Xuất khẩu nhạc Việt: Khi nào?

12/06/2018 06:39 GMT+7

Xuất khẩu âm nhạc mang đến nguồn lợi nhuận lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới. Còn nhạc Việt khi nào mới có thể xuất khẩu ?

Giữa tháng 5 vừa qua báo Hàn Quốc đăng thông tin Công ty Korea Mobile Society (KMS) của Hàn Quốc đã nhắm đến việc chọn Sơn Tùng M-TP làm gương mặt đại diện cho nền tảng âm nhạc mà công ty này bắt tay với Microsoft Hàn Quốc thực hiện tại Đông Nam Á.
Cùng với đó, dự án bảng xếp hạng âm nhạc VN V Heartbeat của mạng ứng dụng V Live (Hàn Quốc) vừa được công bố với hy vọng trở thành cầu nối giữa nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc... nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng của nghệ sĩ ra thị trường châu Á. Có vẻ như một số công ty Hàn Quốc đang thấy hấp dẫn với việc khai thác nhạc Việt, nhưng chưa có gì là chắc chắn có thể giúp xuất khẩu nhạc Việt, mặc dù Hàn Quốc nằm trong số những quốc gia châu Á xuất khẩu âm nhạc lớn nhất. Theo số liệu của Korea Creative Content Agency (Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc), doanh thu từ việc xuất khẩu K-Pop trên toàn cầu vào năm 2016 đạt mức kỷ lục là 4,7 tỉ USD.
Trước đó, đã có những ca sĩ VN như Mỹ Linh, Hồng Hạnh, Lam Trường, Mỹ Tâm, Đan Trường... phát hành album tại nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết mới chỉ dừng lại ở cuộc chơi, hay dành cho cộng đồng khán giả người Việt sống tại nước ngoài. Trong xu thế hiện nay, nhiều ca sĩ phát hành sản phẩm âm nhạc trên các kênh trực tuyến như iTunes, YouTube, Spotify, SoundCloud... dễ tiếp cận với những khán giả quốc tế. Nhưng thực tế, xuất khẩu nhạc Việt vẫn đang là giấc mơ!

Chúng ta có nhân tố tốt, nhưng cần tìm ra cái riêng và quan trọng hơn là cần có một chiến lược tổng thể để có thể xuất khẩu âm nhạc ra thế giới

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long

Trông người ngẫm ta
Thụy Điển là một trong những quốc gia xuất khẩu nhạc pop hàng đầu thế giới. Sau huyền thoại ABBA, thế giới lại được biết đến những Europe, Roxette, Icona Pop và Zara Larsson đến từ đất nước này. Ngoài ra, Thụy Điển còn sản sinh hàng loạt những nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, đạo diễn video ca nhạc cho hàng loạt ngôi sao thế giới như Madonna, Katy Perry, Taylor Swift, Ariana Grande, Britney Spears, Maroon 5, Pink, Lady Gaga, Jennifer Lopez...
Thực tế, cách đây hơn 20 năm, Thụy Điển đã đưa ra những chính sách để khuyến khích xuất khẩu âm nhạc. “Từ năm 1997, chính phủ Thụy Điển đã trao giải thưởng Music Export Prize để ghi nhận những thành tựu âm nhạc quốc tế cũng như nỗ lực xuất khẩu âm nhạc của các nghệ sĩ Thụy Điển”, bà Camilla Bjelks (cán bộ văn hóa của Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội) cho biết.
Ngoài ra, theo bà Camilla Bjelks, chính phủ Thụy Điển cũng hỗ trợ Tổ chức phi lợi nhuận Export Music Sweden do Hiệp hội Công nghiệp âm nhạc SAMI và Liên đoàn Công nghiệp ghi âm IFPI/SOM, Hội Các nhà sản xuất, sáng tác, phát hành âm nhạc STIM thành lập. Tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc tăng xuất khẩu âm nhạc Thụy Điển tại những thị trường chiến lược như Mỹ, Đức và Nhật Bản. Thông qua những cuộc làm việc, gặp gỡ, hội thảo, tổ chức này cung cấp các nhạc sĩ, nghệ sĩ, hay công ty trong ngành công nghiệp Thụy Điển cho những thị trường âm nhạc nước ngoài. “Thụy Điển cũng có những hoạt động để khán giả khắp thế giới biết đến âm nhạc của mình, như làm liên hoan âm nhạc ở Mỹ, VN, đưa nghệ sĩ sang biểu diễn, hay tổ chức các buổi hợp tác, chia sẻ với các nghệ sĩ, sinh viên VN”, bà Camilla Bjelks cho hay.
Muốn xuất khẩu, cần bản sắc riêng
“Những nước có nền âm nhạc phủ sóng toàn cầu thường có ngành giải trí phát triển. Mà để có một ngành công nghiệp giải trí, cần có những nền tảng quan trọng là chiến lược, giáo dục cùng nhiều yếu tố khác nữa. Trong khi, tại VN, những điều đó chưa có và vẫn hoạt động theo kiểu manh mún”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Khoảng 20 năm trước, chẳng mấy ai ngoài Hàn Quốc biết K-Pop nhưng giờ K-Pop đã được yêu thích khắp châu Á, sang tận châu Âu, châu Mỹ.
“Những năm gần đây, nền giải trí của ta cũng đã có những bước phát triển, gần hơn với khu vực nhưng ta chưa có nét riêng. Mặt khác, giờ chúng ta chỉ phục vụ cho người Việt thưởng thức thì chưa thể xuất khẩu ra thế giới”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nhìn nhận và cho rằng nhạc Việt cần có sự tiệm cận với âm nhạc thế giới nhưng cũng cần có bản sắc riêng. “Chúng ta có nhân tố tốt, nhưng cần tìm ra cái riêng và quan trọng hơn là cần có một chiến lược tổng thể”, ông Long bày tỏ và đề nghị: “Cần có những chính sách tầm vĩ mô, xã hội hóa là hướng đi tất yếu và cần phải có thời gian để thay đổi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.