Tham dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo các hội văn học - nghệ thuật cùng các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức trong cả nước.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, khẳng định: "Trong lịch sử phát triển văn học - nghệ thuật VN thời hiện đại, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần làm phong phú thêm nền văn học - nghệ thuật dân tộc, có vai trò to lớn trong việc hình thành nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta, cả người Việt và có nguồn cội VN ở nước ngoài".
Nói về nhân vật trung tâm của đề tài này, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, cho rằng: "Ở các tác phẩm văn học viết về người lính, tình nghĩa thể hiện ở không chỉ đồng đội tại ngũ với nhau mà cả ở những cựu binh, với ký ức về đồng đội cũ, về người đã hy sinh. Cựu binh là người đã cởi bỏ áo lính, nhưng phẩm chất lính, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thì không chút phai nhạt, trái lại phẩm chất ấy tiếp tục được phát huy một cách linh hoạt trong đời sống xã hội hằng ngày".
PGS-TS Phạm Thành Hưng băn khoăn: "Văn học về chiến tranh cách mạng là loại hình văn học chiến hào, do vậy không phải là dễ viết trong bối cảnh xã hội chính trị hiện tại. Trên tinh thần ấy, theo tôi, lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng là đề tài "đất nước phải đặt hàng", và những cuốn sách về đề tài này sẽ là những cuốn sách riêng ưu tiên hàng đầu cho những người đang cầm súng hôm nay".
Theo Ban tổ chức, qua hội thảo khoa học lần này, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật T.Ư mong muốn huy động tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó tư vấn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa văn nghệ và phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn hiện nay.
Bình luận (0)