất hạnh, từ đó thi sĩ bật ra những câu thơ thống thiết: "Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng/Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang/Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/Ơi! Trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết/Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi/Ta đến nơi, Nàng ấy vắng lâu rồi/Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ/Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ/Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng... Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!/Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu/Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư". (Phan Thiết! Phan Thiết) hoặc "...Nghe gió là ôm ngang với gió/Tưởng chừng như trong đó có hương/Của người mình nhớ mình thương/Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì…" (Muôn năm sầu thảm)...


Mộng Cầm thời trẻ

Hơn 20 năm sau ngày Hàn Mặc Tử mất, vào năm 1961, nhà thơ Nguyễn Vỹ (chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Phổ thông) đã cử nhà báo Châu Mộng Kỳ tìm gặp Mộng Cầm để phỏng vấn về mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm. Thực ra từ khi có gia đình riêng, Mộng Cầm sống ẩn dật và luôn từ chối gặp gỡ các nhà báo. Sở dĩ Châu Mộng Kỳ thực hiện được cuộc phỏng vấn là do ông vốn là thầy dạy học của một người con trong gia đình Mộng Cầm. Trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Phổ thông số 63, ra ngày 15.8.1961, bà Mộng Cầm đã cho rằng chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử "chỉ là mối tình văn thơ, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng...". Bà xác nhận có đi chơi ở Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử rồi gặp mưa, hai người vào nấp mưa ở một nghĩa địa nhưng không cho rằng do vậy mà Hàn mắc bệnh phong, bởi cả hai người cùng nấp mưa một chỗ tại sao bà chẳng hề hấn gì? Bà kể tiếp: "Về đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy ở đó. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều anh đáp chuyến tàu suốt về Sài Gòn. Sau ngày ấy, cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức, do vậy mà Hàn Mặc Tử ra vào thường. Thứ bảy nào anh cũng có mặt ở Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào Sài Gòn. Trong một dịp thứ bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh đã thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: "Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng". Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau. Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà và trong nhiều bức thư anh có đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời thư, nhưng luôn tìm cách từ chối: "Em thiết nghĩ chúng ta sống thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu...". Nhiều người - trong đó có Quách Tấn, Trần Thanh Mại, Ngọc Sương (dì ruột của Mộng Cầm) đều xác nhận chuyện tình cảm giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm là có thật, sở dĩ bà phải "đính chính" trong bài phỏng vấn là muốn bảo vệ hạnh phúc đang có. u đó cũng là một việc làm thường tình và đáng thông cảm...

Hôm nay, người thiếu nữ năm xưa - nhân vật đã trở thành huyền thoại trong nhiều bài thơ, khúc nhạc - đã mang vào lòng đất những vui buồn quá khứ. Xin thắp một nén nhang tiễn bà vào vĩnh hằng...

Hay tin Mộng Cầm qua đời, trong suốt ngày hôm qua 24.7, nhiều đoàn khách đã lên đồi Thi Nhân (còn gọi là Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - nơi có mộ phần thi sĩ Hàn Mặc Tử). Ai cũng xúc động khi ngắm nhìn những hình ảnh nữ sĩ được trưng bày trang trọng ở phòng lưu niệm ở trên đồi. Chị Mai Lan trong đoàn khách đến từ Nam Bộ rưng rưng: "Nữ sĩ qua đời đột ngột quá, tôi từng ấp ủ dự định gặp bà để hiểu hơn về mối tình thơ của bà với Hàn Mặc Tử, tiếc là đã muộn rồi". 


Dzũ Kha và bà Mộng Cầm

Cũng trên đồi Thi Nhân, nghệ nhân Dzũ Kha - được gọi là "người giữ lửa thơ Hàn", từng gặp nữ sĩ Mộng Cầm và được bà đề tặng bài thơ Chan chứa đã gửi cho Hàn Mặc Tử trong thời gian hai người quen nhau - bùi ngùi: "Thật buồn khi nàng thơ từng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thơ Hàn không còn nữa. Nhiều lần tôi đến thăm, bà lúc nào cũng gọi anh Trí, anh Trí mỗi khi nhắc đến thi sĩ họ Hàn. Chuyện tình không thành nhưng giữa hai người đã có những kỷ niệm thật đẹp...". (Đình Phú)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.