Văn Khang - Quốc Việt: Ngòi nổ đáng gờm của U.22 Việt Nam

04/05/2023 21:47 GMT+7

Dù vào sân từ ghế dự bị, nhưng Văn Khang và Quốc Việt đã in dấu giày vào 2 bàn của U.22 Việt Nam từ đầu giải.

Trong cả 2 trận đầu của U.22 Việt Nam ở SEA Games 32, HLV Philippe Troussier sử dụng bộ ba tấn công Văn Tùng - Thanh Nhàn - Văn Đô trong đội hình xuất phát. Việc lặp lại một bộ khung tiền đạo ở 2 trận cho thấy với HLV Troussier, đây đang là hàng công ưng ý và phù hợp nhất với ý đồ chiến thuật của ông. 

Văn Tùng là mẫu trung phong hiện đại với khả năng dứt điểm toàn diện, chạy chỗ khôn ngoan. Dưới thời ông Troussier, Văn Tùng không thuần "bám" vòng cấm, mà di chuyển rộng để đóng góp vào lối chơi. Thanh Nhàn có nguồn năng lượng dồi dào để hoạt động rộng và kết nối lối chơi, còn Văn Đô khéo léo và xử lý nhanh trong không gian hẹp.

Văn Khang - Quốc Việt: Ngòi nổ đáng gờm của U.22 Việt Nam - Ảnh 1.

Quốc Việt đã có bàn thắng đầu tiên ở SEA Games 32

NGỌC DƯƠNG

Toàn cảnh SEA Games 32 tối 4.5: Hy hữu 5 đội phản lưới nhà | Bóng chuyền thua ngược Thái Lan

Tuy nhiên, điểm sáng hàng công của U.22 Việt Nam trong 2 trận đầu còn thuộc về những quân bài dự bị ông Troussier tin dùng, đó là Quốc Việt và Văn Khang.

Cả hai mũi tấn công đôn lên từ đội U.20 Việt Nam được ông Troussier sử dụng với số phút dè dặt tại Doha Cup 2023 (dù trận nào cũng được đá). Đến SEA Games 32, Quốc Việt và Văn Khang tiếp tục sắm vai dự bị. Dù vậy, điều đó không có nghĩa 2 cầu thủ này không đủ năng lực, hay đẳng cấp không bằng những cầu thủ được bố trí đá chính.

HLV Troussier cất học trò trên băng ghế dự bị bởi đơn giản, năng lực của những cầu thủ này phù hợp hơn khi vào sân trong hiệp 2, khi đối thủ đã xuống sức, lại ở thế phải đẩy cao đội hình tấn công. Nếu Thanh Nhàn, Văn Tùng có khả năng đấu tay đôi để phục vụ lối chơi trực diện và "đốt sức" đối thủ, Quốc Việt và Văn Khang lại thuộc mẫu săn khoảng trống để tự tạo ưu thế cho bản thân. Những tiền đạo di chuyển thông minh như vậy luôn phù hợp với thế trận phản công, rình rập chờ đợi sai lầm của đối thủ để giáng đòn trừng phạt.

Tùy theo mỗi giai đoạn và diễn biến cụ thể của trận đấu, U.22 Việt Nam lại có những kiểu chiến thuật khác nhau để đạt mục đích. Trong 2 trận gặp U.22 Lào và U.22 Singapore, HLV Troussier đã tung những "quân bài tẩy" vào sân khi U.22 Việt Nam có sẵn lợi thế dẫn bàn, do đó cần những cầu thủ "mũi kim" sẵn sàng đâm vào những khoảng hở khi đối thủ dâng đội hình lên tìm kiếm bàn gỡ.

Văn Khang - Quốc Việt: Ngòi nổ đáng gờm của U.22 Việt Nam - Ảnh 2.

Văn Khang đã in dấu giày vào 2 bàn của U.22 Việt Nam

NGỌC DƯƠNG

Trong trận ra quân với U.22 Lào, Văn Khang đã đứng vị trí khôn ngoan ở sát biên trái, chờ đường chuyền phản công của đồng đội rồi bứt lên trước khi kiến tạo dọn cỗ cho Quốc Việt ghi bàn. Đến trận gặp U.22 Singapore, Văn Khang lại chuyển sang biên phải, thoát xuống đáy vòng cấm rồi căng ngang khiến đối thủ lúng túng phản lưới nhà.

Trong khi đó, Quốc Việt ở trận đầu đá tiền đạo mũi nhọn, còn đến trận thứ hai lại chơi như một hộ công sau lưng tiền đạo cắm Văn Tùng. Chân sút của HAGL tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn nhưng đồng đội bỏ lỡ. Chính Quốc Việt cũng bỏ lỡ cơ hội ngon ăn khi dứt điểm cận thành dội cột dọc dù đã loại bỏ sự theo kèm của đối thủ. 

Quan trọng hơn, dù U.22 Việt Nam chưa thi đấu đạt yêu cầu, nhưng những cầu thủ ông Troussier tin tưởng trên hàng công đều cho thấy sức ảnh hưởng. Văn Tùng ghi 2 bàn (đều mở tỷ số) sau 2 trận đấu, Văn Đô và Thanh Nhàn cùng có 1 kiến tạo, hay Văn Khang, Quốc Việt cũng đã in dấu giày vào bàn thắng. Điều đó cho thấy dù đá chính hay dự bị, các cầu thủ đều ý thức vai trò và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 

Văn Khang - Quốc Việt: Ngòi nổ đáng gờm của U.22 Việt Nam - Ảnh 3.

Quốc Việt sẽ là "quân bài tẩy" lợi hại của ông Troussier

NGỌC DƯƠNG

U.22 Việt Nam thắng dễ Singapore: Nỗi bất an trước 2 ‘ngọn núi’ lớn

Có những cầu thủ sáng tạo và giỏi tạo đột biến như Văn Khang, Quốc Việt hay có thể là Văn Trường, HLV Troussier còn đủ nhiều "bài vở" để gây bất ngờ cho U.22 Malaysia hay U.22 Thái Lan ở những trận đấu cuối. Thành công ở 2 kỳ SEA Games trước đây cho thấy U.22 Việt Nam thường vượt qua những trận đấu căng thẳng bằng những bất ngờ ở mảng miếng chiến thuật và con người. Ở chung kết SEA Games 30, Văn Hậu vụt sáng thành người hùng với 2 tình huống không chiến thành công để mang về chiến thắng. Đến chung kết SEA Games 31, Mạnh Dũng bật cao đánh đầu tung lưới Thái Lan, dù trước đó chủ công đội tuyển là Tiến Linh. 

"Không cầu thủ nào toàn diện, ai cũng có ưu nhược điểm, nhưng HLV phải đặt cầu thủ vào đúng vị trí để đạt hiệu quả cao", chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá. Lắp ghép cầu thủ cho phù hợp với tổng thể, toan tính nhiều kiểu chơi phụ thuộc vào con người hiện có, tài năng của "Phù thủy trắng" Troussier sẽ được thể hiện ở những chi tiết như vậy.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.