Vụ án Trần Nguyên Hãn, oan uổng có cớ

22/07/2021 06:10 GMT+7

Vụ án Trần Nguyên Hãn diễn ra vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) thời Lê Thái Tổ. Điều đáng ngạc nhiên là những chi tiết liên quan đến vụ án này được các sử thần nhà Lê công bố hết sức nhỏ giọt.

Lam Sơn thực lục - cuốn sử đầu tiên do nhà Lê sơ biên soạn, không có chữ nào nói về Trần Nguyên Hãn. Đại Việt sử ký toàn thư cũng không nói thẳng về vụ án này mà chỉ phụ chép vào một sự việc khác. Diễn biến của vụ án chỉ được nói rõ trong các tài liệu muộn hơn như Đại Việt thông sử (thời Lê Trung hưng), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt sử cương mục tiết yếu (thời Nguyễn). Điều gì khiến sử thần triều Lê phải chần chừ lâu đến vậy?

Nhà vua nghi kỵ đại thần

Trần Nguyên Hãn được ghi nhận là một trong những người có vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trong tờ hòa ước với quân Minh, “Hãn ở thứ nhì, liền tên với vua”. Năm Thuận Thiên thứ 1 (1428), sau khi đại định, Trần Nguyên Hãn được phong là Tả tướng quốc và ban cho quốc tính (họ vua). Bất ngờ, vào tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), Lê Thái Tổ lại đột ngột “ban chiếu bắt giam Thái úy Hữu tướng quốc Trần Nguyên Hãn, Hãn liền tự sát”. Chuyện gì đã xảy ra?
Các sử thần triều Lê nói rằng đây đơn thuần là một vụ oan án. Vì Trần Nguyên Hãn là con cháu họ Trần, nên bị Lê Thái Tổ nghi kỵ rồi tìm cách giết đi. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Trước kia Thái Tổ tuổi già nhiều bệnh, lại thêm Quận vương (Tư Tề) điên cuồng bậy bạ, vua [Thái Tông] thì còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đều có công giúp nước, rất được người đương thì trọng vọng, Nguyên Hãn lại là con cháu nhà Trần, mà Văn Xảo lại là người Kinh lộ, lo rằng sau này có chí khác, ngoài mặt tuy lấy lễ ý tôn sùng, nhưng trong lòng vẫn ngờ”. Sự nghi kỵ này Trần Nguyên Hãn đã nhìn thấy trước và cố tình từ chức để tránh, nhưng vẫn không thoát được.
Đại Việt thông sử cho biết sau khi nhận chức Tả tướng quốc: “Ông nói riêng với người thân: “Nhà vua có tướng như Việt vương, không thể cùng sung sướng được”. Ông xin về hưu. Nhà vua bằng lòng cho, nhưng bảo mỗi năm 2 lần về chầu. Ông về làng làm nhiều nhà cửa, xây bằng gạch hoa và đóng thuyền chở binh khí. Có người tố cáo là ông mưu phản. Vua sai lực sĩ xá nhân bắt về hỏi tội. Thuyền đến bến dưới xã Đông Sơn, ông phẫn uất khấn trời rằng: “Tôi với vua cùng mưu cứu dân. Nay việc nghĩa lớn đã hoàn thành, vua lại muốn giết tôi, hoàng thiên có biết xin soi xét cho”. Nói xong, trời nổi gió lật thuyền, 42 lực sĩ xá nhân và ông đều chết đuối cả”.
Đại Việt sử ký toàn thư nói rõ thêm: “Bọn Đinh Bang Bảng, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua, đưa dâng sớ khuyên Thái Tổ quyết ý giết đi. Những người mà bọn Quốc Khí không bằng lòng đều bị chỉ là bè đảng của hai nhà ấy [tức Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo], bị án tử và đồ rất nhiều. Các quan đều sợ miệng chúng”.
Sự việc hết sức đơn giản. Nhà vua nghi kỵ đại thần, đại thần trốn tránh nhưng vẫn để lộ sơ hở. Bọn gian thần mượn thế sàm tấu. Nhà vua trách tội, trung thần ngậm oan mà chết. Trần Nguyên Hãn thực sự vô tội, đúng như Đại Việt thông sử nói: “Sau này vua Thái Tổ hối hận, thương hai người [Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo] bị oan”; “Triều Nhân Tông, năm Diên Ninh thứ hai [1456], nhân đại xá, nhà vua thương xót ông vô tội”. Nhà nghiên cứu Trần Bá Chí từng nhận xét vụ án này cùng với vụ án Lệ Chi viên của Nguyễn Trãi “đều do lòng ngờ vực, ghen ghét kẻ có tài của vua nhà Lê gây ra”.
Mọi chuyện chỉ có thế, không còn gì phải bàn thêm nữa. Nhưng có thật như vậy không? Câu chuyện trên thực tế phức tạp hơn nhiều và cũng có người nói khác.

Trần Nguyên Hãn tự chuốc lấy cái chết ?

Nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng từng nói đại khái: Phạm Lãi đi biệt, đổi tên họ, hoàn toàn xa lánh quyền lực. Cho nên Việt vương Câu Tiễn dù có biết cũng nghĩ Phạm Lãi không thèm muốn ngôi báu. Đằng này Trần Nguyên Hãn lại làm nhiều chuyện phô trương, xây nhà đóng thuyền, ra dáng sứ quân, nghênh ngang một cõi. Bất kể động cơ chủ quan là thế nào thì cũng khiến dư luận đồn đại. Nhà nghiên cứu kết luận: “Người ta vu cho ông làm phản. Và ông bị giết hại (hay bị “bức tử”, “tự sát” hay là “chết đuối”… thì cũng vậy thôi) là phải”.
Trần Quốc Vượng nói như vậy là có lý. Đại thần đã bị vua nghi thì chỉ có mấy con đường: Nếu không từ quan ở ẩn, biệt tăm biệt tích, thì phải tìm cách bày tỏ lòng trung hoặc tỏ ra rằng mình vô hại. Trần Nguyên Hãn chỉ làm được một việc là từ quan, nhưng lại không thể tỏ ra mình vô hại. Ngược lại, ông còn xây nhà lộng lẫy, đóng thuyền to tát. Mà thuyền gì không đóng, lại đóng thuyền chở binh khí! Nhà nghiên cứu Lê Anh Chí từng nhận xét: Thời phong kiến, đại thần phải được nhà vua cho quyền “khai phủ” thì mới được mở phủ đệ riêng. Trần Nguyên Hãn chưa được quyền “khai phủ” lại tự ý xây phủ, rõ ràng có ý tiếm lạm.
Vua Lê Thái Tổ đối với địa vị của Trần Nguyên Hãn, vốn đã lo ngại, nay thấy những chuyện này, nghi càng thêm nghi. Chẳng phải Trần Nguyên Hãn tự chuốc lấy cái chết sao? Trần Nguyên Hãn tự tìm cái chết, không phải hôm nay mới có. Trên thực tế, Trần Nguyên Hãn đã có một quá trình dài làm rạn nứt quan hệ của mình với Lê Thái Tổ. Vậy đó là những việc gì? 
(Trích từ sách Mật bổn - những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.