Xây dựng tự phát hại danh thắng

06/10/2019 09:20 GMT+7

Nhiều công trình được 'cấy' vô phép đang làm ảnh hưởng giá trị của các danh thắng . Và dù có thể thu hút khách du lịch trước mắt nhưng không tạo ra giá trị lâu dài vì phá vỡ cảnh quan, không phải là du lịch bền vững .

Nhà hàng trấn Mã Pì Lèng, nhà tôn chắn Đèo Mây

Qua đèo Ô Quy Hồ (Sa Pa, Lào Cai) có cảm giác đi trong mây trong khói qua những khúc quanh hiểm trở giữa vách núi và vực sâu. Cái tên khác của Ô Quy Hồ là Đèo Mây ra đời vì thế. Qua Ô Quy Hồ là qua “Cổng trời” rồi mới đến Sa Pa. Nhưng ngay ở Cổng trời, là một dãy nhà tôn kéo dài, phía trên nóc là một tấm biển to để sau này ghi quảng cáo. “Tôi quan sát, du khách Tây nhảy xuống khỏi những chiếc xe mô tô chuyên phượt, vòng ra phía sau dãy nhà, tìm lấy một chỗ thích hợp để chụp ảnh trên Cổng trời. Có người đứng chống nạnh, nhìn về phía những dãy núi hùng vĩ, ánh mắt như cố thâu vào ký ức một hình ảnh choáng ngợp về thiên nhiên”, một khách du lịch chia sẻ.
Xây dựng tự phát hại danh thắng

Tòa nhà không phép xây chắn tầm nhìn bên đèo Mã Pì Lèng

Ảnh: Lưu Quang Phổ

Cảm giác ở Ô Quy Hồ của đoàn khách nói trên đang lặp lại với nhiều người khi chứng kiến trên đèo Mã Pì Lèng (H.Mèo Vạc, Hà Giang) “mọc lên” một nhà hàng - nhà nghỉ nhiều tầng. “Ở đó vốn là một nơi có điểm nhìn rất đẹp. Chúng tôi khi lên nghiên cứu cũng nghĩ nên đặt một điểm dừng chân, nhưng chỉ để ngắm cảnh chứ không phải là nhà hàng, khách sạn”, PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, cho biết.
Tuy nhiên, địa điểm này đã mọc lên “quán cà phê view đẹp Hà Giang”, từ khóa dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội Facebook, nơi có thể chụp những tấm hình với hậu cảnh đẹp là vách núi và sông Nho Quế. Điều quan trọng là đi từ H.Đồng Văn sang H.Mèo Vạc hay ngược lại, ai cũng bị tòa nhà này chắn mất tầm nhìn.
Tuy nhiên nếu nói chuyện phá hỏng cảnh quan, không chỉ có tòa nhà mới xây này, mà theo nhiều du khách, trạm dừng nghỉ do tỉnh Hà Giang xây từ năm 2008 và được sửa chữa, mở rộng nhiều lần mới là công trình đầu tiên phá vỡ cảnh quan Mã Pì Lèng. Chưa kể mới đây một tượng đài theo phong cách tuyên truyền của Trung Quốc, Triều Tiên vừa được khánh thành bên đèo Mã Pì Lèng cũng được “cấy” ở một vị trí không phù hợp, gây phản cảm với không gian chung của khu vực.
Xây dựng tự phát hại danh thắng

Trạm dừng nghỉ do tỉnh Hà Giang xây từ năm 2008 và được sửa chữa, mở rộng nhiều lần hiện nay rất bề thế

Ảnh: Lưu Quang Phổ

Rác bê tông, băm nát di sản

Những dãy nhà tôn ở Cổng trời lại gợi nhớ tới nhiều hàng quán tại khúc cua trên đèo Đá Trắng, đường đi Mai Châu (Hòa Bình). Ở đó, bà con dựng tạm lên vài dãy quán tre lá và bán nông thổ sản, từ đây nhìn xuống, phong cảnh rất đẹp và ngay trong quán cũng đã có cảm giác đang ngồi trong mây. Tuy nhiên, những hàng quán này có thể sẽ được bê tông hóa dần dần, đồng thời gây hệ lụy cho môi trường khi không có khu vệ sinh.
“Trên các cung đường đi vẫn có các trạm dừng chân như vậy”, TS Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói. “Lúc đầu quán bé, bằng tre nứa, nhưng sau khi quen mắt nó được bê tông hóa. Bà con bán đồ ăn uống nhưng không có nhà vệ sinh, dần dần rồi lại thành bê tông hóa”.
Ở hồ Tuyền Lâm (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), thậm chí ngay cả khi có quy hoạch, danh thắng vẫn bị băm nát bằng bê tông hóa. Trong báo cáo gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Lâm Đồng nêu tên 10 doanh nghiệp đã cùng nhau băm nát danh thắng này. Trong số đó, Công ty CP Thiên Nhân được cơ quan chức năng phát hiện có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án khu nghỉ dưỡng Highland resort. Đơn vị này phá rừng phòng hộ trái phép tại 2 vị trí ở tiểu khu 266 với tổng diện tích 800 m2 và tự ý chuyển mục đích sử dụng 700 m2 đất rừng phòng hộ mà không được cơ quan chức năng cho phép; xây dựng 23 công trình sai phép và 5 công trình không phép. Thậm chí, công ty này tiếp tục sai phạm, bất chấp 3 quyết định xử phạt hành chính, 1 quyết định cưỡng chế của UBND TP.Đà Lạt.
Tại Quảng Bình, Công ty TNHH phát triển văn minh đô thị (Cividec) khởi công dự án khu nghỉ mát và giải trí sinh thái Phong Nha có vốn đầu tư hơn 155 tỉ đồng. Tuy nhiên, đã hơn chục năm, dự án chỉ có ngôi nhà 2 tầng và cột đá dựng hình tượng trầu cau chơ chỏng tại khu vực điểm xuất phát đường 20 - Quyết Thắng và đường ven sông Son, và trở thành “rác bê tông” ở khu di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. Dự án Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, góp thêm phần phá cảnh quan khu di sản này.
Xây dựng tự phát hại danh thắng

Dãy nhà tôn chắn tầm nhìn núi non hùng vĩ ở Cổng Trời ở Sa Pa (Lào Cai)

Ảnh: Huỳnh Văn Thông

Sửa luật, quy rõ trách nhiệm quản lý

TS Nguyễn Trùng Khánh cho rằng trách nhiệm của chính quyền địa phương rất rõ ràng trong những sai phạm ảnh hưởng danh thắng, di tích. “Với Mã Pì Lèng, trách nhiệm rõ ràng của chính quyền địa phương. Cho dù nằm ngoài khu vực bảo vệ 2 thì đó vẫn là một điểm nhạy cảm do liên quan đến yếu tố cảnh quan môi trường. Ở những chỗ khác cũng vậy, theo tôi, việc lập quy hoạch của địa phương rất quan trọng. Việc triển khai xây dựng làm sao phải vừa thuận lợi, vừa an toàn, vừa giữ môi trường. Đừng phá cảnh quan thiên nhiên hoặc tạo sự tương phản quá lớn làm mất đi cảnh quan”, ông Khánh nói.
TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch (Trường ĐH KHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng: “Về quan điểm phát triển, đã muốn phát triển thì cần xây dựng, nhưng phải theo quy hoạch chung và hài hòa với cảnh quan. Trường hợp ở Mã Pì Lèng, tòa nhà đã xây trái phép lại rất xấu”. Bà Thủy cũng ví dụ tỉnh Quảng Ninh muốn xây một điểm ngắm cảnh trên núi Bài Thơ và dự kiến mời một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới đến thiết kế. Bà Thủy cho rằng nếu làm tốt, điểm ngắm cảnh này sẽ "thuyết phục".
GS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản, cho rằng trách nhiệm địa phương rất quan trọng. Trong các trường hợp xây dựng trái phép làm danh thắng bị ảnh hưởng, việc nghiêm túc hoàn trả nguyên trạng là cần thiết. Ông nhấn mạnh việc xây dựng lớn như ở Mã Pì Lèng không thể nói là lãnh đạo địa phương không biết. “Chắc là lờ đi cho xây thôi. Chứ bao nhiêu biên bản như thế rồi. Chục cái biên bản nhưng có người chống lưng thì họ cũng không sợ. Quan điểm của tôi là người bảo vệ thì phải bắt trộm, không thể tha được. Phải đập đi thôi, giống như cái cầu xuyên lõi Di sản Tràng An ở Ninh Bình. Vi phạm là phải xử, phải đập, không nghiêm thì không ai sợ, rồi sẽ phá hết cảnh quan”, ông Bài nói.
Cũng theo ông Bài, luật Di sản văn hóa quy định rõ, việc xây dựng ở ngoài khu vực 2 nhưng có thể có ảnh hưởng di tích danh thắng quốc gia vẫn phải xin phép Bộ VH-TT-DL. “Trách nhiệm của UBND các cấp là phải trông coi. Nếu không chắc thì phải đi hỏi. Sau này, trình luật Di sản sửa đổi 2021, 2022 thì phải sửa để các quy định chặt thêm. Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, và áp dụng cả luật Tài nguyên môi trường nữa, hoặc quy định kỹ hơn với các danh thắng và xem xét các trường hợp đặc biệt với các danh thắng đặc biệt”, ông Bài nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.