'Visa' cho phim Việt ra quốc tế

30/09/2021 06:50 GMT+7

Mới đây, đạo diễn Trần Thanh Huy đã kể lại hành trình đầy chật vật của Ròm - tác phẩm đoạt giải New current (Làn sóng mới) tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan 2019.

Đây có lẽ cũng là lần hiếm hoi vị đạo diễn nhắc đến chuyện anh cảm thấy bất lực khi xin giấy phép để Ròm có thể đường hoàng tham gia một trong những LHP hàng đầu của châu Á.
Đạo diễn Trần Thanh Huy kể, khi nhận thông báo của Ban tổ chức LHP Busan 2019 về việc Ròm được chọn để tham gia tranh giải, anh đã ngay lập tức gửi phim tới Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) với mong muốn tác phẩm sớm được thẩm định cấp phép. Từ thời điểm đó đến khi LHP diễn ra còn 2 tháng, nhưng cho đến phút chót, giấy phép vẫn không được thông qua và cuối cùng, Ròm dù ẵm giải thưởng nhưng lại nhận án phạt vì thi… chui.
Trước đó, đạo diễn của phim Ròm và quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh khi ấy đã có cuộc gặp mặt. Trong buổi trao đổi mang tính chất riêng tư đó, đạo diễn Trần Thanh Huy đề xuất hướng chỉnh sửa bộ phim để có thể được hội đồng duyệt xem xét. Nhưng các ý kiến anh đưa ra đều bị phản bác. Đến giờ, đạo diễn vẫn luôn mong có một bên thứ ba đứng ở vai trò phán xử đúng - sai để nhà làm phim bớt thiệt thòi. 
Bên cạnh đó, nhìn lại thì việc áp dụng phương cách thẩm định phim phát hành trong nước (chủ yếu là phim thương mại) cũng giống như với phim được đưa đi tham dự LHP quốc tế (chủ yếu là phim nghệ thuật, thể nghiệm) cho thấy nhiều điểm chưa hợp lý. Chính vì vậy, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã nghĩ đến việc cần có “visa” riêng cho những bộ phim Việt đi ra quốc tế. Theo đó, tấm “visa” này do một hội đồng tách biệt với Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim truyện xét duyệt với tiêu chí riêng, phù hợp với tiêu chí cũng như sự đề cao sáng tạo, thể nghiệm của những LHP quốc tế. 
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đây sẽ là tấm “visa” không chỉ cởi bỏ những thủ tục máy móc, mà còn tạo thuận lợi tối đa cho các nhà làm phim trong việc giảm thời gian thẩm định cấp phép hay chấp nhận cả những bản phim thô (chưa hòa âm, chỉnh màu…). Trong trường hợp nhà làm phim muốn đưa tác phẩm trở về, phát hành tại VN thì sẽ được xét duyệt lại theo tiêu chí như những bộ phim phát hành trong nước. Đề xuất này của nữ đạo diễn xem ra hợp lý và có thể thực hiện. Ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng mỗi LHP quốc tế đều có tiêu chí riêng trong việc lựa chọn tác phẩm tham dự tranh giải, trình chiếu… Bởi vậy, với những tác phẩm đã được chọn tham dự các LHP quốc tế uy tín của thế giới, có thể xem xét đến việc bỏ giấy phép.
Không chỉ riêng ở lĩnh vực điện ảnh mà ở lĩnh vực nghệ thuật nói chung, việc đưa tác phẩm tham dự những cuộc thi, triển lãm, hoạt động văn hóa tại nước ngoài cần được tạo điều kiện thông thoáng, cởi mở hơn. “Tác phẩm nghệ thuật phá cách, thể nghiệm, đổi mới trong sáng tạo mới là những tác phẩm thu hút sự chú ý của thế giới, trong khi những yếu tố đó không phải lúc nào cũng được nhìn nhận với tinh thần cởi mở ở khâu cấp phép, kiểm duyệt. Bởi vậy nên mới có chuyện nghệ sĩ phải tìm cách để lách luật”, một nghệ sĩ bày tỏ. Trường hợp phim Vị đi dự LHP quốc tế với danh nghĩa phim của nước ngoài như vừa qua là một ví dụ.
Trên thực tế, chuyện lách luật không còn hiếm gặp. Bởi vậy, hậu kiểm lại cho thấy nhiều ưu điểm hơn. Đó là khi những tác phẩm nghệ thuật cần được trao hết quyền chịu trách nhiệm cho tác giả cũng như những người liên quan, và cơ quan quản lý sẽ xử lý khi tác phẩm đó vi phạm pháp luật VN. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.