Xem phim ''Tiếng cồng định mệnh'': Bi tráng của một cuộc đời, một cuộc tình thời chiến

06/05/2005 22:37 GMT+7

Không được dư luận quan tâm trong suốt quá trình thực hiện như Giải phóng Sài Gòn, Ký ức Điện Biên…, nhưng giới trong nghề đánh giá Tiếng cồng định mệnh (Điện ảnh Quân đội) là một trong những phim khá nhất trong serie phim chiến tranh được Nhà nước đặt hàng thời gian qua.

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Khúc tráng ca cuối cùng của nhà văn Chu Lai, người luôn biết cách "neo đậu" những hoàn cảnh, số phận nhân vật của mình trong lòng độc giả. Tướng Phạm Ngọc Tuấn (được hư cấu từ tướng Phạm Ngọc Phú - Tư lệnh Quân khu 2 của chính quyền Sài Gòn tại Tây Nguyên) rất thông minh, bản lĩnh, thành công trong nghiệp nhà binh nhưng cũng là người mang một tình yêu đơn phương đầy bi kịch, tình cha con sâu nặng với đứa con gái duy nhất của mình. Con người ấy dám sống vì lý tưởng, vì tình yêu mình đã chọn. Chỉ có điều, vì chọn sai đường nên tất cả những gì anh ta làm đều trở thành vô nghĩa.

Xây dựng một nhân vật như vậy, Chu Lai muốn gửi gắm ý tưởng rằng đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại chính xác chân dung đối phương trong cuộc chiến, chứ không cứ suy nghĩ theo lối cũ "ta thắng địch thua, ta tài giỏi địch ngu dốt". Trong cuộc chiến ấy, họ cũng là những con người có những buồn, vui, cao thượng, thấp hèn. Soi vào những chân dung ấy, chúng ta sẽ thấy rõ hơn ý nghĩa chiến thắng của dân tộc. Cảm hứng khác nổi bật trong kịch bản là sự bi tráng của một cuộc đời, một cuộc tình. Chu Lai đã "đẩy" cho đạo diễn cái khó nhất và cũng là cái hay nhất của kịch bản mà đạo diễn Khắc Lợi và Lê Thi cũng vô cùng hứng thú: "Làm sao phải xử lý được giữa chất anh hùng ca và thân phận một con người trong cuộc chiến. Phim truyện chiến tranh, nếu không có số phận nhân vật thì sẽ trở thành phim tài liệu tồi".

Khắc Lợi và Lê Thi đã tích lũy được những hiểu biết sâu sắc về chiến thắng 30/4/1975 sau khi cùng nhau thực hiện 4 tập phim tài liệu nhựa Mùa xuân toàn thắng (1995) trong đó có chiến thắng Buôn Ma Thuột, giúp họ xử lý rất thành công những đại cảnh trong phim. Giữa hỗn loạn trong cuộc rút chạy tan hoang, thảm bại của tàn quân ở đèo Cheo Reo (Phú Bổn, Đắk Lắk), dây chuyền, vàng bạc được tháo bỏ chỉ để đổi lấy ca nước uống; khăn mặt được nhúng xuống vũng nước cạn kiệt để thấm một vài giọt cặn uống cầm hơi, đám tàn quân cướp bóc điên cuồng, hãm hiếp đàn bà...  Không ít người dân ở đây đã khóc khi xem phim, bởi họ đã từng là nạn nhân của cuộc rút chạy 30 năm về trước: "Đúng là không khí cuộc rút chạy ngày xưa, có điều người chết trong phim còn ít quá".

Cảm hứng của khúc tráng ca mà Tiếng cồng định mệnh vang lên chắc chắn sẽ hấp dẫn khán giả. Cảm hứng này cũng giúp Hoàng Dũng đoạt giải Cánh diều vàng 2004 dành cho Nam diễn viên xuất sắc nhất. Tiếc rằng, Chu Lai đã dồn hết tâm huyết của mình vào nhân vật tướng Tuấn mà quên mất Huyền Trang, khiến cho người phụ nữ mà cả 2 người đàn ông hai bên chiến tuyến đều yêu say đắm (người mà nhà văn luôn khăng khăng cho rằng đó là nhân vật chính, là "người đàn bà cũng đa đoan như dân tộc này, như lịch sử này") trở nên mờ nhạt, đồng thời hình ảnh Lâm - người chiến sĩ cách mạng, người yêu của Huyền Trang cũng không thật sự gây ấn tượng.

Chỉ có 3 tháng để hoàn thành một bộ phim chiến tranh với nhiều đại cảnh: huy động tới 5 trực thăng, nhiều xe tăng bộ binh và xe tăng phản kích, hàng ngàn diễn viên quần chúng, hàng chục tạ vũ khí, khói lửa... Đó dường như là chuyện quá xa vời với các hãng phim khác. Vậy mà Tiếng cồng định mệnh đã làm được. Không đơn thuần vì "phim Điện ảnh Quân đội làm thì được Bộ Quốc phòng ưu tiên hết mực" như nhiều người nghĩ. Quan trọng hơn là sự tổ chức sản xuất khá chuyên nghiệp mà có lẽ không nhiều đoàn làm phim lớn khác có được. Đạo diễn Khắc Lợi thổ lộ: "Nếu không có Lê Thi, tôi khó mà dám nhận phim này bởi những đại cảnh quá lớn và phức tạp". Còn đạo diễn Lê Thi lại nói về tập thể làm phim gồm 110 người của mình: "Chúng tôi là một khối đoàn kết thống nhất, chúng tôi làm phim với tinh thần của người lính".

Phạm Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.