>> Ngọc Minh

Theo đánh giá của các nhà sử học, không những có công đánh đuổi giặc Minh, giành lại nền độc lập cho nước Đại Việt ở thế kỷ thứ 15, vương triều nhà Lê còn đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, có vị trí quan trọng trong lịch sử phong kiến của nước Việt. Tuy nhiên sang thế kỷ thứ 16, nhà Lê lâm vào cảnh suy yếu và bị Mạc Đăng Dung tiếm ngôi vào năm Đinh Hợi (1527). Từ đây, đất nước lâm vào cuộc chiến Nam - Bắc triều “nồi da xáo thịt” đầy đau thương.

Sau khi bị nhà Mạc thay thế, nhiều quan lại, tôn thất triều Lê đã nổi lên chống Mạc nhằm khôi phục ngai vàng nhà Lê. An Thành hầu Nguyễn Kim đã sang vùng Sầm Châu của Ai Lao (vùng Hủa Phăn, Lào ngày nay) gầy dựng căn cứ, rồi đến năm 1533, ông cử người về Thanh Hóa tìm con cháu của dòng họ Lê là Lê Ninh đưa sang lập làm vua - vua Lê Trang Tông, giương cao ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quý Tỵ Nguyên Hòa năm thứ 1 (1533) mùa xuân, tháng giêng, vua lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, tôn Đại tướng quân Nguyễn Kim là Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công chưởng nội ngoại sự”.

Năm 1540, Nguyễn Kim đem quân từ Ai Lao về nước đánh nhà Mạc, được nhiều hào kiệt theo giúp, thanh thế ngày một lẫy lừng. Chẳng may năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, Trịnh Kiểm (con rể của Nguyễn Kim) lên nắm giữ binh quyền, tiếp tục sự nghiệp trung hưng nhà Lê, đánh đuổi nhà Mạc. Một năm sau (1546), với tầm nhìn của một nhà quân sự tài năng, Trịnh Kiểm đã đón Lê Trang Tông từ Ai Lao về nước, chọn sách Vạn Lại thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa (Thanh Hoa), nay là xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) - nơi giao thoa giữa đồng bằng và miền núi Thanh Hóa, lập hành điện.

Sách Việt sử Thông giám cương mục chép: “Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó”. Một triều đình với đầy đủ văn quan, võ tướng với sứ mệnh trung hưng nhà Lê đã được lập nên. Từ đây, đất nước hình thành 2 vương triều, 2 kinh đô, gồm Nam triều từ Thanh Hóa trở vào thuộc vua Lê; Bắc triều từ Ninh Bình đổ ra, bao gồm cả kinh thành Thăng Long (Đông Kinh) thuộc quyền họ Mạc.

Với tài thao lược của Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, thế lực Nam triều ngày càng lớn mạnh, đánh đâu thắng đó. Đến năm Quý Tỵ (1593), nhà Lê đã đánh đuổi nhà Mạc ra khỏi kinh thành Thăng Long, vua tôi nhà Lê trở về kinh đô Thăng Long mở ra thời kỳ Lê Trung Hưng. Vạn Lại kết thúc sứ mệnh là kinh đô kháng chiến của nhà Lê. Trong thời gian tồn tại suốt 47 năm (1546 - 1593), trải qua 4 đời vua (Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông), có lúc hành điện của nhà Lê phải chuyển đến phủ Yên Trường (cách Vạn Lại khoảng gần 5 km, nay thuộc xã Thọ Lập, H.Thọ Xuân), nhưng Vạn Lại luôn đóng vai trò quan trọng nhất.

Mặc dù là kinh đô thời loạn, nhưng tại Vạn Lại, nhà Lê đã cho tổ chức 7 khóa thi, tìm ra nhiều hiền tài giúp nước nổi danh cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Trong đó, nổi bật có các tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thực, Lê Trạc Tú... Tại Văn Miếu Hà Nội ngày nay có 82 bia tiến sĩ, trong đó có 7 bia ghi các tiến sĩ đỗ các khoa thi ở Vạn Lại. Vì được xem là vùng địa linh có mạch phát đế vương nên nhiều vua chúa đã chọn Vạn Lại làm sinh phần (nơi an táng) cho mình sau khi mất.

Cùng nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Kỳ (Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa) trở lại Vạn Lại lần này, tôi cố gắng lần tìm những vết tích nền móng của hành điện Vạn Lại (trung tâm của kinh thành) nhưng chẳng thu được kết quả gì đáng kể. Dẫn tôi đến khu vực được xác định nơi hành điện của nhà Lê từng tọa lạc ngay phía sau trụ sở UBND xã Xuân Châu, nhà nghiên cứu Lê Xuân Kỳ cho biết, kể từ khi nhà Tây Sơn cho đốt phá cung điện, rồi qua biến thiên của lịch sử, giờ đây cả khu vực này đã thành bình địa.

Cũng theo nhà nghiên cứu Lê Xuân Kỳ, khi triều đình nhà Lê trở lại Thăng Long (Đông Kinh), qua nhiều biến thiên của thời cuộc, kinh thành Vạn Lại dần trở thành phế tích. Có một điều mà ông và các nhà nghiên cứu chưa thể lý giải được là đến đầu thế kỷ 19, khi vua Gia Long lên ngôi, ra lệnh kiểm tra dân số toàn quốc thì Vạn Lại được ghi là “làng ly tán, không còn người khai báo”. Vì sao một sách lớn như Vạn Lại, với dân cư đông đúc cùng nhiều lăng tẩm, đền miếu, cung điện từng là kinh đô của nhà Lê lại trở lên tiêu điều ly tán đến vậy? “Có tài liệu nói quân Tây Sơn khi đến Thanh Hóa đã tàn phá Lam Kinh và Vạn Lại để xóa mọi dấu vết của nhà Lê. Và rất có thể người dân nơi đây buộc phải lưu tán khỏi cố đô”, ông Kỳ phỏng đoán.

Quanh khu vực được xác định từng đặt hành điện của nhà vua tại kinh thành Vạn Lại giờ cỏ gai rậm rạp, chỉ có đôi voi đá, ngựa đá vẫn đứng trơ gan chơ vơ nơi thềm điện xưa. Rải rác xung quanh là những mảnh gạch ngói, bình gốm vỡ lẫn trong đất đá. Dải đất bao quanh làng được gọi là lũy thành giờ cũng mờ phai hình hài vì người dân san lấp để làm đường đi lối lại. Cái gò đất cao cách hành điện 1 km về phía phía tây được nhà Lê xây dựng đàn tế giờ là khu vườn hoang… Tất cả những điện miếu, lăng tẩm, hành cung đã biến mất bởi thời gian và qua các cơn tao loạn.

Dẫn tôi đi đến từng di chỉ, ông Lê Xuân Kỳ khẳng định, chìm dưới lòng đất ở những nơi này chắc chắn vẫn còn nền móng cũ. Tuy nhiên, để tìm hiểu tường tận thì phải khai quật khảo cổ. Ở cái tuổi 86, ông Kỳ lo lắng không biết có còn cơ hội được tận mắt nhìn thấy những dấu tích của kinh thành xưa nữa hay không. “Có thể nói, hoàn cảnh lịch sử và sự ra đời của kinh thành Vạn Lại hết sức đặc biệt và cần được làm sáng tỏ thêm. Bên cạnh đó, chính quyền và ngành văn hóa cần sớm có một quy hoạch tổng thể khu Vạn Lại để phục vụ cho công tác nghiên cứu, khai quật, bảo tồn di tích này. Việc nghiên cứu sẽ cho ta những giá trị khoa học về lịch sử hình thành các kinh đô của VN”, ông Kỳ kiến nghị.

Đồ họa: Lâm Nhựt |  Ảnh: Ngọc Minh

Báo Thanh Niên
21.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.