Vẫn lo thiếu điện dù sản lượng tăng trưởng hơn 4,6% so năm ngoái

02/11/2023 16:29 GMT+7

Những thách thức không nhỏ trong công tác cung ứng điện năm 2024 buộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang chủ động đưa loạt giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm cung ứng điện cho các tháng cuối năm nay và năm 2024.

Thông tin từ EVN, dự kiến, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống cả năm 2023 ước đạt 280,6 tỉ kWh, tăng trưởng 4,6% so với năm 2022. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, sự nỗ lực của EVN và các đơn vị thành viên, đại diện EVN khẳng định, tình hình cung cấp điện các tháng cuối năm nay sẽ được đảm bảo.

Về tình hình cung ứng điện năm 2024, ngày 2.11, EVN cho biết, tập đoàn và các đơn vị thành viên đã chủ động tính toán, triển khai quyết liệt các giải pháp để cung ứng điện đầy đủ. Cụ thể, quản lý vận hành các nhà máy an toàn, ổn định; hạn chế tối đa sự cố, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc trong cao điểm mùa khô năm 2024. EVN và các đơn vị thành viên sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện, tổng thể các tổ máy; thực hiện duy tu, bảo dưỡng định kỳ theo đúng kế hoạch; kịp thời sửa chữa, thay thế các thiết bị... bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy.

Vẫn lo thiếu điện dù sản lượng tăng trưởng hơn 4,6% so năm ngoái - Ảnh 1.

Đến cuối năm nay, EVN và các đơn vị thành viên sẽ hoàn thành sửa chữa lớn và đưa vào vận hành 17 tổ máy phát điện với tổng công suất 5.200 MW

NHẬT THỊNH

Song song đó, các nhà máy điện cũng tiến hành sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên các tổ máy đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; có phương án khắc phục nhanh nhất sự cố nguồn điện trong phạm vi quản lý, bảo đảm các tổ máy đủ khả năng hoạt động tối đa công suất; đồng thời thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thủy triều xuống thấp... 

Dự kiến đến cuối năm nay, tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ cơ bản hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa các tổ máy, sẵn sàng cho phát điện mùa khô 2024. Trong đó, hoàn thành sửa chữa lớn và đưa vào vận hành 17 tổ máy phát điện với tổng công suất hơn 5.200 MW.

Có phương án huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc để đảm bảo tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất vào cuối năm 2023, chuẩn bị cho phát điện mùa khô năm 2024.

Ngoài ra, EVN cho biết sẽ sớm báo cáo với Bộ NN-PTNT có phương án sử dụng tiết kiệm, hiệu quả lượng nước xả từ các hồ thủy điện phục vụ đổ ải vụ đông xuân năm 2023 - 2024, để phục vụ phát điện trong mùa khô, với mục tiêu tiết kiệm và giữ ở mức 3,5 tỉ m3 (tương đương năm 2023). Để đạt được mục tiêu này, EVN kiến nghị các địa phương cần có kế hoạch chủ động chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ thủy điện ở phía Bắc.

Trong tháng 10 vừa qua, EVN cho biết đã ký biên bản thống nhất với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc đảm bảo cung cấp đủ than theo nhu cầu huy động các nhà máy điện của EVN và các Tổng Công ty phát điện; đang tiếp tục làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) để có phương án đảm bảo khí cho các nhà máy điện khí khu vực Đông Nam bộ trong năm 2024. 

Về lưới điện, EVN cho biết đã chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đặc biệt tập trung tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối gồm 4 dự án thành phần. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa. EVN và EVNNPT đang khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành hoàn thiện các thủ tục pháp lý, triển khai các bước tiếp theo để khởi công 3 dự án thành phần còn lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Song song đó, EVN đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện và lưới điện, nhất là các dự án lưới điện phục vụ liên kết nhập khẩu điện Lào, các công trình phục vụ đấu nối nguồn điện...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.