Ngày 23.11, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị này vừa tổ chức họp bàn với Sở Du lịch, Sở VH-TT, UBND TP.Hạ Long; Ban quản lý vịnh Hạ Long và các doanh nghiệp có liên quan họp bàn phương án tổ chức, giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại di sản vịnh Hạ Long.
Theo báo cáo của UBND TP.Hạ Long, hiện nay trên vùng nước di sản của vịnh Hạ Long có 10 đơn vị; trong đó có 5 đơn vị kinh doanh chèo thuyền kayak; 5 đơn vị kinh doanh đò chèo tay tại 8 vùng nước đã được quy hoạch, gồm: Hang Luồn, Ba Hang, Cửa Vạn, Vung Viêng, Cửa Vạn, Hang Cỏ, vụng Tùng Sâu, hồ Động Tiên - hang Trinh Nữ và Cống Đỏ.
Ngoài ra, còn có Công ty CP dịch vụ vịnh Hạ Long đã được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho phép kinh doanh chèo kayak tại khu vực hang Luồn nhưng chưa được hoạt động vì vướng Nghị định 48/2019/NĐ-CP (Nghị định 48).
Trước tình hình trên, tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương đã đưa ra 2 phương án để báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh gồm: hoàn thiện thủ tục để các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long tuân thủ theo Nghị định 48.
Nếu triển khai phương án này, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh giao Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tổ chức lập, hoàn thiện quy hoạch các khu vực dành cho “vui chơi giải trí dưới nước” trên vịnh Hạ Long.
Hoạt động kinh doanh chèo thuyền kayak tại khu vực Hang Luồn |
l.n.h |
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Ban Quản lý vịnh Hạ Long là chủ đầu tư xây dựng các khu “vui chơi giải trí dưới nước” trên vịnh Hạ Long theo quy hoạch được duyệt, sau khi chấp thuận, công bố theo quy định tại Nghị định 48, toàn bộ phần mặt nước và cơ sở hạ tầng tại các khu vui chơi, giải trí trên sẽ do Ban Quản lý vịnh Hạ Long quản lý; Ban Quản lý vịnh Hạ Long ký hợp đồng cho các đơn vị vào kinh doanh, khai thác tại các điểm.
Phương án thứ 2 được Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đề xuất là tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long không phải điểm vui chơi giải trí dưới nước và tổ chức quản lý hoạt động theo quy định của luật Di sản, luật Du lịch, luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác về tài nguyên, môi trường, an ninh, an toàn....
Bên cạnh đó, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đây là nội dung khó, còn nhiều nội dung chưa rõ để áp dụng thực hiện đảm bảo quy định, chính vì vậy đơn vị này đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thêm 1 cuộc họp nữa, gồm các sở, ban, ngành, địa phương: Sở Tư pháp; Sở GTVT; Sở VH-TT; Sở Du lịch; Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Sở TN-MT; Sở Xây dựng; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; UBND TP.Hạ Long và các đơn vị có nhu cầu tổ chức, kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long, để tiếp tục xem xét giải quyết nội dung trên đảm bảo triệt để, thấu đáo.
Trước đó, Thanh Niên đã có bài phản ánh về các hoạt động kinh doanh vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long không tuân thủ Nghị định 48. Đặc biệt, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên vịnh Hạ Long dù chưa được giao vùng nước hoạt động nhưng vẫn khai thác kinh doanh tại đây.
Bình luận (0)