Vẫn là giải pháp tình thế

22/11/2018 04:53 GMT+7

Theo kế hoạch vừa được UBND TP.HCM phê duyệt về phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020, tại khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, 3), từ nay đến năm 2020, không phát triển các dự án nhà ở mới.

Tại các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang, hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới.
Việc giới hạn, cấm nhà cao tầng trong nội đô xuất phát từ tình trạng nén cao ốc tràn lan ở khắp các tuyến đường, con phố trong nhiều năm qua tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành lớn trên cả nước. Thực tế có những con đường oằn mình gánh hàng chục dự án với hàng vạn người sinh sống. Có những khu ngõ nhỏ, phố nhỏ vẫn được duyệt xây dựng dự án nhà ở vài chục tầng... Dẫn đến kẹt xe, ngập nước ngày càng nghiêm trọng, bế tắc. Bộ mặt đô thị lem nhem, hạ tầng cơ sở như trường học, bệnh viện, chỗ vui chơi giải trí đều quá tải. Nếu đứng ở góc độ này, cấm cao ốc trong trung tâm là cần thiết. Thậm chí phải cấm từ lâu rồi mới đúng.
Thế nhưng nói đi thì phải nhìn lại, hầu hết các TP lớn trong khu vực và trên thế giới đều phát triển cao tầng bởi một nguyên lý cơ bản, đất trong nội đô vừa quá ít, quá đắt, lấy đâu ra để đáp ứng nhu cầu nhà riêng lẻ? Vậy tại sao Singapore, Hồng Kông... không kẹt xe, ngập nước hoặc những nơi kẹt cũng không phải lỗi do nhà cao tầng? Mấu chốt vẫn là quy hoạch.
Chúng ta chưa có một quy hoạch tổng thể hoàn chỉnh để dựa vào đó phát triển hạ tầng, phát triển nhà cửa, phát triển giao thông cho quy củ, khoa học. Nên đổ hết lỗi kẹt xe, ngập nước, bức bách đô thị hiện nay cho cao ốc là chưa thỏa đáng. Đơn cử vấn đề kẹt xe. Đây là tình trạng ở rất nhiều TP lớn trong khu vực và trên thế giới. Để giải quyết, các nước đều phải xây dựng hệ thống giao thông công cộng với xe buýt, tàu điện ngầm kèm theo đó là hệ thống đường trên cao, đường vành đai... Trong khi TP.HCM và Hà Nội đều là những siêu đô thị với dân số hàng chục triệu người nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào xe cá nhân. Giao thông công cộng ì ạch không phát triển, tàu điện ngầm không có, hệ thống xe buýt thiếu và yếu, tỷ lệ đất dành cho giao thông ít ỏi... thì làm sao mà không kẹt?
Nói như vậy để thấy, việc áp dụng giải pháp tình thế là ngưng phát triển cao ốc trong nội đô từ nay đến 2020 không giải quyết được những bức bách hiện nay của TP.HCM cũng như các đô thị lớn trên cả nước. Điều quan trọng để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông vẫn là phải xây dựng hệ thống giao thông công cộng thuận tiện cho người dân. Chứ "nhấc" họ ra ngoại ô rồi họ lại đi xe máy vô trung tâm đi làm việc, mua sắm, giải trí, học hành... thì có khi kẹt xe, ngập nước, thiếu bãi đậu lại càng thêm trầm trọng.
Và như nói trên, trùm lên tất cả phải là một quy hoạch hoàn chỉnh. Đất nào phát triển dự án nhà ở, đất nào dành cho giao thông, phát triển dự án trong nội đô thì phải kèm theo các điều kiện gì chứ không phải cứ chỗ nào trống, "chạy" được giấy phép là nhồi vào đó một tòa nhà cao tầng như hiện nay.
Nếu không giải quyết cái gốc thì mọi vấn đề sẽ lại rơi vào bế tắc mà thôi. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.