Rót tiền tỉ “cứu” bờ
UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi văn bản đề xuất Bộ KH-ĐT bố trí kinh phí đầu tư dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển cửa Đại đoạn từ UBND P.Cẩm An đến khu vực An Bàng, từ nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2016, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai dự án nghiên cứu về quá trình xói lở và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển Hội An một cách bền vững. Hơn 10 năm nay, bờ biển Hội An liên tục chống đỡ nạn xâm thực, chính quyền địa phương đã tìm nhiều giải pháp linh hoạt. Năm 2010, nhiều dự án kè biển Hội An được triển khai. Từ kè bê tông cốt thép mái nghiêng dài 851 m, đến kè mềm bằng túi địa kỹ thuật dài 415 m (năm 2014), kè mềm bằng túi vải Geotube dài 1.020 m (năm 2015). Tổng kinh phí cho các dự án này hơn 142 tỉ đồng.
Sạt lở bờ biển Hội An uy hiếp hàng loạt nhà hàng |
MẠNH CƯỜNG |
Đáng chú ý, phương án “nuôi bãi tạo bờ” được thẩm định tính hiệu quả trong thực tế. Sau khi TP.Hội An hoàn tất 220 m kè ngầm chắn phá sóng cách bờ 250 m (vốn 40 tỉ đồng), hiện có thêm khoảng 1,7 km kè ngầm được BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNN Quảng Nam xây dựng, chạy song song cách bờ 250 m, tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng. Địa phương sử dụng hơn 97.000 m3 cát nạo vét luồng đường thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm bơm trực tiếp lên bãi tắm và khu vực xây dựng đê ngầm chắn sóng.
Năm 2020, Chính phủ hỗ trợ 300 tỉ đồng thực hiện dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, nhưng sau mùa mưa bão 2021, tình trạng sạt lở tại đây diễn ra với tốc độ nhanh và nghiêm trọng hơn, kéo dài về phía bắc đoạn từ UBND P.Cẩm An đến khu vực An Bàng… Vì vậy, nhu cầu đầu tư xây dựng dự án chống xói lở khẩn cấp 1.500m bờ biển rất cấp bách, không trùng lắp với các dự án đã được đầu tư.
Người dân lo lắng
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sau đợt mưa bão cuối năm 2021, bờ ngăn sóng (thiết lập bằng hàng trăm bao cát) bị nhấn chìm. Dãy cọc tre cũng hư hỏng, cả trăm mét bờ kè bằng đá phía sau dãy nhà hàng bị quật sập, hàng loạt gốc dừa ven biển bật gốc…
Ông Võ Văn Dương, chủ một nhà hàng dọc bờ biển, cho biết tình trạng sạt lở diễn ra nhiều năm nay và ngày một nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm sóng biển xâm thực vào bờ hàng chục mét buộc nhiều chủ nhà hàng phải đầu tư gia cố bằng bao tải cát. “Nhưng dùng bao cát chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, nếu không có biện pháp kè hữu hiệu thì sẽ không có cách nào ngăn cản được sự tấn công của sóng biển. Hiện khu vực phía sau nhiều nhà hàng đã bị sạt lở, chuyện đổ sập chỉ là vấn đề thời gian”, ông Dương nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh, một chủ nhà hàng khác, than phiền về chuyện nhiều hàng quán ven biển Hội An phải đóng cửa do vướng dịch Covid-19 hơn 2 năm qua, nay mới mở cửa trở lại nhưng vẫn chưa yên tâm. “Sạt lở bờ biển đang đe dọa các nhà hàng. Một khi chưa tìm ra biện pháp nào để “trị” triệt để, chúng tôi rất lo”, bà Ánh nói.
Cần giải pháp công trình đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết qua nhiều năm, địa phương nhận thấy phương án hiệu quả nhất để vừa chống sạt lở vừa tái tạo bãi tắm phục vụ du lịch là xây dựng kè mái nghiêng bằng tấm lát bê tông đặt trong hệ khung giằng ngang dọc bằng bê tông cốt thép. Ngoài ra còn có kè mềm bằng túi địa kỹ thuật, kè mềm bằng túi Geotube và 4 tuyến kè thẳng đứng. “Việc làm kè cứng tất nhiên sẽ mất đi sự tự nhiên của bãi biển, nhưng tạo hiệu quả hạn chế được sạt lở”, ông Sơn nói.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng khẳng định, để bãi biển Hội An sớm hình thành và ổn định, cần ít nhất 3 triệu m3 cát bổ sung vào bên trong đê ngầm (nuôi bãi tạo bờ). “Nhiều hội thảo trong nước và quốc tế đã được tổ chức để phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Các chuyên gia hàng đầu đều đánh giá sạt lở khu vực này rất phức tạp, cần giải pháp công trình đồng bộ. Hoàn toàn không có giải pháp thích ứng với tự nhiên nào trong trường hợp cụ thể này”, ông Thanh nói.
Bình luận (0)